Tiếng Việt | English

03/04/2018 - 14:59

Thăm nhà cổ Bình Thủy

Cách trung tâm TP.Cần Thơ không xa, nhà thờ họ Dương (quận Bình Thủy) được biết đến là ngôi nhà cổ đẹp nhất miền Tây với kiến trúc độc đáo, là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thưởng ngoạn miền sông nước và thích khám phá những miền đất xưa.

Đồ cổ trong ngôi nhà cổ, bên góc phải là bức ảnh của bộ phim nổi tiếng Người tình

Mặt trước của ngôi nhà cổ

Ngôi nhà này được gia đình họ Dương xây dựng lần đầu vào cuối thế kỷ XIX và được xây mới đầu thế kỷ XX, tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 6.000m2 theo hướng Đông-Tây. Trước mặt là đường giao thông và sông, rạch để đón khí hậu trong lành và thuận tiện trong việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây ăn trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt, tạo không khí mát mẻ, thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng tao nhã.

Bước qua rào cổng kiên cố bằng bêtông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, du khách đến cổng phụ nằm thẳng hàng với cổng rào chếch về bên trái, xây dựng kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, hệ thống rui mè, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống, mặt trước cổng có gắn bảng “Phước An Hiệu”.

Sân phủ thờ khá rộng, lát gạch tàu, trồng đủ loại hoa kiểng. Đặc biệt, ở góc sân bên trái có trồng một cây xương rồng Mexico từ năm 1960, cao khoảng 10m. Giữa sân bố trí một hòn non bộ cao 4m có chức năng vừa trang trí, vừa làm bức bình phong cho khu nhà chính. Lối vào nhà chính được bố trí 4 cầu thang hình cánh cung tao nhã. Ðây là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hóa cũng như tiến trình phát triển của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồ cổ trong ngôi nhà cổ, bên góc phải là bức ảnh của bộ phim nổi tiếng Người tình

Đồ cổ trong ngôi nhà cổ, bên góc phải là bức ảnh của bộ phim nổi tiếng Người tình

Ðặc biệt, ngôi nhà cổ còn có một “kho” đồ cổ quý giá, được gìn giữ từ bao đời nay như 2 bộ bàn ghế có xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc, bộ salon kiểu Pháp đời Louis XV, chùm đèn bạch đăng thế kỷ XVIII, cặp đèn treo thế kỷ XIX,... Ngoài ra, bên trong căn nhà có một chiếc sập gụ được trang trí bằng khảm trai tinh xảo cùng những đường nét chạm trổ mềm mại.

Từ TP.HCM xuất phát đến TP.Cần Thơ du lịch, nhóm bạn Lê Ngọc Thạch chọn cách đi “phượt” để khám phá những điều mới mẻ. Thạch chia sẻ: “Hành trình này, nhóm chúng tôi ngoài tham quan bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng còn đi vòng vòng đình Bình Thủy, chùa Nam Nhã và nhà cổ Bình Thủy. Tôi ấn tượng với kiểu xây dựng Đông-Tây kết hợp, “nội ứng ngoại hợp”. Bên trong căn nhà được bài trí dựa trên mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và cảnh quan thiên nhiên. Tôi thích nhất là những món đồ cổ lạ mắt, được chủ nhân ngôi nhà thu thập từ xa xưa và còn lưu giữ”.

Khách Tây thích thú chụp hình tại nhà cổ

Du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh tại nhà cổ

Trải qua 2 cuộc chiến tranh, nhiều công trình xung quanh bị bom đạn tàn phá nhưng nhà cổ này may mắn còn nguyên vẹn và được các thế hệ sau tiếp nối giữ gìn, bảo vệ. Nhà cổ Bình Thủy được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 2009.

Nhiều năm qua, nhà thờ họ Dương trở thành điểm du lịch, đón tiếp nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, các nhà khảo cứu, quản lý ngành văn hóa - du lịch, giới văn nghệ sĩ, nhất là các đoàn làm phim trong và ngoài nước chọn nơi đây làm cảnh quay./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết