Tiếng Việt | English

16/04/2020 - 17:59

Nỗ lực đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng

Dù nhận thức và hiểu biết đúng về công tác dân số (DS) nhưng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, muốn sinh nhiều con trai vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Đây chính là định kiến giới - nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Vì vậy, ngành DS tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) về mức cân bằng.

Xã hội thừa nam, thiếu nữ, nhiều nam giới không có cơ hội kết hôn, điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường
Xã hội thừa nam, thiếu nữ, nhiều nam giới không có cơ hội kết hôn, điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường
Hệ lụy mất cân bằng giới tính sau khi sinh

Những năm gần đây, số bé trai được sinh ra liên tục tăng lên so với bé gái. Tình trạng này được xác định là MCBGTKS và dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh - Đoàn Văn Ngà nhận định: “Mặc dù TSGTKS của tỉnh đang có xu hướng giảm nhưng sự kiểm soát giới tính khi sinh giữa các huyện chưa đồng đều, vẫn còn một số huyện có TSGTKS cao. Nếu như không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và kịp thời thì sẽ dẫn đến tình trạng MCBGTKS và nhiều hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh chính trị. Nhiều nam giới trong độ tuổi kết hôn phải sống trong tình trạng độc thân vì thiếu nữ, khiến cấu trúc gia đình bị phá vỡ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng DS”.

Những năm qua, ngành DS tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát MCBGTKS. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố. Mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên và Đề án Kiểm soát MCBGTKS cũng được chú trọng thực hiện. Từ đó, nhận thức của người dân về thực hiện các chế độ, chính sách DS-KHHGĐ, bình đẳng giới được nâng cao.

Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác kiểm soát MCBGTKS. Cuối năm 2019, TSGTKS của huyện là 101 trẻ sinh nam/100 trẻ sinh nữ. Toàn huyện hiện có 62 ấp, khu phố và 6 xã (Phước Lý, Long Thượng, Long Phụng, Phước Hậu, Phước Lâm và Thuận Thành) không có người sinh con thứ 3 trở lên. Phát huy những kết quả đã đạt, huyện tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, triển khai hiệu quả các mô hình, đề án nhằm từng bước thay đổi tâm lý phải có con trai nối dõi, thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; xây dựng mô hình gia đình sinh đủ 2 con, có cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Truyền thông giúp các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức (Ảnh tư liệu)

Truyền thông giúp các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức (Ảnh tư liệu)

Gái hay trai đều quý như nhau

Thực tế cho thấy, khi con cái được chăm sóc, nuôi dạy tốt, thì dù là con trai hay con gái, việc hiếu nghĩa cũng như nhau. Điển hình như anh Trần Lê Minh Tùng và chị Dương Đặng Thùy Trinh (ấp 4, xã Bình Tâm, TP.Tân An) dù có 2 con đều là gái nhưng gia đình anh chị luôn có cuộc sống hạnh phúc.

Anh Trần Lê Minh Tùng bày tỏ: “Vợ chồng tôi đều quan niệm “dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”. Con trai hay con gái đều quý như nhau, quan trọng là 2 con được chăm sóc, học hành đàng hoàng. Các con học giỏi, chăm ngoan là niềm vui và hạnh phúc lớn đối với vợ chồng tôi”.

Hiện nay, nhiều gia đình vẫn không hài lòng với việc sinh con “một bề”. Đặc biệt, những gia đình sinh con “một bề” là gái thì muốn kiếm thêm con trai với quan niệm sau này nối dõi và chăm sóc cha mẹ già. Cũng có nhiều trường hợp gia đình khá giả dù đã “đủ nếp, đủ tẻ” nhưng vẫn muốn sinh thêm cho “vui nhà, vui cửa”.

Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Dù đã có 2 con (1 trai, 1 gái) nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định sinh thêm. Biết rằng sinh thêm con sẽ vất vả nhưng niềm vui cũng nhân lên gấp bội”.

Tình trạng “trọng nam, khinh nữ” dẫn đến MCBGTKS về lâu dài là nghiêm trọng. Xã hội sẽ thừa nam, thiếu nữ, nhiều nam giới không có cơ hội kết hôn, điều này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường. Từ những câu chuyện của gia đình hạnh phúc “một bề”, có thể thấy rằng, điều quan trọng không phải là việc sinh con trai hay con gái mà chính là việc giáo dục con trở thành người có ích. Vì vậy, đưa TSGTKS về mức cân bằng là việc làm cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng DS.

Năm 2020, ngành dân số (DS) tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện các mô hình, đề án nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội trong việc thực hiện mô hình gia đình có đủ hai con. Ngành phấn đấu duy trì tỷ số giới tính khi sinh năm 2020 dưới 107 nam/100 nữ; 89 xã, phường, thị trấn và 83% ấp, khu phố không có người sinh con thứ ba trở lên; 100% ấp, khu phố rà soát bổ sung đầy đủ các nội dung về DS-KHHGĐ theo mục tiêu giai đoạn 2016-2020 và ban hành quy ước theo đúng quy định.

100% hệ thống chính trị và trên 80% người dân nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ ba trở lên; vị trí, vai trò của quy ước, nghĩa vụ và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với công tác DS-KHHGĐ./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết