Tiếng Việt | English

12/09/2024 - 08:02

Quảng Ninh: Xem xét hỗ trợ tín dụng cho khách hàng bị thiệt hại do bão số 3

Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái đề nghị các ngân hàng khoanh nợ và giảm lãi suất cho vay cũ; tạo điều kiện cho vay mới không cần thế chấp để người dân, DN có điều kiện tái sản xuất, kinh doanh.


Tàu, lồng bè nuôi của người dân xã Tân An, thị xã Quảng Yên, bị hư hỏng nặng. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Tối 11/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì cuộc họp với các tổ chức tài chính bàn về giải pháp hỗ trợ tín dụng cho khách hàng bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần áp dụng chính sách hiện có một cách linh hoạt, không nên áp dụng một cách cứng nhắc, đồng thời cần có kiến nghị với các cấp có thẩm quyền những chính sách riêng theo cách nhìn về bão số 3 là thảm họa, trong đó cần chú trọng các nội dung như cơ cấu lại thời hạn cho vay, giữ nguyên nhóm nợ hiện tại; xem xét miễn, giảm khoản vay; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng, kể cả những khách hàng có hay không tài sản thế chấp; nghiên cứu xử lý nợ và xử lý rủi ro theo quy định…

Ngành nông nghiệp và Chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, các sở ngành liên quan tham mưu cho tỉnh có văn bản hướng dẫn người dân làm thủ tục hoãn, giãn, khoanh nợ và cho vay mới. Tỉnh Quảng Ninh có chính sách riêng hỗ trợ cho người chịu thiệt hại bởi bão số 3 trên mọi lĩnh vực.

Cơn bão số 3 đã làm cơ sở vật chất của hầu hết các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều bị thiệt hại và hư hỏng, nhất là tại các địa phương tâm bao đi qua như thành phố Hạ Long, Cẩm, Phả, Uông Bí và thị xã Quảng Yên.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, qua nắm bắt nhanh của các đơn vị ngân hàng trên địa bàn, đến hết ngày 10/9/2024 có tổng số 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3 để lại.

Các bè nuôi ở bến Giang, xã Tân An, thị xã Quảng Yên bị hư hỏng và không còn lồng nuôi. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Có một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản).

Trong đó, các khách hàng bị thiệt hại theo ngành, lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực nông, lâm, thủy sản có 6.270 khách hàng với dư nợ 1.463 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp-xây dựng có 533 khách hàng với dư nợ 5.243 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại, dịch vụ có 4.255 khách hàng với dư nợ 3.984 tỷ đồng.

Để kịp thời ổn định hoạt động ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.

Cụ thể, đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3; xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành. Đồng thời, thực hiện xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Ninh Nguyễn Đức Hiển đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan phối hợp với ngành Ngân hàng Quảng Ninh xác nhận về thiệt hại của khách hàng trong trường hợp phải xử lý khoanh nợ, xóa nợ.

Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái đề nghị các ngân hàng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 bằng cách khoanh nợ và giảm lãi suất cho vay cũ; tạo điều kiện cho khách hàng cho vay mới mà không cần thế chấp để người dân, doanh nghiệp có điều kiện tái sản xuất, kinh doanh.

Chù tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Quảng Yên ông Trần Đức Thắng, nơi có gần 2.000 khách hàng với khoảng 400 tỷ đồng đề xuất: riêng nhóm nuôi trồng thủy sản, các hộ dân đề nghị tiếp tục cho vay để tái sản xuất, trong đó tập trung mua con giống và khôi phục lồng bè. Đồng thời giảm lãi suất tiền vay cả tiền vay cũ và tiền vay mới. Đối với nhóm trồng trọt thì đề xuất cần xóa nợ.

Đại diện các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều cơ bản đồng tình với các đề xuất cùa địa phương. Một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn đã giảm lãi suất trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, khi vượt ngưỡng cho phép, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần trình với cấp có thẩm quyền cho phép.

Trước đó, sáng 11/9, Đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước do Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú về làm việc với ngành Ngân hàng Quảng Ninh và Hải Phòng để nắm tình hình hoạt động ngân hàng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 (YAGI) gây ra. Theo đó Ngân hàn Nhà nước đã tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để sớm có các giải pháp, chính sách tín dụng hỗ trợ kịp thời.

Theo thống kê ban đầu của tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 11/9, có 2.805 hộ bị ngập lụt; có 19.582 nhà bị tốc mái; 21 phương tiện vận tải thủy, 28 tầu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt; hơn 1.000 ô lồng, bè nuôi hàu bị mất, cuốn trôi; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị hư hại; 17.000m2 công trình nuôi trồng thủy sản bị tốc mái; 912ha lúa bị đổ, ngập úng; 45.489ha rừng bị ảnh hưởng… Trong đó có nhiều đơn vị là khách hàng hiện đang vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn./.

Theo vietnamplus.vn

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/quang-ninh-xem-xet-ho-tro-tin-dung-cho-khach-hang-bi-thiet-hai-do-bao-so-3-post976087.vnp

Chia sẻ bài viết


App h5 vay nhanhBlog Credit card Chia sẻ kiến thức thẻ tín dụng Thấu chi online dành cho doanh nghiệp