Tiếng Việt | English

15/03/2021 - 15:34

Phía sau những chuyến du lịch miễn phí

Được đi du lịch khắp nơi nhưng chẳng tốn chi phí có lẽ là mơ ước của nhiều người. Mọi người vẫn truyền tai nhau “làm hướng dẫn viên (HDV) du lịch sướng lắm, vừa được đi chơi đây đó, vừa được trả tiền”. Nhưng mấy ai biết được, đằng sau những chuyến đi miễn phí ấy là bao nỗi nhọc nhằn, sự đánh đổi.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, ngành Việt Nam học, anh Võ Phước Thịnh đã có nhiều năm ngắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, ngành Việt Nam học, anh Võ Phước Thịnh đã có nhiều năm ngắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch

Để tìm hiểu về công việc của một HDV du lịch, chúng tôi có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với anh Võ Phước Thịnh (SN 1994), ngụ phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An. Hiện anh làm HDV cho một công ty du lịch tại TP.HCM. Dáng người cao ráo, làn da rám nắng, anh diện trang phục năng động với quần jean, áo phông trắng, giày thể thao. Giọng nói lưu loát, tính cách hài hước là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với anh.

Lý giải sự tò mò của nhiều người về “ánh hào quang” của nghề HDV du lịch, chúng tôi mở đầu câu chuyện bằng những góc khuất của nghề. 5 năm gắn bó với nghề, anh Thịnh mới thấm thía câu nói “cái gì cũng có giá của nó”. Anh Thịnh trải lòng: “Đặc thù của nghề này là thức khuya, dậy sớm. Đón khách xa thì rời khỏi nhà lúc 1-2 giờ, trả khách lúc 21-22 giờ. Nhất là vào những đợt cao điểm như lễ, nghỉ hè, nhịp độ làm việc liên tục, mỗi ngày làm mười mấy giờ là chuyện bình thường. Đến bữa ăn, HDV phải bảo đảm cho khách được đầy đủ, ăn sau khách nhưng phải xong trước khách, ăn uống không đúng giờ nên làm nghề này dễ bị đau bao tử”.

Được biết, bên cạnh việc ăn uống thì chuyện ngủ cũng là một trong những khó khăn của những người làm nghề, trong một số tình huống, HDV phải ở chung phòng với HDV và tài xế của những đoàn khác. Anh Thịnh chia sẻ, cũng có nhiều vấn đề khó khăn, tế nhị trong sinh hoạt, nhất là đối với HDV nữ, như báo chí đưa tin từng có trường hợp HDV bị quấy rối, xâm hại.

Với những người làm nghề HDV du lịch, “cái giá” của những chuyến đi miễn phí không chỉ là khoảng thời gian làm việc liên tục, áp lực, chuỗi ngày sống xa gia đình mà còn cả những nguy hiểm rình rập sức khỏe, bản thân. Đặc biệt, “tuổi thọ” của nghề này khá ngắn, nhất là đối với nữ giới. Áp lực từ công việc, gia đình khiến nhiều chị em phải bỏ nghề hoặc chuyển sang hướng điều hành tour.

Đằng sau những chuyến du lịch miễn phí là bao nỗi nhọc nhằn, sự đánh đổi

Đằng sau những chuyến du lịch miễn phí là bao nỗi nhọc nhằn, sự đánh đổi

Quay lại cơ duyên đưa chàng sinh viên ngành Việt Nam học của Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đến với nghề HDV du lịch, anh Thịnh cho biết: “Trước đây, tôi cũng không nghĩ mình theo nghề HDV du lịch nhưng chắc do nghề chọn mình. Ngành Việt Nam học không dạy chuyên sâu về du lịch nhưng thời sinh viên thì có đi thực tế. Từ những chuyến đi, được cầm micro trò chuyện cùng mọi người, được tiếp xúc với nghề rồi đâm ra mê luôn công việc này. Để theo đuổi nghề, tôi bắt đầu làm phụ tour từ thời sinh viên”.

Nhắc về những kỷ niệm với nghề, anh Thịnh tiết lộ, kỷ niệm thì nhiều lắm nhưng điều làm anh nhớ nhất là lần dẫn đoàn sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Trên chuyến xe từ Đà Lạt về Cần Thơ trả khách, anh Thịnh có dịp trò chuyện cùng các bạn về cuộc sống thay vì nói về những cảnh đẹp sau 12 ngày rong ruổi cùng nhau. Anh Thịnh kể lại, mọi người cùng nhau trò chuyện rôm rả, có nụ cười và cả những giọt nước mắt. Sau chuyến đi, nhiều bạn tâm sự, bản thân có thêm quyết tâm, động lực để theo đuổi công việc HDV du lịch.

Khi được hỏi điều gì đã “giữ chân” anh với nghề, anh Thịnh cười, nói: “Làm nghề này phải đam mê, đến với nghề là duyên, sống với nghề được bao lâu là tùy đam mê của mỗi người. Trước đây, tôi từng có khoảng thời gian bỏ nghề để chuyển sang kinh doanh quán ăn nhưng vì nhớ nghề, cuồng chân nên quay lại. Nghề này cho tôi nhiều trải nghiệm, bản thân cảm thấy may mắn vì được đặt chân đến nhiều nơi, thưởng thức đặc sản của các vùng, miền, đặc biệt là được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người. Mặc dù cũng có những lúc “chùn chân, mỏi gối” dừng lại nhưng chắc vì “nghiệp” nên tôi quay lại rồi theo đến giờ”.

Dẫu biết công việc nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng nhưng trong mắt nhiều người, nghề HDV du lịch là công việc đặc biệt, hôm nay ở Việt Nam nhưng ngày mai đã bay đi nước ngoài. Chính vì vậy, đến với nghề đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài đam mê, người làm nghề HDV du lịch phải ăn nói lưu loát, giỏi ngoại ngữ, có sự am hiểu về lịch sử, văn hóa, đặc biệt là khả năng xử lý tình huống. Có nhiều yếu tố để tạo thành một HDV giỏi, có năng khiếu, sở hữu nhiều tài lẻ như: Kể chuyện vui, ca hát, tổ chức trò chơi,... cũng là một lợi thế./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích