Tiếng Việt | English

10/11/2017 - 11:37

Phát huy vai trò quan trọng vận tải đường thủy nội địa

Long An có hệ thống giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) rất thuận lợi, góp phần giảm áp lực cho đường bộ, đồng thời thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững.


Hệ thống giao thông đường thủy nội địa thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Long An phát triển bền vững

Tiềm năng phát triển đường thủy nội địa

Long An có 2 con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây hợp nhất thành sông Vàm Cỏ đổ ra cửa biển Soài Rạp. Đây là 2 tuyến ĐTNĐ hết sức quan trọng, dọc 2 bên bờ có hàng trăm bến thủy nội địa, bến khách ngang sông (bến đò).

Bên cạnh đó, tỉnh còn có hàng ngàn kilômét kênh, rạch lớn, nhỏ kết nối với 2 dòng sông hình thành nên hệ thống giao thông ĐTNĐ chằng chịt, tỏa đi khắp nơi trong, ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ vận chuyển hàng hóa và hành khách không chỉ cho Long An mà còn cho các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Điển hình có kênh: Thủ Thừa, Dương Văn Dương, 79, 12, Xáng Lớn, 61, Bo Bo, Nhơn Xuyên,...

Theo Cảng vụ ĐTNĐ Long An, thuận lợi lớn nhất trong công tác quản lý là đơn vị được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) quan tâm chỉ đạo, giúp hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng, quí. Các phòng, ban thuộc Sở GTVT phối hợp tốt đơn vị, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của tổ chức và cá nhân hoạt động bến thủy nội địa. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân hoạt động bến thủy nội địa chấp hành tốt các quy định hoạt động.

Theo Cảng vụ ĐTNĐ Long An, thời gian qua, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực ĐTNĐ, không để xảy ra tai nạn trong vùng nước trước bến thủy, bến khách ngang sông, trong đó chú trọng những đối tượng vận tải hành khách (chủ bến đò, thuyền trưởng, thủy thủ, người qua đò,...).

Ông Trần Vũ Quốc Việt - chủ bến đò Chú Tiết, phường 1, TP.Tân An, cho biết: “Cảng vụ viên và cán bộ Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chúng tôi chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi vận chuyển hành khách qua sông. Đồng thời, hướng dẫn những biện pháp giảm ùn ứ giao thông, nhất là sắp tới, khi cấm lưu thông qua cầu Tân An 1, lượng hành khách qua lại bến sẽ tăng cao”.

Tính đến cuối tháng 10/2017, Cảng vụ ĐTNĐ Long An tổ chức 7 đợt hội nghị triển khai, phổ biến Luật Giao thông ĐTNĐ và các văn bản pháp luật liên quan đến trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) ĐTNĐ cho 1.170 lượt chủ cảng, bến, chủ phương tiện và người lái phương tiện ĐTNĐ trên các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An biết để thực hiện.

Theo quy định, Cảng vụ ĐTNĐ chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vùng nước trước bến thủy nội địa, do được cấp giấy phép hoạt động, đồng thời quản lý phương tiện vào và rời cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Đa số các chủ bến thủy nội địa, bến khách ngang sông chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông ĐTNĐ.


Đa số bến thủy nội địa (bến bốc xếp hàng hóa - bến đò ngang) trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ

Hiện, Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An quản lý 471 bến thủy nội địa, gồm: 133 bến khách ngang sông, 338 bến thủy nội địa. Trong đó, 78 bến hết hạn hoạt động (22 bến khách ngang sông, 56 bến thủy nội địa) và 41 bến không có phép (15 bến khách ngang sông, 26 bến thủy nội địa). Công tác kiểm tra cấp giấy phép hoạt động đến tháng 10/2017: Kiểm tra cấp mới giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa 30 bến; kiểm tra cấp lại giấy phép hoạt động cảng, bến thủy nội địa 255 bến, tổng cộng 285 bến.

Tăng cường quản lý

Qua kiểm tra cho thấy, còn một vài chủ bến, chủ phương tiện và người lái phương tiện chưa quan tâm đến quy định trong Luật Giao thông ĐTNĐ và các văn bản pháp luật liên quan. Do đó, tồn tại nhiều bến hoạt động không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ĐTNĐ còn hạn chế: Không mặc áo phao, sử dụng phao cầm tay, dụng cụ cứu sinh khi qua phà; không đăng ký, đăng kiểm phương tiện, giao phương tiện cho người chưa có bằng lái điều khiển;...

Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ Long An - Đinh Công Khanh cho biết: Các bến khách ngang sông và bến thủy hoạt động không có giấy phép đã được các cảng vụ viên Cảng vụ ĐTNĐ Long An kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hoạt động bến và hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy phép. Tuy nhiên, nhiều chủ bến chưa chấp hành. Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc mà cảng vụ sẽ tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới.


Cán bộ Cảng vụ Đường thủy nội địa Long An kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông bến đò ngang

Theo Cảng vụ ĐTNĐ Long An, bất cập nhất hiện nay về công tác quản lý: Việc kiểm tra, cấp giấy phép hoạt động và bảo đảm TTATGT các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm của Cảng vụ ĐTNĐ thuộc Sở GTVT. Nhưng đơn vị lại chỉ được cấp giấy phép cho phương tiện vào và rời bến thủy nội địa, trên tuyến ĐTNĐ do tỉnh quản lý. Trong khi các cảng, bến thủy nội địa trên tuyến ĐTNĐ thuộc Trung ương quản lý (nằm trên địa bàn tỉnh) lại do Cảng vụ ĐTNĐ thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam khu vực III kiểm tra, thu phí, lệ phí, không nộp vào ngân sách của tỉnh để chi cho việc bảo đảm TTATGT của tỉnh; nhưng Cảng vụ ĐTNĐ Long An sẽ chịu mọi trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra đối với các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, kể cả tuyến do Trung ương quản lý.

Để làm tốt hơn công tác quản lý, Cảng vụ ĐTNĐ Long An kiến nghị: Lãnh đạo Sở GTVT trình UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT giao tất cả bến thủy nội địa trên địa giới hành chính của tỉnh Long An cho Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Sở GTVT thu phí, lệ phí đối với các phương tiện vào và rời cảng, bến để nộp vào ngân sách của tỉnh nhằm hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác bảo đảm TTATGT ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh.

Ông Đinh Công Khanh nhấn mạnh: Những tháng cuối năm, Cảng vụ ĐTNĐ Long An phối hợp Phòng Cảnh sát đường thủy, Thanh tra GTVT bảo đảm TTATGT ĐTNĐ khi sửa chữa cầu Tân An 1; tiếp tục thực hiện công tác bảo đảm TTATGT ĐTNĐ vào cuối mùa mưa lũ, chú trọng đến các huyện vùng Đồng Tháp Mười; tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm TTATGT ĐTNĐ phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích