Tiếng Việt | English

23/09/2021 - 15:43

Phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng

Cùng với cả nước, thời gian qua, tỉnh Long An đã, đang và sẽ đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Đây được xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Để thực hiện hiệu quả công tác này đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ phải được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện thường xuyên (Ảnh minh họa)

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ phải được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện thường xuyên (Ảnh minh họa)

Từ năm 2010-2020, xét xử 39 vụ án tham nhũng

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, những năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng được quan tâm hơn và bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Từ năm 2010-2020, tỉnh đưa ra xét xử 39 vụ án tham nhũng với 46 bị cáo. Trong đó, tội tham ô tài sản 19 vụ/19 bị cáo; tội nhận hối lộ 5 vụ/7 bị cáo; tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản 9 vụ/9 bị cáo; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 3 vụ/3 bị cáo; tội giả mạo trong công tác 3 vụ/5 bị cáo; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 1 vụ/4 bị cáo.

Trong số các vụ việc trên, có 1 đối tượng bị tòa kết án mức hình phạt 20 năm tù. Các trường hợp còn lại đều bị truy tố và xét xử đối với các tội danh có khung hình phạt từ dưới 18 năm tù; có 11 trường hợp cho hưởng án treo và 1 trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.

Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng mang tính có tổ chức, lợi ích nhóm. Tuy nhiên, trong số những vụ được phát hiện, xử lý cũng có trường hợp tham nhũng với số tiền hàng tỉ đồng, có vụ hàng trăm triệu đồng.

Giai đoạn 2014-2016, có một trường hợp lợi dụng công việc, vị trí được giao để tham ô tài sản. Theo cáo trạng, trong giai đoạn này, khi đang công tác tại đơn vị, đối tượng lập 20 bộ chứng từ là ủy nhiệm chi giả, giả chữ ký giám đốc và dùng con dấu của cơ quan đang công tác đóng dấu xác nhận để chuyển tiền từ tài khoản của đơn vị đến tài khoản của cá nhân và một số người quen biết. Sau đó, đối tượng nhờ các chủ tài khoản rút tiền đưa lại cho mình. Với phương thức này, đối tượng chiếm đoạt tổng cộng hơn 1,7 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt, đối tượng hạch toán khống vào mục chi của đơn vị. Khi cấp trên thẩm định, xét duyệt, quyết toán, nếu phát hiện chi thiếu chứng từ kế toán thì đối tượng giải thích các trường hợp chưa làm thủ tục quyết toán, sẽ bổ sung sau. Năm 2019, tòa án đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt đối tượng 20 năm tù giam.

Cách đây vài năm, có một trường hợp lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đe dọa, chiếm đoạt tài sản của một doanh nghiệp. Cụ thể, người này được phân công làm trưởng đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp tại một công ty (Cty). Trong thời gian 5 ngày kiểm tra, người này phát hiện Cty có nhiều sai phạm trong việc kê khai thuế, báo cáo thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đây, người này chủ động đặt vấn đề với giám đốc Cty và yêu cầu chi tiền bồi dưỡng để làm lại báo cáo, trình lãnh đạo xem xét giảm tiền phạt vi phạm cho Cty. Sau đó, người này đến quán cà phê để nhận trước của doanh nghiệp số tiền 200 triệu đồng thì bị lực lượng công an ập vào bắt quả tang cùng tang vật. Đối tượng sau đó bị tòa án tuyên phạt 6 năm tù giam.

Qua 2 vụ việc trên rút ra những bài học trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, nhân viên tại đơn vị, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Theo thống kê, giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh có 21 trường hợp người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Trong đó, cách chức 1 người, giáng chức 1 người, cảnh cáo 7 người, khiển trách 9 người, phê bình 3 người. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn quản lý đã có tác dụng răn đe; đồng thời, qua đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ PCTN.

Công khai, minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát

Để thực hiện tốt công tác PCTN, thời gian tới, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện hiệu quả việc công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về thực hiện những chế độ, tiêu chuẩn, định mức; đôn đốc, kiểm tra, nâng cao hiệu quả việc thực hiện minh bạch tài sản thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý để phát huy hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Đồng thời, các cấp, các ngành tiếp tục chú trọng giải quyết có hiệu quả những đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, doanh nghiệp và công dân liên quan đến các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng. Cùng với nhiều giải pháp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức phải gương mẫu, đề cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện PCTN.

Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy - Nguyễn Thành Vững, các cấp, các ngành phải quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, PCTN; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; quan tâm khắc phục những hạn chế trong công tác phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện theo đúng quy định của pháp luật;...

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị nghiêm túc đánh giá những sơ hở, thiếu sót trong quản lý KT-XH. Từ đó, cơ quan, đơn vị, tổ chức kịp thời bổ sung cơ chế, chính sách, khắc phục những tồn tại, yếu kém, đưa ra các giải pháp phòng ngừa tham nhũng phù hợp./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết