Kết bạn xuyên quốc gia
Long An có đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 134km, qua 20 xã biên giới thuộc các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động qua lại biên giới phải tạm ngưng. Tuy nhiên, không vì thế mà tình cảm giữa người dân 2 bên biên giới phai nhạt, ngược lại vẫn được vun đắp, gắn kết bền chặt. Không được gặp trực tiếp, những người bạn ở 2 đất nước thường gọi điện thoại hỏi thăm, trao đổi.
Trong lúc khó khăn, các cấp chính quyền, lực lượng 2 bên biên giới và người dân có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau chống dịch, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, trao tặng vật tư y tế,... “Chủ quyền lãnh thổ quốc gia có cột mốc, đường biên để phân định nhưng tình cảm của người dân 2 bên dành cho nhau không bao giờ bị ngăn cách mà ngày càng sâu đậm, nghĩa tình”, người dân ở biên giới vẫn thường nói với nhau như vậy.
Người dân 2 bên biên giới trao đổi với nhau tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường) nhưng vẫn thực hiện đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19
Cũng từ mối quan hệ gắn kết đó, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm, dịch Covid-19 đạt nhiều kết quả tích cực. Từ sự giúp sức của người dân, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc, không để xảy ra phức tạp.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, từ tháng 4/2022 đến nay, hoạt động giao thương, qua lại trao đổi giữa người dân 2 bên biên giới trở lại bình thường. Bây giờ, trong quán nhỏ ven đường tại 20 xã biên giới của tỉnh, dễ dàng gặp những người bạn “xuyên quốc gia” cùng ngồi uống trà, cà phê. Có thời gian, những người bạn Việt Nam - Campuchia còn ngồi quây quần bên bàn tròn, thưởng thức nồi lẩu nóng hổi, nhâm nhi ly rượu đế.
Tại cặp Cửa khẩu phụ Tân Hưng - Svai À Ngoong, người dân 2 bên biên giới thường xuyên qua lại thăm thân, trao đổi, mua bán hàng hóa. Trong quá trình giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảnh, cán bộ biên phòng còn tuyên truyền người dân qua lại biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan với dịch bệnh và chấp hành tốt quy định pháp luật của nước sở tại.
Người dân làm thủ tục qua lại biên giới
Sáng sớm, chị Som Nuol ở bên kia xã Chàm, chạy xe máy qua cầu Hữu Nghị 2 bắc qua sông Cái Cỏ. Ngay bên mố cầu thuộc địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, chị Som Nuol nói sau khi biên giới mở cửa hoạt động trở lại, vẫn đều đặn sang Tân Hưng, lúc thì mua rau, quả, cá, thịt, nhu yếu phẩm đem về bán lại cho người dân địa phương, khi thì đi khám bệnh hoặc thăm mấy người quen thân thiết. Nhà ai có chuyện vui thì đến chúc mừng, có hữu sự đến chia buồn. Chị Som Nuol bày tỏ: “Đến Tết Cổ truyền của Việt Nam, tôi sẽ sang nhà mấy người bạn bên Tân Hưng để chúc tết”.
Ngoài qua lại giao thương, thăm thân, người dân 2 bên biên giới còn bảo vệ tài sản cho nhau. Với đặc thù đường biên giới chỉ cách nhau bờ ruộng hoặc con kênh nhỏ nên trâu, bò ăn cỏ ngoài đồng rất dễ đi lạc sang bên kia biên giới. Khi đó, người dân tìm cách thông báo cho chủ biết để liên hệ ngành chức năng sang biên giới nhận lại trâu, bò.
Cùng nhau giữ gìn “Samaki”
Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa diễn ra khá sôi nổi, thay cho cảnh vắng vẻ của thời điểm “căng mình” chống dịch Covid-19. Người dân khi qua lại biên giới thường xuyên đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh. “Vài tháng nay, trung bình mỗi ngày, có gần 100 lượt người dân 2 bên biên giới xuất, nhập cảnh” - Trung tá Nguyễn Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, cho biết.
Chúng tôi gặp ông Lê Văn Dũng, sinh sống ở xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường và nghe được nhiều câu chuyện về tình bằng hữu giữa người dân 2 bên biên giới. Ông Dũng kể những câu chuyện mà khi gặp những người bạn Campuchia vẫn thường nói đến như phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc. Cũng chính vì vậy, bao nhiêu năm làm ruộng dọc tuyến biên giới, gặp nhau thường xuyên nhưng người dân 2 bên chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp.
Bộ đội biên phòng tuyên truyền pháp luật cho người dân biên giới
“Ranh giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia có đường biên giới, cột mốc phân định nên người dân 2 bên không bao giờ vi phạm, xâm lấn đất của nhau. Người dân 2 bên luôn phát huy trách nhiệm, làm nhiều việc tốt, hữu ích để giữ gìn đường biên, cột mốc, xây đắp tình cảm đoàn kết, hữu nghị” - ông Dũng chia sẻ.
Trên tuyến biên giới qua địa bàn huyện Đức Huệ, người dân thường xuyên cảm ơn cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã ngày, đêm bám chốt, vùng biên để ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19, bảo vệ bình yên cuộc sống, chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Bình quân mỗi ngày, khu vực cửa khẩu và 2 lối mở do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây quản lý, tiếp giáp xã Sam Rong và xã Me Sar Thngak, huyện Chanh T’ria, tỉnh Svay Rieng, có hơn 200 lượt người dân qua lại. Vì vậy, tại khu vực chợ Tho Mo (xã Mỹ Quý Tây), dễ dàng bắt gặp những người bạn Campuchia.
Trong giao tiếp của những người bạn xuyên quốc gia lúc gặp nhau, không có gì lạ khi tiếng Việt và tiếng Campuchia đều được sử dụng. Bởi cư dân 2 bên biên giới ít nhiều hiểu và nói được ngôn ngữ của nhau. Ngoài những lời hỏi thăm sức khỏe, gia đình, chuyện làm ăn, người dân còn nhắc nhau giữ gìn tình đoàn kết. Cứ thế, trong những lần gặp gỡ, chuyện trò, người dân căn dặn nhau “samaki” (dịch ra tiếng Việt nghĩa là “đoàn kết”). Không chỉ cư dân biên giới, nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng cũng nghe hiểu và nói được một ít ngôn ngữ Campuchia.
“Trong quá trình sinh sống, làm ruộng tại địa bàn biên giới, nếu phát hiện những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, chúng tôi sẽ báo ngay cho chính quyền và các lực lượng chức năng để kịp thời nắm biết, giải quyết” - ông Võ Thành Sơn (ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) nói.
Nói về chuyện đón tết, Thượng tá Phạm Thành Trung - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, cho biết, đơn vị xây dựng kế hoạch làm nhiệm vụ trong dịp tết và quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Để đón tết, đơn vị tăng gia sản xuất, cung cấp thêm nguồn thực phẩm sạch, chất lượng để chăm lo đời sống cho bộ đội. Dịch bệnh đã được kiểm soát, chắc chắn tết này, đơn vị sẽ đón nhiều khách quý từ các cấp chính quyền, lực lượng bên Campuchia sang chúc tết.
Cửa khẩu hoạt động trở lại, hoạt động qua lại giữa người dân 2 bên biên giới được mở cửa, tình đoàn kết, hữu nghị vì thế cũng ngày càng mở rộng, nối dài và bền lâu./.
Ranh giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia có đường biên giới, cột mốc phân định nên người dân 2 bên không bao giờ vi phạm, xâm lấn đất của nhau. Người dân 2 bên luôn phát huy trách nhiệm, làm nhiều việc tốt, hữu ích để giữ gìn đường biên, cột mốc, xây đắp tình cảm đoàn kết, hữu nghị.
Ông Lê Văn Dũng (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường)
|
Vũ Quang