Tiếng Việt | English

17/01/2024 - 09:30

Số hóa hồ sơ vụ án, nâng cao hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa hình sự

Thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP), Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Long An phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tích cực triển khai số hóa hồ sơ các vụ án hình sự và ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, chứng minh các chứng cứ tại phiên tòa. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự.

Phiên tòa xét xử bị cáo Lê Tùng Vân và đồng phạm được xét xử kết hợp trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa

Phiên tòa xét xử bị cáo Lê Tùng Vân và đồng phạm được xét xử kết hợp trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa

Hiệu quả từ số hóa hồ sơ vụ án

Thông tin từ TAND tỉnh, việc số hóa hồ sơ vụ án là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ thành dạng thông tin (file), hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích cứu mà không phải sử dụng hồ sơ vụ án bằng giấy.

Việc số hóa hồ sơ vụ án là chủ trương đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn công tác, là hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử cũng như nâng cao hiệu quả tranh tụng tại các phiên tòa hình sự, đáp ứng yêu cầu CCTP.

Trên địa bàn tỉnh, những năm qua, hàng loạt vụ án được xét xử dưới hình thức phiên tòa trực tuyến và đặc biệt là phiên tòa trực tuyến kết hợp trình chiếu, số hóa chứng cứ, dữ liệu điện tử. Điển hình, trong năm 2022, liên ngành Công an - TAND - VKSND tỉnh phối hợp liên ngành Công an - VKSND - TAND huyện Đức Hòa tổ chức phiên tòa trực tuyến với sự kết hợp trình chiếu, số hóa chứng cứ, dữ liệu điện tử để xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Tùng Vân và đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Theo Chánh án TAND huyện Đức Hòa - Nguyễn Khắc Linh Duy, vụ án này phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, các bị cáo thay đổi lời khai, quanh co chối tội và cần phải đánh giá những chứng cứ thu thập từ không gian mạng, phải trích xuất dữ liệu điện tử để chứng minh hành vi phạm tội. Quá trình điều tra, các bị cáo, luật sư bào chữa liên tục khiếu nại.

Ngày 20/7/2022, phiên tòa được mở tại TAND huyện Đức Hòa. Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa, các bị cáo không thừa nhận hành vi, cho rằng bị ép cung, khẳng định các bị cáo không phạm tội. Mặc dù Hội đồng xét xử (HĐXX), kiểm sát viên đặt nhiều câu hỏi nhưng các bị cáo vẫn không thừa nhận hành vi của mình. Nắm được thái độ, tâm lý của các bị cáo, HĐXX cùng kiểm sát viên kết hợp thủ tục xét hỏi với trình chiếu chứng cứ tại các biên bản hỏi cung quan trọng đã được số hóa, trình chiếu dữ liệu điện tử tại 5 video clip có liên quan đến hành vi, lời nói của các bị cáo.

Trong phần tranh luận, kiểm sát viên đưa ra các luận cứ chặt chẽ để buộc tội các bị cáo; đồng thời, đưa ra đầy đủ cơ sở pháp lý, lý lẽ thuyết phục kết hợp trình chiếu chứng cứ để tranh luận với các luật sư bào chữa cho các bị cáo, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử của phiên tòa hình sự. Qua các chứng cứ trình chiếu, trước HĐXX, các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và người dân tham dự phiên tòa hiểu rõ sự thật và thấy được các chứng cứ trong vụ án đã được thu thập một cách khách quan, đúng quy định tố tụng. Các tài liệu, chứng cứ được công bố công khai qua hình ảnh, các video, file âm thanh, biên bản hỏi cung, lời khai trong hồ sơ được đối chiếu công khai tại phiên tòa,... Sự thật vụ án được khẳng định.

Hiệu quả từ phiên tòa trực tuyến kết hợp trình chiếu, số hóa chứng cứ và dữ liệu điện tử tại phiên tòa này cho thấy, vụ án tuy phức tạp nhưng với phương pháp xét hỏi công khai, kỹ năng điều khiển phần tranh luận bảo đảm được nguyên tắc tranh tụng kết hợp trình chiếu các hình ảnh, chứng cứ đã số hóa, HĐXX đánh giá, phân tích lập luận và đủ cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, mức hình phạt để tuyên các mức án tương xứng với hành vi phạm tội.

Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ vụ án

Thông tin từ TAND tỉnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội triển khai mạnh mẽ chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Hệ thống TAND với vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Tòa án điện tử - một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược CCTP trong hệ thống Tòa án theo Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về CCTP.

Ngày 12/11/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tiếp đó, ngày 15/12/2021, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC -BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của phiên tòa trực tuyến khi xét xử các vụ án hình sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến được xem là một giải pháp đột phá, kịp thời và cần thiết, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của TAND, thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án được nhanh chóng, thuận lợi, đáp ứng đầy đủ quyền công dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân. Chủ trương này đã đem lại những kết quả thiết thực.

Theo Chánh án TAND huyện Đức Hòa - Nguyễn Khắc Linh Duy, qua xét xử phiên tòa trực tuyến và đặc biệt là phiên tòa có kết hợp sử dụng số hóa chứng cứ sẽ thuận lợi cho quá trình nghiên cứu, tinh gọn hồ sơ vụ án. Khi cần nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, kiểm sát viên và HĐXX không bị phụ thuộc quá nhiều vào hồ sơ vụ án - hồ sơ giấy. Việc tìm kiếm tài liệu có trong hồ sơ cũng dễ dàng và nhanh chóng, rút ngắn thời gian nghiên cứu và góp phần bảo đảm bí mật hồ sơ.

Bên cạnh đó, phiên tòa trực tuyến có kết hợp sử dụng số hóa chứng cứ còn giúp quá trình tranh luận, đối đáp của kiểm sát viên và việc đánh giá chứng cứ của HĐXX được thuyết phục hơn, góp phần đấu tranh hiệu quả với các trường hợp bị cáo có biểu hiện quanh co, chối tội hoặc từ chối khai báo cũng như các ý kiến, quan điểm trái chiều của những người tham gia tố tụng khác trong vụ án.

Dù quanh co chối tội nhưng từ chứng cứ được trình chiếu tại phiên tòa giúp Hội đồng xét xử đưa ra mức án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo

Dù quanh co chối tội nhưng từ chứng cứ được trình chiếu tại phiên tòa giúp Hội đồng xét xử đưa ra mức án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của từng bị cáo

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mà phiên tòa sử dụng số hóa chứng cứ mang lại, hiện nay, việc tổ chức các phiên tòa trực tuyến kết hợp sử dụng số hóa chứng cứ còn những khó khăn như chưa có quy định “Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến" nên các TAND địa phương chưa quan tâm thực hiện đồng bộ.

Việc số hóa chứng cứ chưa được thực hiện đầy đủ từ giai đoạn điều tra, gây khó khăn khi muốn sử dụng kết quả số hóa dữ liệu, chứng cứ ở giai đoạn truy tố và xét xử; việc đầu tư, trang bị cơ sở vật chất cho các TAND địa phương về hệ thống trang thiết bị, màn hình, âm thanh và nguồn nhân lực hỗ trợ trình chiếu chứng cứ tại phòng xét xử hiện nay còn hạn chế,...

Từ thực tế đó, để nâng cao hiệu quả trong xét xử trực tuyến các vụ án hình sự có trình chiếu, số hóa chứng cứ và dữ liệu điện tử, thông tin từ TAND tỉnh, trước hết cần sớm hoàn thiện chính sách và pháp luật về hoạt động tố tụng, làm cơ sở pháp lý cho phiên tòa trực tuyến có thể diễn ra một cách công khai, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong tố tụng.

Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tiếp tục triển khai, quán triệt đến đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ, công chức về việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến kết hợp trình chiếu, số hóa chứng cứ và dữ liệu điện tử; đẩy mạnh học tập nâng cao năng lực, đào tạo thêm đội ngũ có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực sử dụng công nghệ số hóa, dữ liệu điện tử để việc xét xử các vụ án hình sự có sử dụng trình chiếu, số hóa chứng cứ và dữ liệu điện tử hiệu quả, chất lượng hơn. Bên cạnh đó, các TAND địa phương cần sớm được đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ xét xử các vụ án trình chiếu chứng cứ./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết