Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa, tỉnh Long An bắt đầu thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đến giao dịch, thông qua hệ thống đánh giá bằng bảng điện tử. Ảnh: Nhã Phương
Cuộc cách mạng của toàn dân
Xuất phát từ tầm quan trọng đó, tỉnh đã và đang quyết tâm cao trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong giai đoạn địa phương tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển KT-XH nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết tâm đó thể hiện rõ trong tư duy lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh. Đầu năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 70-NQ/TU, ngày 13/02/2020 về xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025. Trong chương trình công tác năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành quyết sách toàn diện hơn, đó là Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Quan điểm chung của tỉnh là: Chuyển đổi số là cuộc cách mạng của toàn dân, toàn diện; là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của cả hệ thống chính trị; đảm bảo sự vào cuộc, lãnh đạo tập trung của các cấp ủy Đảng, điều hành quyết liệt của chính quyền, sự tham mưu tích cực của các cơ quan chuyên môn, hành động đồng bộ ở các cấp, các ngành và sự tham gia của toàn dân. Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các yếu tố: Lấy người dân làm trung tâm; nhận thức đúng đóng vai trò quyết định; chuyển đổi cơ chế, chính sách và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng là then chốt.
Tổ chức, cá nhân đến làm việc tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Ảnh:Phương Phương
Phải thực hiện vững chắc, đồng bộ, toàn diện trên 3 trụ cột
Trên tinh thần đó, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu: Cơ quan nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số đạt chất lượng cao; doanh nghiệp ứng dụng toàn diện công nghệ số trong hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh; người dân, doanh nghiệp được phổ cập sử dụng dịch vụ số; chuyển đổi số phải thực hiện vững chắc, đồng bộ, toàn diện trên 3 trụ cột: Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đưa Long An luôn thuộc nhóm tỉnh, thành phố có thứ hạng cao về chuyển đổi số trong cả nước. Muốn vậy, tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm:
1. Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công chất lượng, sử dụng tối ưu nền tảng số, giải quyết hiệu quả các vấn đề KT-XH: Kịp thời xây dựng, cập nhật các kiến trúc liên quan, phù hợp với xu thế phát triển của quốc gia và của tỉnh; ứng dụng triệt để công nghệ số, các nền tảng số dùng chung trong mọi hoạt động nội bộ cơ quan nhà nước; đẩy mạnh số hóa toàn bộ thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình hoạt động của chính quyền các cấp. Tất cả dịch vụ hành chính công được chuẩn hóa, tăng cường cung cấp trực tuyến mức độ 4. Từng bước giảm số lượng dịch vụ hành chính công, tăng dịch vụ số, dịch vụ mang tính sáng tạo phục vụ xã hội. Hình thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh, cung cấp dữ liệu mở cho cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số, dịch vụ sáng tạo. Phát triển chính quyền số gắn với phát triển dịch vụ đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề thiết yếu của đô thị.
2. Phát triển kinh tế số, từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số để góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng định hướng, trong đó, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từng bước hình thành hệ thống các doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh. Thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ số hàng đầu vào hoạt động, đầu tư tại tỉnh để từng bước hình thành, phát triển khu kinh tế công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, qua đó từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số, góp phần chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế tỉnh. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành, nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số.
3. Phát triển xã hội số để người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị mới cho xã hội, trong đó ưu tiên tập trung: Đảm bảo cáp quang băng rộng được phủ đến tận cấp xã, tiến đến hầu hết hộ gia đình đều có kết nối Internet. Cung cấp các dịch vụ số thiết yếu, thông minh cho mọi đối tượng trong xã hội, làm giảm khoảng cách xã hội, xóa đói - giảm nghèo, trước hết là các dịch vụ an sinh xã hội, phổ cập dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao cho vùng sâu, vùng xa. Tạo điều kiện, cung cấp nền tảng số giúp người dân quảng bá, giao dịch, cung cấp sản phẩm, hàng hóa trực tiếp với khách hàng trong và ngoài nước. Xây dựng các chính sách, chương trình khuyến khích không dùng tiền mặt. Đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho người dân, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân. Xây dựng hệ thống đào tạo tạo kỹ năng cho học sinh, sinh viên, người lao động để có thể trở thành các công dân số trong xã hội số.
Trong giai đoạn tới, tỉnh xác định sẽ quyết tâm thúc đẩy thực hiện để chuyển đổi số trở thành trụ cột vững chắc và quan trọng giúp địa phương hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH cũng như đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia./.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa