Tiếng Việt | English

27/04/2022 - 09:19

Thủ Thừa: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, Thủ Thừa, tỉnh Long An từng bước đưa Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả khả quan. Trong đó, Chương trình đột phá đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) được người dân nhiệt tình hưởng ứng và tạo được sự lan tỏa.

Tiếp sức cho người dân

Thực hiện Chương trình đột phát đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC, huyện tập trung đầu tư, hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả tại các địa phương.

Để xây dựng mô hình sản xuất mai phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện xây dựng mô hình lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến và phân bón hữu cơ trên cây mai; đồng thời, áp dụng hệ thống bù áp giúp cân bằng lượng nước tưới ở tất cả các vị trí.

Theo đó, đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây mai, huyện chọn xã Long Thạnh để triển khai nhân rộng mô hình trồng mai theo hướng công nghệ cao. Huyện thành lập 2 tổ kinh tế hợp tác gồm 4 hộ với diện tích 1,2ha trồng trên 20.000 gốc mai và hỗ trợ đầu tư 2 hệ thống tưới tiên tiến tự động với chức năng bù áp có tổng kinh phí 160 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 80 triệu đồng.

Thủ Thừa xây dựng mô hình lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến và phân bón hữu cơ trên cây mai

Một trong những người trồng mai theo hướng công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Út (ấp 1, xã Long Thạnh) chia sẻ: “Hệ thống tưới nước tiên tiến tự động được áp dụng theo công nghệ mới giúp nông dân chủ động hơn trong quá trình canh tác mai. Cứ 3 ngày, tôi bật hệ thống tưới nước 1 lần trong thời gian 30 phút. Dù gần hay xa máy bơm thì lượng nước vẫn bảo đảm cung cấp đồng đều, đặc biệt là tưới phân cho cây mai, hệ thống tưới ngay gốc không bị thất thoát về phân bón”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thủ Thừa - Lê Anh Tuấn cho biết: “Có thể thấy từ tổ kinh tế hợp tác xây dựng hệ thống tưới nước tự động áp dụng công nghệ mới bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ, lẻ sang sản xuất liên kết chặt chẽ gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình đột phá đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC mà Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra”.

Ngoài ra, huyện vừa thực hiện 2 mô hình điểm với diện tích 102ha lúa nếp tại ấp 4, xã Long Thuận gồm giống xác nhận, phân hữu cơ và phun thuốc bằng thiết bị bay; mô hình canh tác lúa thông minh; mô hình canh tác lúa bền vững thân thiện với môi trường tại ấp 2, xã Mỹ Phú với kinh phí Nhà nước hỗ trợ 40% giống, phân thuốc.

Hội Nông dân huyện phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo, tập huấn đầu vụ cho sản xuất vụ Đông Xuân về kỹ thuật làm đất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân,… cho người dân. Các xã cũng nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong thực hiện nông nghiệp ƯDCNC. Theo đó, xã Long Thạnh chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp Hội Nông dân xã tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của việc ƯDCNC trong sản xuất; tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp các hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân chọn ra các hộ nông dân tiêu biểu, có tâm huyết để thực hiện các mô hình nông nghiệp ƯDCNC, từ đó nhân rộng trên địa bàn xã.

Nông dân mạnh dạn đi theo hướng mới

Biết về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, nhiều người dân mạnh dạn thay đổi theo hướng đi mới, quan tâm áp dụng khoa học - kỹ thuật và đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất. Gia đình sản xuất 7ha lúa nhưng làm theo phương pháp truyền thống nên tốn nhiều công sức và thu lãi không cao, vì thế anh Nguyễn Văn Trứ (ấp 2, xã Long Thạnh) quyết tâm thay đổi hướng sản xuất. Những loại máy móc phục vụ các khâu làm đất đến thu hoạch lúa được anh Trứ dần đầu tư đầy đủ. Những năm gần đây, sau khi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, anh Trứ quyết định đầu tư thiết bị bay để phun thuốc. Đây là bước tiến lớn trong quy trình sản xuất của anh Trứ từ trước đến nay.

Sau khi rau, củ, quả về kho được phân loại và đóng gói kỹ

Anh Trứ tâm sự: “Làm lúa diện tích lớn mà phun thuốc theo phương pháp truyền thống thì rất tốn công và có thể không kịp thời gian phun thuốc đúng hạn cho lúa. Do vậy, tôi mạnh dạn đầu tư thiết bị bay phục vụ việc phun thuốc cho gia đình và tận dụng để phun thuốc thuê cho người dân trong xã. Thay vì mất nhiều giờ để phun thuốc theo kiểu truyền thống thì với thiết bị bay tôi chỉ mất khoảng 8 - 10 phút/ha. Không chỉ giảm chi phí, thời gian phun thuốc nhanh mà hiệu quả phun thuốc còn đều hơn nên nhiều người có nhu cầu thuê tôi phun thuốc bằng thiết bị bay của gia đình”.

Tại xã Mỹ Thạnh, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh cũng nỗ lực trong việc sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Hiện HTX có 31 thành viên với hơn 40ha trồng các loại rau, củ, quả. HTX sản xuất theo quy trình VietGap từ năm 2021 đến nay. Trong đó, toàn bộ hệ thống tưới tiêu của HTX đều tự động, giúp giảm chi phí, tăng năng suất cho cây trồng. Đặc biệt, HXT thực hiện tốt việc lo đầu ra cho rau, củ, quả của tất cả thành viên. Không chỉ hỗ trợ về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp,… HXT còn bao tiêu sản phẩm và thu mua tại vườn của các thành viên với giá cao hơn giá thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg. Bởi, HTX tìm được đầu ra ổn định trong hệ thống Co.op và các đơn vị chế biến nông sản.

Bên cạnh đó, quy trình từ thu hoạch đến đóng gói, xuất hàng cũng được thực hiện khoa học, bảo đảm chất lượng của rau, củ, quả. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Rau, củ, quả vận chuyển về kho và theo quy trình xử lý. Những sản phẩm không đạt bị loại bỏ. Tùy theo sản phẩm, HTX đóng gói từng trái hoặc theo vỉ. Tất cả sản phẩm đều được dán tem của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh. Hiện HTX đầu tư máy rửa bằng khí ozone để phục vụ cho quy trình xử lý rau, củ, quả đạt chất lượng hơn nữa”.

Nhờ sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại, việc sản xuất nông nghiệp của người dân ngày càng thuận lợi hơn, đặc biệt là năng suất cao hơn. Đây cũng là kết quả bước đầu của Chương trình đột phát đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC của huyện Thủ Thừa./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích