Tiếng Việt | English

15/11/2021 - 10:33

Thông tin và hỏi - đáp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Câu hỏi: Tôi có nghe nói đến quy định về thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Vậy quy định này cụ thể như thế nào?

(Bạn đọc Báo Long An)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3, khoản 4, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014:

“3. Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được Quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1, Điều này theo tỷ lệ như sau, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này:

a) Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;

b) Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước;

c) Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01/01/2016.

4. Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có mức hưởng theo quy định tại khoản 1, Điều này.”

Như vậy, người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện, khi đi KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện tương đương của bất kỳ địa phương nào trên cả nước đều được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.

Cũng theo quy định trên, từ ngày 01/01/2021, thực hiện chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT, theo đó, người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

Ngoài ra, anh/chị cũng cần lưu ý, hiện nay, BHXH Việt Nam và ngành Y tế đã thống nhất triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB thay cho thẻ BHYT giấy. Do đó, anh/chị và người thân nên cài đặt ứng dụng này trên điện thoại thông minh, để tiện lợi cho việc KCB của mình.

Câu hỏi: Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT khi đi KCB BHYT vượt tuyến, trái tuyến hoặc cấp cứu thì được hưởng quyền lợi như thế nào?

(Bạn đọc Báo Long An)

Trả lời:

Người bệnh KCB BHYT vượt tuyến, trái tuyến (trừ trường hợp cấp cứu), nếu xuất trình đầy đủ thủ tục thì được hưởng 100% chi phí KCB theo mức hưởng đối với bệnh viện tuyến huyện; 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng đối với bệnh viện tuyến tỉnh; 40% chi phí điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến trung ương.

Với trường hợp cấp cứu, người bệnh được đến KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ theo quy định trước khi ra viện.

Đối với trường hợp đang đi công tác; làm việc lưu động, đi học tập trung không may bị bệnh thì được KCB ban đầu tại cơ sở y tế cùng tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc tương đương với cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT và xuất trình các giấy tờ nêu trên cùng một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản sao): Giấy công tác hoặc Quyết định cử đi học và Giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú./.

BHXH TỈNH LONG AN

Chia sẻ bài viết