Tiếng Việt | English

27/03/2025 - 08:37

Ở phố hay về quê: Đâu là 'bến đỗ' phù hợp của các bạn trẻ?

Sự phát triển của xã hội đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho giới trẻ nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới. Liệu sức hấp dẫn của các tòa nhà cao tầng và nhịp sống năng động chốn thành thị hay sự bình yên, giản dị của vùng quê sẽ thu hút các bạn trẻ “dừng chân”?

Rời xa vùng quê yên bình xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, chị Nguyễn Thị Thùy Duyên lựa chọn TP.HCM làm nơi lập nghiệp. Với vai trò là biên tập viên truyền thông - báo chí, cô gái trẻ từng bước khẳng định bản lĩnh và đam mê giữa nhịp sống năng động của thành phố.

Thuộc thế hệ Gen Z mới ra trường, chị Duyên nhận thấy TP.HCM mang đến nhiều thuận lợi như cơ hội nghề nghiệp rộng lớn; gia tăng trải nghiệm, mở rộng tư duy và tăng khả năng tự lập, trưởng thành nhanh chóng hơn.

Chị Nguyễn Thị Thùy Duyên (xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa) đảm nhận biên tập chương trình Mùa xuân TP.HCM phát sóng trên Đài Truyền hình TP.HCM vào dịp đầu năm 2025

Tuy nhiên, lập nghiệp ở thành phố cũng đi kèm với không ít khó khăn như chi phí sinh hoạt đắt đỏ, áp lực cạnh tranh trong công việc và nỗi nhớ gia đình.

"Trung bình mỗi tháng, tôi phải dành gần 50% thu nhập cho các nhu cầu cơ bản và tự lo toan từ việc lớn đến việc nhỏ. Nhiều khi tôi cũng tủi thân vì những lúc ốm đau không có gia đình cạnh bên” - chị Duyên nói.

Để vượt qua những khó khăn này, cô gái trẻ học cách lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, tận dụng các cơ hội phát triển bản thân và luôn duy trì tinh thần lạc quan. "Dù đôi lúc có những thử thách nhưng tôi tin rằng, mỗi trải nghiệm đều giúp tôi “cứng cáp” hơn trên hành trình lập nghiệp. Trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động, tôi cố gắng nâng cao năng lực để thích nghi bởi TP.HCM là nơi hội tụ nhiều nhân tài, nếu không liên tục học hỏi sẽ rất dễ bị tụt lại phía sau” - chị Duyên tâm sự.

Bên cạnh công việc chính, chị Duyên còn dành thời gian để học tập, trau dồi kỹ năng qua tham gia các khóa học IELTS, marketing để mở rộng kiến thức, ứng dụng vào công việc.

Nhờ những nỗ lực không ngừng, chị góp mặt trong đội ngũ sản xuất nhiều chương trình truyền hình ý nghĩa như Mùa Xuân TP.HCM, Gương mặt Việt Nam, Gương mặt truyền hình (The TV Face) và biên tập các ấn phẩm đặc biệt như Chạm thức, Bản lĩnh blouse trắng.

Chia sẻ về dự định tương lai, chị Duyên cho biết tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh, học thêm văn bằng hai hoặc thạc sĩ để nâng cao chuyên môn. "Tôi tin rằng một sức khỏe tốt, cả về thể chất lẫn tinh thần sẽ giúp làm việc hiệu quả hơn và có đủ năng lượng để theo đuổi đam mê" - chị Duyên nói.

Khác với nhiều bạn trẻ, chị Nguyễn Yến Nhi (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) quyết định rời phố về quê sinh sống và làm việc vì muốn dành nhiều thời gian chăm sóc người thân. Hiện chị đảm nhận vị trí nhân viên văn phòng cho một công ty nhựa.

Quyết định trở về quê hương lập nghiệp không phải dễ dàng, đặc biệt là khi chị đang ở độ tuổi mà nhiều bạn bè đồng trang lứa say mê chinh phục đỉnh cao sự nghiệp tại các thành phố lớn. Thế nhưng, chị Nhi nhận ra, mặc dù làm việc ở các thành phố lớn mang đến cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn và cuộc sống năng động nhưng cũng đi kèm với những áp lực không phải ai cũng chịu được.

"Tôi thích ở gần cha mẹ, ăn bữa cơm gia đình ấm cúng, cùng cha mẹ chăm sóc vườn tược, chuyện trò sau những giờ làm căng thẳng nên muốn tìm công việc gần nhà. Hơn nữa, tôi nhận thấy quê hương đang trên đà phát triển với nhiều cơ hội việc làm mới, những dự án đầu tư đầy tiềm năng nên tôi càng chắc chắn về quyết định của mình” - chị Nhi bộc bạch.

Theo chị, chọn về quê làm việc cũng có nhiều thuận lợi khác như mức sống thấp hơn thành phố, không khí trong lành, hạn chế tình trạng kẹt xe và tiết kiệm chi phí thuê trọ.

Chị Nguyễn Yến Nhi (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) quyết định "bỏ phố về quê" và đảm nhận vị trí nhân viên văn phòng cho một công ty nhựa

Tuy vậy, chị cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. “Khi lựa chọn về quê, tôi cũng phải chấp nhận chuyện không có nhiều cơ hội việc làm, chế độ đãi ngộ chưa cao và ít phương thức giải trí, chăm sóc sức khỏe, ăn uống,... hơn các thành phố lớn. Công việc ở quê mang lại nguồn thu nhập tốt so với mặt bằng chung nhưng khối lượng công việc tương đối nhiều" - chị Nhi cho biết.

Để vượt qua những thách thức này, cô gái trẻ cố gắng trau dồi kỹ năng, học hỏi thêm kiến thức và tìm kiếm những cơ hội phát triển bản thân. Chị thường xuyên tham gia các buổi workshop về cơ hội việc làm, học thêm tiếng Anh và tiếng Trung để nâng cao trình độ.

Trong thời gian tới, chị Nhi dự định sẽ nâng cao kỹ năng văn phòng và tìm hiểu thêm những lĩnh vực khác để đa dạng hóa công việc liên quan đến ngành nghề đang theo đuổi.

Phố thị phồn hoa hay vùng quê yên bình đều mang đến những cơ hội và thách thức riêng. Trước khi đưa ra quyết định lựa chọn “bến đỗ” phù hợp, người trẻ cần xác định rõ mục tiêu, chuẩn bị hành trang vững chắc và không ngừng nỗ lực để xây dựng tương lai tươi sáng./.

Ngọc Hân

Chia sẻ bài viết