Nỗi lo “giải cứu”
Thanh long là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam; đồng thời, cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực, là một trong các loại cây đặc sản thế mạnh của tỉnh nói chung và huyện Châu Thành nói riêng. Cây trồng này không chỉ giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu mà còn giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều nông dân tham gia chuỗi giá trị.
Nông dân huyện Châu Thành chăm sóc thanh long
Tuy nhiên, sản xuất thanh long năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những lý do là vì dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long. Giá thu mua thanh long giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Trái thanh long ở tỉnh chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, với chính sách “Zero Covid-19”, Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh Covid-19, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu chậm, làm giảm giá thành thu mua trong nước.
Cũng vì lý do hàng xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu bị ách tắc, ngưng trệ nên có thời điểm nhiều doanh nghiệp đã hủy hợp đồng thu mua thanh long với các thương lái, nông dân đã ký kết trước đó. Trước nhiều khó khăn, có thời điểm thanh long vào vụ thu hoạch chính nên ngành chức năng, chính quyền địa phương phải kêu gọi “giải cứu” thanh long để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Mặt khác, hỗ trợ đưa đi tiêu thụ bán lẻ ở các cửa hàng, địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp ở trong nước.
Nông dân Nguyễn Văn Hoan (ấp Vĩnh Xuân B, xã Dương Xuân Hội) cho biết, có những năm cây thanh long mang lại giá trị rất cao, lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, thời gian qua, không có lãi, thậm chí bị thua lỗ vì giá quá thấp, đã thế đầu ra tiêu thụ rất khó khăn.
Nông dân Nguyễn Văn Hoàng (ấp Vĩnh Xuân B, xã Dương Xuân Hội) chia sẻ: “Cứ tình hình và điệp khúc kêu gọi “giải cứu” thanh long kéo dài như thế thì tâm trí đâu mà yên tâm sản xuất. Không biết gia đình sẽ cầm cự trồng thanh long được bao lâu nữa. Đã có lúc, tôi suy nghĩ chắc phải chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng cũng cảm thấy không ổn. Theo đó, tôi tiếp tục kỳ vọng vào 1,5ha trong những vụ tới, nếu không có chuyển biến sẽ tính tiếp”.
Sau thời gian dài như thế, người trồng thanh long cũng cảm thấy bất an, nơm nớp lo sợ, nhất là đến kỳ đầu tư, thu hoạch. Nhiều người than thở, nếu không chăm bón, đầu tư thì không được, nhưng sợ đến kỳ thu hoạch không có đầu ra, dẫn đến chất đống, thậm chí vứt bỏ tại vườn thì thiệt hại lớn về kinh tế. Cũng vì lý do giá thấp, đầu ra tiêu thụ khó khăn, thua lỗ nên thời gian gần đây có nhiều thông tin về việc diện tích trồng thanh long ở huyện Châu Thành đang giảm nhanh.
Diện tích thanh long trên địa bàn huyện hiện còn hơn 8.600ha. So với năm 2021, diện tích thanh long trong quí I/2022 giảm gần 500ha, trong đó có khoảng 300ha là do già cỗi (7, 8 năm tuổi nên người trồng đốn bỏ), còn khoảng 200ha người trồng đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Có người tạm ngưng trồng thanh long để giảm thiểu rủi ro sau những vụ mất mùa, rớt giá. Nhưng họ đang phân vân, sắp tới chưa biết sẽ trồng thanh long tiếp hay chuyển đổi sang cây trồng gì cho hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những người sau khi chặt bỏ diện tích thanh long già cỗi thì tiếp tục trồng thanh long mới.
Để phát triển bền vững
Dù đã triển khai ứng dụng công nghệ cao, làm chuẩn quy trình VietGAP, GlobalGAP cho vùng trồng thanh long nhưng việc vận động nông dân nâng chất lượng trái thanh long còn khó. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu về công tác quản lý, tổ chức sản xuất và phát triển thị trường một cách bài bản hơn. Trong giai đoạn hiện tại, huyện Châu Thành tập trung thực hiện Đề án Sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng liên kết chuỗi giá trị.
Năm 2021, tổng diện tích thanh long toàn huyện được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 715ha với 1.094 hộ tham gia. Năm 2022, huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường gắn ứng dụng khoa học và công nghệ mới, phát triển các hình thức sản xuất tập thể thành chuỗi sản xuất hàng hóa, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn.
Việc tiêu thụ thanh long thời gian gần đây rất khó khăn
Để phát triển bền vững, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh”.
Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh
|
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Tuấn Thanh, nếu như trước đây, nông dân sản xuất với tư duy chỉ quan tâm tới sản lượng, ước chừng sản xuất thì nay phải thay đổi sang tư duy kinh tế. Để phát triển bền vững, các địa phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. “Trước khi trồng thanh long phải tính đầu ra, không sản xuất ồ ạt rồi đem ra chợ bán. Cũng phải thay đổi suy nghĩ bán được một vụ dư bù các vụ thua” - ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh.
Cũng từ thực tế thời gian qua, các địa phương phải thống kê, nắm chắc diện tích sản xuất, số lượng người dân sản xuất thanh long. Từ đó, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” theo kiểu manh mún, nhỏ, lẻ, tự phát; từng bước nâng cao giá trị trái thanh long, từ đó chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.
Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải, phát triển bền vững cây thanh long đang đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả, đồng bộ. Theo đó, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh; thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và logistic cho ngành hàng thanh long.
Trong nhiều giải pháp đặt ra, huyện cũng xác định phải triển khai hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp huyện Châu Thành giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp chặt chẽ các ngành xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ; xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị trên thanh long; thực hiện truy xuất nguồn gốc, gắn với mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, phát huy Chỉ dẫn địa lý Châu Thành Long An cho sản phẩm trái thanh long.
Song song đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, ưu tiên đào tạo cho người dân quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đào tạo cán bộ khuyến nông, cán bộ nông nghiệp đáp ứng yêu cầu trình độ quản lý, nâng cao năng lực tham mưu. Huyện cũng đề ra giải pháp phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở nêu gương thực hiện; vận động người dân tham gia thực hiện các cơ chế ưu đãi về vốn để phát triển sản xuất, thị trường xuất khẩu thanh long cũng như những quy định về chất lượng trái thanh long khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác để người dân nắm bắt và thực hiện tốt,...
“Cùng với đó, địa phương khuyến khích, hỗ trợ, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm từ trái thanh long bằng trang thiết bị, công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường; nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi giá trị thành công, thúc đẩy các doanh nghiệp đa dạng thành công thị trường xuất khẩu” - ông Nguyễn Văn Khải thông tin thêm./.
Phát triển bền vững cây thanh long đang đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả, đồng bộ. Theo đó, thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh; thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và logistics cho ngành hàng thanh long”.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Khải
|
Lê Đức