"Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật bằng cách đánh tráo khái niệm”, đó là nhận định của Phó Đô đốc Pradeep Chauhan, Tổng Giám đốc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ.
Phó Đô đốc Pradeep Chauhan.
Phó Đô đốc Pradeep Chauhan cho rằng các hành động phi pháp của Trung Quốc thời gian gần đây thực chất là một cách đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa, với việc tính toán những phương thức mới “hô biến” các thực thể trên Biển Đông thành chủ quyền của họ.
PV: Thời gian qua, Trung Quốc có một loạt các hành động sai trái trên Biển Đông. Trong đó đặc biệt là động thái thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; điều máy bay trinh sát đến đảo đá Chữ Thập….thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông nghĩ sao về mục đích của Trung Quốc?
Phó Đô đốc Pradeep Chauhan: Kể từ khi Trung Quốc đưa ra cái gọi là Đường 9 đoạn tại Biển Đông, thế giới đã lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ. Trung Quốc đã đưa ra các công hàm của họ để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền tại các cơ chế pháp lý quốc tế.
Cho tới tận khi Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS, Trung Quốc vẫn khăng khăng nói rằng cái gọi là Đường 9 đoạn này của họ có giá trị. Chúng ta đều biết đường 9 đoạn này là tâm điểm của vụ kiện mà Phillippines khởi xướng năm 2016 yêu cầu Trung Quốc bác bỏ cái gọi là đường 9 đoạn. Chúng ta cũng đều đã biết kết quả phán quyết của vụ kiện này, Toà đã bác bỏ những yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Trung Quốc đã không xuất hiện tại Tòa. Trong vụ kiện này, phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 đã ủng hộ các lập luận và tuyên bố của Philippines và chống lại cách tiếp cận của Trung Quốc với cái gọi là "các vùng nước lịch sử".
Thời gian gần đây, Trung Quốc một mặt vừa không tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) lại vừa thay đổi chiến thuật mới. Họ không nói về cái gọi là tính hợp pháp, đúng đắn của Đường 9 đoạn nữa. Thay vào đó, họ bắt đầu tuyên truyền về cái gọi là chiến lược Tứ Sa.
Thời điểm này, chúng ta đang phải đối mặt ngăn chặn đại dịch Covid-19, nhưng Trung Quốc lại thể hiện một khả năng ‘biến hóa’ trong chính sách. Khi cộng đồng quốc tế tiếp tục phản bác Đường 9 đoạn, Trung Quốc đã khiến cả thế giới không kịp trở tay. Bây giờ họ tập trung vào vào cái gọi là tuyên bố chủ quyền, vơ vào các hòn đảo, các rạn san hô nửa chìm nửa nổi, các bãi cát trên Biển Đông. Đó chính là lý do khiến họ đẩy mạnh chiến lược Tứ Sa. Đây hoàn toàn là một bước đi mới.
Bây giờ, Trung Quốc sẽ không nói rằng Đường 9 đoạn đi qua các vùng nước chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà Trung Quốc sẽ nói rằng các nước sẽ không có cơ sở để xác lập chủ quyền ở những thực thể này. Bởi những rạn san hô, cụm đảo, bãi đá này đang thuộc về Trung Quốc. Với cách diễn giải phi lý và áp đặt này, chúng ta thấy rằng ở đây luật chơi không hề thay đổi, nhưng Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ một cách rất tinh vi. Khi mà người ta phát triển một thuật ngữ mới, mọi người cần tìm hiểu đây là ‘bình mới rượu cũ’ hay là ‘rượu mới’.
Vì thế, thế giới nên phản đối, phê phán chiến lược Tứ Sa này, như cách mà chúng ta đã phản đối Đường 9 đoạn. Công luận thế giới chưa có nhiều phân tích và hiểu biết về chiến lược Tứ Sa mà Trung Quốc đưa ra. Điều nguy hiểm ở chỗ, cái mà Trung Quốc đang muốn làm khi mà thế giới đang bận rộn với dịch Covid-19 không phải tạo ra cái gọi là Tứ Sa, mà muốn thay đổi tên gọi của các đảo, rạn san hô và bãi đá tại Biển Đông. Bằng cách đó, họ đưa vấn đề Biển Đông lên một cấp độ mới.
Cuộc chơi ‘thuật ngữ’ này như tôi đã nói không phải là cuộc chiến tranh, đó là một cuộc đấu về luật pháp. Ở đây ta cũng thấy một chiêu trò của Trung Quốc khi họ khiến thế giới nhầm lẫn, mất định hướng với việc thay đổi thuật ngữ. Đây là phương thức khá kinh điển mà Trung Quốc thường sử dụng trong quá khứ. Rõ ràng đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc triển khai chiến lược của họ, bằng cách thay đổi các định nghĩa về chủ quyền.
Chúng ta cần phải rất cẩn trọng với tính toán này của Trung Quốc. Chúng ta cần phải đưa ra một tuyên bố nhằm lật tẩy khái niệm, tên gọi mới mà Trung Quốc đưa ra, nhằm mục đích gây nhiễu loạn và đánh tráo khái niệm.
PV: Vậy các hành động mới nhất của Trung Quốc sẽ làm xói mòn hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như thế nào, thưa ông?
Phó Đô đốc Pradeep Chauhan: Cái mà Trung Quốc đang làm là xây dựng cho chính mình một câu chuyện. Bởi lẽ họ không chỉ phải thuyết phục thế giới bên ngoài, mà còn để thuyết phục người dân trong nước rằng họ đang làm điều đúng đắn. Và vì thế, chính quyền Trung Quốc cần sự chính danh trong mắt người dân Trung Quốc.
Các hành động của Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và vùng biển của các nước láng giềng tại Biển Đông, không chỉ với Việt Nam, Philippines mà còn với cả Malaysia, Indonesia. Những diễn biến hiện tại chắc chắn là một trong những bước đi có tính toán của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tới khu vực, gây phân rẽ tinh thần hợp tác trong vấn đề Biển Đông giữa các nước trong khu vực.
Bằng các mối quan hệ kinh tế, bằng các yêu sách về thương mại, Trung Quốc buộc nhiều nước trong khu vực phải chọn cách ủng hộ họ nếu không muốn phải chịu sự thiệt hại về kinh tế. Đó chẳng khác gì một kiểu đe dọa. Thái độ và hành động của Trung Quốc đã và đang làm xói mòn an ninh, ổn định và lòng tin tại khu vực. Hãy xem Trung Quốc họ hành động thế nào? Họ huy động các tàu hộ tống, tàu khảo sát đại dương, tàu khoan thăm dò tới vùng biển của nước khác, không chỉ có Việt Nam mà còn cả Philippines, Malaysia. Các nước trong khu vực đã cố gắng không để tình hình leo thang thành căng thẳng.
Trung Quốc còn tổ chức một lực lượng dân quân biển với quy tắc hành xử riêng. Về lý thuyết, họ nói đó là tàu dân sự nhưng cách thức nó hoạt động khiến người ta nhận thấy rằng nó giống như tàu hải quân. Đây là một lực lượng “có vai trò rất kỳ lạ”. Điều này khiến các nước trong khu vực bị động và không biết ứng phó ra sao với mô típ mới này của Trung Quốc.
An ninh tại khu vực Biển Đông giờ đây đang đặt ra nhiều câu hỏi. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, âm mưu và hành động của Trung Quốc chính là nhân tố khiến những vấn đề an ninh tại biển Đông ngày càng trở nên xấu đi.
PV: Trung Quốc đang sử dụng các tàu khảo sát địa chất tại Biển Đông như một cách để đe dọa hoạt động kinh tế, thăm dò dầu khí của các nước khác ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, đồng thời áp đặt các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của mình lên Biển Đông. Trung Quốc đã áp dụng chiến lược này với Việt Nam năm 2019, và năm 2020 với Malaysia. Ông đánh giá ra sao về hành động của Trung Quốc?
Phó Đô đốc Pradeep Chauhan: Như tôi đã nói, mỗi khi Trung Quốc ‘chơi trò’ tàu khảo sát, tàu hải cảnh, họ muốn gửi đi một thông điệp. Vậy họ muốn đưa ra tín hiệu chiến lược gì vào lúc này? Thứ nhất, họ muốn thúc đẩy hơn nữa chiến lược Tứ Sa. Thứ hai, họ muốn nhấn mạnh quyền thực hiện nghiên cứu khoa học và đặc biệt quyền tự do đi lại vốn được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) cho phép. Vậy Trung Quốc muốn gì ở đây? Nếu các nước không lên tiếng phản đối, Trung Quốc sẽ dễ dàng triển khai bước đi thứ nhất. Đó là phái tàu khảo sát tới vùng đặc quyền kinh tế của các nước để thăm dò.
Hành động của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào phản ứng tiếp theo của các nước. Nếu các nước phản ứng yếu ớt, Trung Quốc sẽ tiến lên bước đi tiếp theo là tiến hành khảo sát. Nhưng tôi nhắc lại rằng việc khảo sát dù vì lý do gì bên trong EEZ của nước khác tự thân nó đã vi phạm tinh thần của UNCLOS 1982.
Việt Nam đã từng đối mặt với kịch bản này của Trung Quốc và đã phản ứng rất mạnh. Nhưng tôi nghĩ, phản ứng của Việt Nam chưa đủ với hành động của Trung Quốc. Liệu các nước có một phản ứng tập thể hay không?
Mức độ phản ứng có lẽ sẽ quyết định các hành động tiếp theo của Trung Quốc. Nếu ASEAN hay các nước trong khu vực phản ứng đủ mạnh, Trung Quốc sẽ rút lui, nhưng không phải rút lui hoàn toàn mà họ vẫn sẽ cố đạt được một mục tiêu nào đó, chứ không chịu trở về con số 0. Và vì thế, nếu trong những lần tới Trung Quốc sẽ lại hành động, họ sẽ bắt đầu có thể từ hành động số 1 và tiến lên hành động số 2.
PV: Rõ ràng vai trò của ASEAN – một tổ chức của khu vực rất quan trọng trong việc xây dựng hòa bình, an ninh cho từng thành viên và cả hiệp hội. ASEAN cần làm gì vào lúc này để các nước thành viên không bị Trung Quốc lấn át?
Phó Đô đốc Pradeep Chauhan: Tôi nghĩ ASEAN đang có một vị trí rất lớn trong các vấn đề khu vực. ASEAN là một tổ chức địa chính trị, địa kinh tế hết sức quan trọng, mà chính các nước Đông Nam Á đã tạo ra. Bất cứ điều gì làm xói mòn vai trò và vị trí của ASEAN đều không tốt cho ASEAN, không có lợi cho các nước Đông Nam Á, mà còn ảnh hưởng xấu tới toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Và chắc chắn nó còn làm xói mòn cấu trúc của toàn thế giới.
ASEAN cần cảnh giác với những bước đi khiêu khích cùng những lời lẽ “mật ngọt” kèm với những lợi ích kinh tế, như tôi đã nói, khiến cho các quốc gia trong khu vực mất cảnh giác và đánh mất luôn cả không gian chiến lược của mình nếu bị ru ngủ bởi những thủ đoạn này.
PV: Ông nghĩ sao về việc Mỹ sẽ duy trì sự can dự tại đây trước những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc? Liệu Covid-19 có khiến nước Mỹ suy giảm sức mạnh tại khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương hay không?
Phó Đô đốc Pradeep Chauhan: Trước hết, theo tôi hiểu, các cuộc tuần tra tự do hàng hải mà Mỹ tiến hành không có nghĩa đó là bằng chứng về sự cương quyết của Mỹ hay cam kết của Mỹ. Các cuộc tuần tra tự do hàng hải đơn giản chỉ là những cảnh cáo của Mỹ rằng: “Trung Quốc đã thực thi các tuyên bố chủ quyền quá mức, vượt qua cả những gì được phép làm theo luật pháp và điều ước quốc tế trong khuôn khổ UNCLOS”.
Nếu không ai lên tiếng phản đối những điều mà Trung Quốc làm, thì đương nhiên nó sẽ trở thành thông lệ. Và vì thế, chúng ta không thể để mặc Trung Quốc biến những hành vi này trở thành bình thường, phá bỏ các quy tắc quốc tế của UNCLOS 1982. Đây cũng là lý do khiến Mỹ phải thực hiện các cuộc tuần tra này. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải ngăn chặn chiến lược nhiều lớp và nhiều hướng của Trung Quốc. Không thể để một cường quốc muốn làm gì thì làm.
*Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV.VN