Tiếng Việt | English

15/03/2024 - 11:30

Phía sau thầy trò Đường Tăng trong Lễ hội Làm Chay

Lễ hội Làm Chay được xem là lễ hội lớn nhất của người dân huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Trong lễ hội, cảnh thầy trò Đường Tăng đánh động diệt yêu thu hút nhiều khách chiêm ngưỡng, tham gia. Ít ai biết rằng, người hóa trang cho các nhân vật Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng lại là một cô giáo mầm non. Không chỉ gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, chị Lê Thị Ngọc Nữ (SN 1980, ngụ thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) còn có niềm đam mê với nghệ thuật hóa trang và là người “giữ lửa”, tiếp nối truyền thống của gia đình từ niềm đam mê đó.

Tỉ mỉ cho từng lớp hóa trang, chỉn chu cho từng chi tiết nhỏ trên trang phục cùng sự kết hợp diễn xuất của nhân vật tạo nên hình ảnh Tôn Ngộ Không giống trong phim

Từ nhỏ, chị Ngọc Nữ đã xem cha hóa trang cho các nhân vật trong Lễ hội Làm Chay, rồi niềm đam mê ấy ngấm vào chị khi nào không hay. Khi cha qua đời, chị nối bước, góp phần giữ gìn truyền thống gia đình.

Từ những nguyên liệu thô sơ, dễ tìm, qua bàn tay khéo léo, chị Ngọc Nữ làm thành những bộ trang phục ấn tượng, tạo nên linh hồn cho các nhân vật trong Tây Du Ký.

Chị Ngọc Nữ nói: “Mọi thứ đều được làm thủ công từ những nguyên liệu đơn sơ. Râu của Sa Tăng được làm từ tóc, phải chấm keo từng sợi tóc kết lại, cắt tỉa mới thành bộ râu hoàn chỉnh. Phần đầu được làm từ trái banh cắt ra, phần ngoài che bằng tóc. Đối với Tôn Ngộ Không, lấy đầu thuốc lá xé nhỏ gắn lên mặt, lên tay làm lông. Trư Bát Giới dùng lỗ mũi heo thật, luộc chín rồi khử mùi, tô vẽ lại”.

Chị Ngọc Nữ đã tiếp nối truyền thống nghệ thuật hóa trang của gia đình bằng tình yêu nghề và sự tâm huyết. Chị Ngọc Nữ chia sẻ: “Nếu ai muốn học, tôi sẵn sàng dạy chứ không giấu nghề.

Điều quan trọng nhất để hóa trang cho các nhân vật trong Tây Du Ký là phải có cái tâm, yêu nghề để thổi hồn vào nhân vật. Nhìn vào gương mặt của các nhân vật sau khi hoàn thành, tôi nghe những góp ý từ khán giả để điều chỉnh cho phù hợp”.

Với chị, dù có thâm niên trong nghề bao nhiêu năm đi nữa thì vẫn luôn phải trau dồi kiến thức, học hỏi những kỹ thuật mới để hoàn thiện công việc.

Để hóa trang thành công cho một nhân vật, trước tiên cần phải am hiểu tính cách của nhân vật đó

Để hóa trang thành công cho các nhân vật đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và đặt cái tâm của mình vào, dù là chi tiết nhỏ nhất. Cần hiểu rõ từng nhân vật từ tính cách đến ẩn ý bên trong của tác giả để hóa trang cho chính xác và sinh động, thể hiện được tinh thần của nhân vật hóa trang.

Chị Ngọc Nữ nhớ lại: “Lúc đầu khi chưa quen tay, mỗi lần hóa trang cho nhân vật đều phải mở hình ảnh ra để vừa nhìn, vừa làm, rất bất tiện, có khi một nhân vật phải làm gần 1 giờ mới hoàn thành. Lâu dần có kinh nghiệm hơn, cứ đến nhân vật nào là tôi bắt tay vào làm cho nhân vật ấy, chỉ tầm 30 phút là xong”.

Ngoài ra, trang phục, phụ kiện là một phần không thể thiếu để hoàn thành việc hóa trang cho nhân vật. Mỗi bộ trang phục, phụ kiện đều được chị chăm chút, kiểm tra và cất giữ cẩn thận.

Tỉ mỉ cho từng lớp hóa trang, chỉn chu cho từng chi tiết nhỏ trên trang phục, chị Ngọc Nữ đã “biến” một người bình thường thành một nhân vật trong phim một cách chân thật và sống động.

Với chị, được sống, được theo đuổi đam mê, tiếp nối truyền thống của gia đình và làm những gì yêu thích bằng tất cả trái tim là hạnh phúc không dễ gì có được.

Hơn ai hết, chị hy vọng nghệ thuật hóa trang sẽ có nhiều người biết đến và ngày càng phát triển hơn./.

Tuệ An - Minh An

Chia sẻ bài viết