Tiếng Việt | English

18/10/2022 - 08:33

Thăm lại một xã vùng sâu

Cuốn theo hồi ức hơn 15 năm trước, tôi chạy xe máy từ ngã ba Thủ Thừa băng về chợ huyện rồi rẽ sang trái là đường cặp bờ kinh Thủ Thừa, chạy miết để tìm cây cầu sắt cũ mục ngày nào. Đây rồi cây cầu Vàm Thủ! Nó đã hóa cầu bêtông từ bao giờ. Hỏi thăm đường mới hay, từ cầu Vàm Thủ, chạy xe trên đường nhựa mới, thẳng về xã Hướng Thọ Phú (TP.Tân An, tirnh Long An) ra Quốc lộ 1 là đến cầu Tân An. Khoảng cách đi lại giờ đã được rút ngắn!

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Mỹ Lạc

Sang bên kia cầu Vàm Thủ là xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa. Mỹ Thạnh bây giờ không còn là vùng quê đìu hiu như ngày nào mà diện mạo đã khởi sắc với vài cụm dân cư còn vương hương đồng gió nội ven hai bên đường nhựa mới. Nhớ ngày nào, đây là con đường đất mà tôi thường đi với một ông bác sĩ quê xã Mỹ Lạc (giáp ranh Mỹ Thạnh), vì “nặng lòng cố thổ” mà khi có món ngon, ông hay mang về chơi với bà con chòm xóm thuở ấu thơ, rồi ông được tặng lại những cây phôi để mang về TP.Tân An làm kiểng. Tôi thường đi Mỹ Lạc với ông bác sĩ vào những dịp bàn giao nhà tình nghĩa do ông vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng, trao tặng cho gia đình người có công với cách mạng hoặc thương binh có hoàn cảnh khó khăn. Ngày ấy, Mỹ Lạc đúng nghĩa là xã vùng sâu. Mùa mưa, chúng tôi phải gửi xe, đi bộ vào những con đường lầy lội. Trụ sở xã còn là một dãy nhà tạm trên nền đất, giờ đây là tòa nhà 2 tầng lầu khang trang khiến tôi phải hỏi thăm đường vì cứ lạ lẫm, ngờ ngợ trước những hình ảnh hiện ra ven các đường nhựa, đường bêtông. Đây đó là những vườn mai vàng tươi tốt, những ngôi nhà mới mang vóc dáng phố phường.

Địa chỉ mà tôi đến là nơi ra mắt Hội quán Sinh vật cảnh (SVC) xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, nằm ngay mặt tiền đường nhựa. Nhà do anh Dương Văn Triều vừa hoàn thành để làm trụ sở hội quán. Đây là hội quán SVC thứ 2 sau Hội quán SVC TP.Tân An, trực thuộc Hội SVC tỉnh. Trong nhà, trên tường treo đầy giấy khen các tác phẩm SVC của Dương Văn Triều đoạt giải thưởng cao tại các hội thi SVC trong và ngoài tỉnh. Anh Triều cũng được Hội SVC tỉnh trao bằng công nhận Nghệ nhân SVC từ năm 2016. Anh Triều đưa tôi băng đồng về nhà của anh chơi. Ngôi nhà khá khang trang nằm giữa khu vườn rộng 3.000m2 với nhiều loại cây kiểng. Anh đưa tôi đi xem một cây khoai mì cổ thụ chỉ cao hơn gang tay với cặp củ lộ thiên to như con heo tơ (nặng hơn 20kg). Anh Triều rất khéo tay và kiên nhẫn khi tỉ mẩn uốn cây tạo dáng, ngay cả những cây rất giòn, dễ gãy như khoai mì, bông giấy, anh vẫn tạo được dáng gió lùa, thác đổ, thế ôm đá,...

Trở về điểm ra mắt hội quán, nhiều người đã đến dự và xem các video, clip về kỹ thuật trồng cây, biến cây phôi thành cây kiểng nghệ thuật. Mỹ Lạc được công nhận xã nông thôn mới từ năm 2016, từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được quan tâm, ngày càng nâng chất. Sau Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử (ĐCTT) là Hội quán SVC góp “xanh” cho xóm, ấp. Cái đẹp SVC còn giáo dục con người về tình yêu và bảo vệ thiên nhiên, làm cho môi trường sống thêm sạch, cuộc sống thêm đáng yêu, đáng sống hơn.

Chủ nhiệm Hội quán SVC xã Mỹ Lạc là anh Võ Văn Sẳng, anh Dương Văn Triều là Phó Chủ nhiệm. Anh Sẳng còn là Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Mỹ Lạc. Còn Chủ nhiệm CLB ĐCTT này là nghệ wnhân Vũ Xuân Đam, từng là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thủ Thừa, người gốc miền Bắc nhưng lại rất yêu thích và chơi tốt bộ môn ĐCTT Nam bộ. Về hưu, ông “lăn lộn” với phong trào ĐCTT huyện và cùng ông Sẳng duy trì hoạt động đều đặn (vào tối thứ ba hàng tuần) CLB ĐCTT xã Mỹ Lạc.

Cây kiểng bạc tỷ “Song long tranh châu” của nghệ nhân Võ Văn Sẳng

Ông Võ Văn Sẳng cũng là chủ nhân cây kiểng “Song long tranh châu” mai chiếu thủy được coi là vô địch về tính “độc, lạ”, không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị kinh tế. Ông Sẳng tự thuật: “Ban đầu, có người đưa cây kiểng này lên mạng, rồi ở Vĩnh Long có người tìm đến, trả giá 450 triệu đồng. Thấy quá ngon ăn, không so đo gì hết, tôi bán ngay, ai dè... Tưởng thế là giá hời, nào hay người mua “Song long tranh châu” vừa đưa về tới Vĩnh Long đã có một nữ doanh nhân trả giá 1,5 tỉ đồng và nói với ông Sẳng: “Nếu mua được, con sẽ tặng chú 100 triệu đồng” nhưng người chủ mới của “Song long tranh châu” nhất định không bán”. Thế rồi, mới đây, vì thương nhớ “con kiểng” của mình mà ông Sẳng đi Vĩnh Long. Đến nơi, thấy có khách nài nỉ xin mua “Song long tranh châu” với giá 3 tỉ đồng, vị đại gia là chủ nhân mới của “Song long tranh châu” vẫn lắc đầu không bán. Ông Sẳng thấy mình “hố” vì đã bán cây kiểng quý với giá 450 triệu đồng mà ngỡ đã cao giá, ngon ăn. Ông Sẳng tiết lộ thêm: “Tôi còn ba cây mai vàng cổ thụ “độc, lạ” ở nhà, nhứt định không để mình bị “hố” nữa đâu!”.

Có thể nói, qua xây dựng xã nông thôn mới, đời sống KT - XH của người dân xã Mỹ Lạc ngày càng được nâng lên và tiếp cận dần với đời sống đô thị. Cũng chính từ đó mà số nhà cũ ngày càng “tân thời hóa”, đẹp đẽ, khang trang. Có nhà mới, đẹp rồi thì phải tạo cảnh đẹp. Trước sân nhà, nhiều người đặt các chậu hoa, chậu kiểng; sau vườn trồng cây ăn trái; hàng rào phía trước trồng thêm cây phong cảnh để cùng điểm tô cho diện mạo quê hương./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết