Tiếng Việt | English

29/08/2022 - 11:22

Thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng Việt

Sau hơn 12 năm phát động, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” từng bước đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp (DN). Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Đưa hàng Việt về nông thôn

Đến các vùng nông thôn của tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự “thay da, đổi thịt”, đường giao thông, chợ được quan tâm, đầu tư phát triển. Hàng hóa bày bán tại các chợ luôn dồi dào, đầy đủ chủng loại. Đặc biệt, các sản phẩm hàng Việt ngày càng chiếm số lượng áp đảo tại các chợ, kệ hàng và được nhiều người dân nông thôn tin dùng.

Ông Nguyễn Văn Lợi (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) cho biết: “Tất cả đồ tiêu dùng hàng ngày như gạo, bánh, quần áo, nội thất,... gia đình tôi đều ưu tiên dùng hàng Việt vì giá cả phải chăng, chất lượng lại tốt và được các DN và người kinh doanh cam kết bảo đảm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên phối hợp DN tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giúp người tiêu dùng biết được các sản phẩm hàng Việt bảo đảm chất lượng và có giá bán phù hợp túi tiền người dân nông thôn”.

Các hội chợ thương mại, hội chợ hàng Việt về nông thôn góp phần đưa hàng Việt đến gần người tiêu dùng hơn

Tương tự như ông Lợi, ông Đỗ Quang Học (xã Thạnh Hòa, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Gia đình tôi không chỉ ưu tiên dùng hàng Việt trong tiêu dùng các loại hàng hóa thiết yếu hàng ngày mà còn ưu tiên mua các loại vật tư nông nghiệp do các DN có uy tín trong nước sản xuất để phục vụ sản xuất. Cụ thể, trước đây, tôi xài urê Trung Quốc thì nay chuyển hẳn sang sử dụng urê của Việt Nam như urê Phú Mỹ và đạm Cà Mau; mua đồ nhựa gia dụng thì tin dùng sản phẩm của Duy Tân, may mặc thì chọn may Tây Đô, Việt Tiến,...”.

Theo bà Võ Thị Trang - tiểu thương tại chợ Tân Trụ (huyện Tân Trụ), bà và nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ rất quan tâm ưu tiên bán các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ rõ ràng do các DN trong nước sản xuất và sản phẩm nông sản Việt. Chợ Tân Trụ vừa được đầu tư xây mới nên người dân đến đây mua sắm hàng hóa khá thuận lợi và chợ hoạt động suốt từ sáng đến chiều.

Thông tin từ Sở Công Thương, đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 125 chợ và 214 cửa hàng tiện ích ưu tiên phân phối các sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam. Trong đó, các chợ truyền thống không chỉ là kênh tiêu thụ, “đầu ra” hiệu quả cho hàng Việt mà còn góp phần nâng chất hiệu quả tuyên truyền CVĐ. Song, muốn phát huy hiệu quả, cần sự quan tâm, tuyên truyền của tiểu thương ở các chợ truyền thống. Bởi, tiểu thương là người trực tiếp giới thiệu cũng như so sánh giá cả và chất lượng của sản phẩm Việt với sản phẩm ngoại cùng loại trên thị trường đến người tiêu dùng. Vì vậy, tiểu thương được coi là tuyên truyền viên, tiếp thị hàng Việt hữu hiệu, có vai trò quyết định đến yếu tố chọn mua hàng của người tiêu dùng.

Chị Đặng Thị Thúy An - tiểu thương kinh doanh hóa mỹ phẩm tại chợ Cần Đước (huyện Cần Đước), cho biết: “Phần lớn mặt hàng hóa mỹ phẩm Việt được quan tâm cải tiến từ hình thức bên ngoài đến chất lượng bên trong. Muốn thuyết phục khách hàng tin và dùng thử sản phẩm thì người bán phải tư vấn từ tiêu chí về chất lượng đến việc so sánh công dụng và giá cả với sản phẩm ngoại cùng loại; đồng thời, cam kết bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dùng và có chính sách chăm sóc khách hàng tốt”.

Để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt

Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà chia sẻ: “Để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, công ty luôn chú trọng lựa chọn các thương hiệu Việt có uy tín để hợp tác kinh doanh. Hiện các mặt hàng tiêu dùng được bày bán tại các cửa hàng của công ty có hơn 90% là sản phẩm Việt và tất cả đều rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, có gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm”.

Với mục tiêu góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của cộng đồng người dân và các DN, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã xây dựng và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, chương trình phong phú: Người dân sử dụng đạm Phú Mỹ trong sản xuất; Đưa hàng Việt về nông thôn, đưa sản phẩm nông nghiệp nông thôn ra thành thị; Phiên chợ đêm. Đồng thời, nhân rộng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các địa phương trong tỉnh gắn với Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Sản phẩm Việt chiếm hơn 90% mặt hàng tại chuỗi Cửa hàng thực phẩm San Hà

Thời gian qua, hàng Việt không ngừng được nâng cao về chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu, rộng vào thị trường khu vực, quốc tế. Điều đó thể hiện ở chỗ ngày càng có nhiều mặt hàng Việt Nam xuất hiện trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, thời gian qua, hàng Việt không ngừng được nâng cao về chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước và ngày càng thâm nhập sâu, rộng vào thị trường khu vực, quốc tế. Điều đó thể hiện ở chỗ ngày càng có nhiều mặt hàng Việt Nam xuất hiện trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.

Đặc biệt, sự vào cuộc của cộng đồng DN đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, dần khẳng định thương hiệu hàng Việt không chỉ trong nước mà trên trường quốc tế. Thông qua CVĐ, các hội chợ và phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người tiêu dùng tìm hiểu, nhận biết các sản phẩm của địa phương, vùng, miền và DN quảng bá thương hiệu, kích cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều địa phương, DN đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng, hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển bền vững.

Cùng với đó, Sở thường xuyên đăng tải các thông tin về thị trường, giá cả hàng hóa, thông tin, nhu cầu kết nối tiêu thụ sản phẩm, các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến, tình hình cửa khẩu biên giới đến các DN,... lên trang thông tin điện tử của Sở; tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, Luật Cạnh tranh, Ngày Thương hiệu Việt Nam,...

Đồng thời, Sở cung cấp thông tin đầu mối cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản của tỉnh đến Bộ Công Thương, tham tán thương mại tại các nước, các tỉnh, thành phố, các hiệp hội, DN để kết nối tiêu thụ; giới thiệu DN của tỉnh tham gia bình ổn thị trường các tỉnh, thành phố, nhất là TP.HCM.

Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP ngày càng được người tiêu dùng tin dùng

Mặt khác, Sở phối hợp các sàn thương mại điện tử, các DN, hợp tác xã cung ứng hàng hóa qua sàn thực hiện đóng hàng tại kho DN; hỗ trợ các DN thực hiện giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; kết nối các hộ dân với các DN, hợp tác xã trong tỉnh như hệ thống Co.opmart, San Hà, Bách Hóa Xanh, Bưu điện tỉnh, các hộ kinh doanh trong tỉnh để tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, Sở xây dựng các video clip tuyên truyền các sản phẩm tiêu biểu, quảng bá sản phẩm chủ lực của tỉnh; tổ chức gian hàng trưng bày và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh tại Phú Quốc, An Giang, điểm dừng chân Đồng Tháp tại huyện Thạnh Hóa, chuỗi cửa hàng San Hà,...

Ngoài ra, Sở còn chuyển các hoạt động xúc tiến thương mại sang hình thức thương mại điện tử, kết nối trực tuyến; phát huy tối đa group Zalo giao thương các tỉnh, Zalo Hiệp hội DN Long An, Zalo Đồng hương Long An,... để quảng bá, kết nối tiêu thụ; giới thiệu sản phẩm nông sản lên sàn Postmart, Voso, Lazada, Tiki, Sendo,...

“Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan vận động các tầng lớp nhân dân cùng chung tay hưởng ứng để CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng phát huy hiệu quả và đi vào chiều sâu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động DN nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa Việt không chỉ trên thị trường trong nước mà từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới” - bà Châu Thị Lệ thông tin./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết