Trong số nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô Việt Nam quý I/2016 không đạt như kỳ vọng, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và không có khả năng cải thiện vì nguồn thu từ dầu thô và doanh nghiệp đều giảm, trong khi đó chi thì không giảm. Đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Lạm phát tăng cao trở lại sẽ tăng áp lực cho nền kinh tế (ảnh minh họa: KT)
Lạm phát năm nay có thể ở mức 4-5%
Phân tích chi tiết, TS. Thành dẫn số liệu thâm hụt ngân sách năm 2015 ước tính chiếm 6,34% GDP. Con số này cao hơn mục tiêu 5% GDP mà Quốc hội đưa ra trước đó. Đáng chú ý, tình trạng này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm, phản ánh tình trạng kỷ luật tài khóa lỏng lẻo. Còn lạm phát có xu hướng tăng trở lại khi đạt mức 1,69% vào cuối tháng 3 năm nay, chủ yếu do viện phí, học phí đã tăng mạnh. Và VEPR dự báo lạm phát năm nay có thể ở mức 4-5% do tăng giá một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu.
TS. Vũ Đình Ánh thì đặc biệt lưu ý rằng, cái lo nhất là sự mất cân đối thu - chi ngân sách nhà nước. Theo ông Ánh, khi thâm hụt ngân sách, thông thường có 3 cách để bù đắp là vay trong nước, vay nước ngoài và một nữa việc thường không được nói ra là in tiền. Thực tế việc vay nước ngoài đã có dấu hiệu khó nên sẽ xoay xở để vay trong nước. Nếu vay trong nước, theo ông Ánh, Chính phủ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thông qua việc tăng lãi suất và rút ngắn thời hạn vay. Do đó, lạm phát năm nay hoàn toàn có thể xảy ra do ngân sách bị thâm hụt. Và bởi vì để bù thâm hụt ngân sách, nhà nước phải sử dụng nhiều công cụ, trong đó có những công cụ gây ra lạm phát.
Hơn nữa, “chắc chắn sức ép này sẽ tác động lên mặt bằng lãi suất lớn hơn rất nhiều so với việc mấy ngân hàng thương mại chạy đua nâng lãi suất”- ông Ánh nhấn mạnh.
Về điểm này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, lãi suất huy động đã tăng nên khó có thể giữ được lãi suất cho vay không tăng. Khi lãi suất tăng sẽ tạo sức ép lên tỉ giá và lạm phát, nhưng ông Tuyển tin tưởng Ngân hàng Nhà nước chắc chắn có chính sách hạn chế mức tăng lãi suất quá mức.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng lo ngại nhất là vấn đề về bội chi ngân sách, nợ công tăng cao, các khoản vay tăng nhanh chóng. “Dù Bộ Tài chính tiến hành nhiều giải pháp để giảm chi thường xuyên nhưng kết quả dường như chưa đáp ứng yêu cầu. Nếu tình hình này kéo dài thì rất phức tạp với nền kinh tế”- ông Doanh đánh giá.
Vòng xoáy vay nợ để trả nợ vay
Liên quan đến câu chuyện về áp lực thâm hụt ngân sách, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: Chính phủ và Bộ Tài chính nhiều lần từng khẳng định năm 2016 sẽ là đỉnh điểm vay nợ công và sang năm 2017-2018 vay nợ sẽ giảm dần. Tuy nhiên thực tế nhiều thông tin gần đây cho thấy, nhiều khả năng nợ công vẫn tăng trong năm 2017-2018 trước khi bắt đầu giảm.
Vấn đề đặt ra là, nợ chính phủ đã vượt trần cho phép nhưng lấy đâu tiền để trả trong khi nợ thì chắc chắn phải trả. Điều này dẫn đến một thực tế, theo ông Ánh, ngân sách khó khăn nên nhà nước vẫn phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ đến hạn. “Việc vay để trả nợ vay này đang tạo ra một vòng xoáy rất lớn về vay nợ khi các điều kiện vay ưu đãi, thời hạn, lãi suất đi vay sẽ căng thẳng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Đi vay giờ cũng không dễ như trước nữa” – ông Ánh nhận định.
Trước sức ép thâm hụt ngân sách, dư luận lo ngại có thể sẽ diễn ra tình trạng tăng thu về thuế, phí để bù hụt thu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc thì không thể thích tăng là tăng thuế, phí, vì nó liên quan đến các cam kết quốc tế. Tuy nhiên trong thực tế điều hành, Nhà nước có khả năng sẽ tăng thu.
TS. Vũ Đình Ánh phân tích: Thực tế điều hành, trong mỗi khoản thu thuế có dư địa liên quan đến thất thoát, nhưng hiện nay Chính phủ đang thắt chặt hơn việc này. Biểu hiện rõ nhất là ngành thuế giao chỉ tiêu thu thì nghiễm nhiên sẽ tăng cường kỷ luật thu. Và nợ thuế lâu nay khá nhiều, nay nợ thuế cũ sẽ bị đòi ráo riết, nợ thuế mới sẽ siết chặt để giảm phát sinh. Đối với cơ sở thu thuế thì, ví dụ, những chi phí hợp lý, hợp lệ trước đây có thể du đi dược, nhưng nay sẽ siết chặt thu đúng, đủ theo quy định.
Lấy ví dụ về giải pháp kỹ thuật tăng thu ngân sách, TS. Ánh cho rằng, thu thuế về bảo vệ môi trường với xăng dầu là cách làm dễ nhất để tăng thu ngân sách. Chỉ cần tăng thuế 1.000 đồng/lít xăng là ngân sách có thêm ngay 20.000-30.000 tỷ đồng. Những động thái này hoàn toàn có thể xảy ra./.
Xuân Thân/VOV.VN