Quản lý chặt chẽ, khoa học
So với trước đây, việc ứng dụng CNTT ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý của ngành GD: Điều hành các hoạt động dạy và học, quản lý, lưu trữ văn bản hành chính, tài chính - kế toán,... Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ quản lý, giáo viên (GV) để chủ động và khai thác hiệu quả lợi ích của CNTT trong hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng GD; phân công nhân sự kiêm nhiệm công tác CNTT, thành lập tổ nghiêp vụ CNTT bao gồm các nhân viên, GV am hiểu về CNTT tại các trường. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thư điện tử, triển khai hệ thống thông tin quản lý về phổ cập giáo dục - chống mù chữ, các phần mềm quản lý kế toán, thư viện, quản lý tài sản, sổ điểm HS, phần mềm ra đề và quản lý ngân hàng câu hỏi Smart Test,...
Học sinh hào hứng với các hình ảnh sinh động trên giáo án điện tử
Một trong những trường ứng dụng tốt CNTT trong quản lý, điều hành hoạt động là Trường Tiểu học Mỹ Lạc A, xã Mỹ Lạc. Thời gian qua, trường chuẩn bị tốt hệ thống phần mềm, đường truyền Internet, trang bị thiết bị CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành như máy tính, máy in,... Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu, sử dụng các phần mềm có bản quyền; các máy tính liên quan đến quản trị dữ liệu website, kế toán - tài chính,... đều có phần mềm diệt virus.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Lạc A - Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết: “Nhờ ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu học sinh (HS), GV được liên thông trên toàn tỉnh, bảo đảm khả năng truy xuất thông tin mọi lúc, mọi nơi. Việc tổng hợp, báo cáo trực tuyến giúp cập nhật số liệu kịp thời, chính xác và góp phần giảm áp lực công việc. Việc tin học hóa toàn diện giúp việc quản lý lớp học, đánh giá, xếp loại HS,... hiệu quả, thuận lợi hơn trước rất nhiều!”.
Nâng cao chất lượng dạy và học
Mục đích quan trọng nhất của việc ứng dụng CNTT chính là nâng cao chất lượng dạy và học. Nếu như trước đây, các tiết học chỉ học đơn điệu với “phấn trắng, bảng đen” thì nay, các bài giảng điện tử với hình ảnh trực quan, sinh động giúp HS tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn. Tại Trường Mẫu giáo Long Thạnh, xã Long Thạnh, GV chủ động khai thác tài nguyên GD phong phú từ Internet để xây dựng các giáo án điện tử giúp cho tiết học thêm sôi nổi và thu hút HS. Ngoài ra, các em cũng được làm quen với máy tính, phát triển trí tuệ qua các phần mềm: Kid Smart, Kid Pix, Happy Kids,...
Học sinh Trường Mẫu giáo Long Thạnh, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa được làm quen với máy tính, phát triển trí tuệ qua các phần mềm như: Kid Smart, Kid Pix, Happy Kids,…
Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Thạnh - Lê Thị Na chia sẻ: “Long Thạnh là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thủ Thừa, phụ huynh đa phần làm công nhân hoặc làm nông, kinh tế nhiều hộ còn khó khăn nên các cháu nhỏ ít có điều kiện tiếp xúc CNTT. Việc ứng dụng CNTT giúp HS làm quen với máy tính, các bài giảng điện tử có hình ảnh sinh động, có âm thanh, bài hát giúp HS nhớ bài lâu, hào hứng tham gia phát biểu, năng động và sáng tạo hơn so với cách dạy truyền thống”.
“Tuy phải chuẩn bị bài kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn nhưng bản thân GV chúng tôi không ngại, bởi vì bài giảng được lưu giữ lâu dài, hơn hết là tinh thần, thái độ học tập của các em rất tích cực, việc truyền đạt kiến thức mang lại hiệu quả rất nhiều...” - cô Nguyễn Thị Bé Hảo - GV môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Mỹ Lạc A, chia sẻ.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thủ Thừa - Phạm Quốc Tuấn cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị CNTT tại các trường, thường xuyên có các khóa học nâng cao trình độ đội ngũ GV, tổ chức các cuộc thi ứng dụng CNTT trong giảng dạy; trang bị phần mềm ra đề, ngân hàng câu hỏi phục vụ quá trình giảng dạy. Các phần mềm mã nguồn mở hiện đang được sử dụng phổ biến tại các trường trên địa bàn huyện bao gồm: Violet, Powerpoint, MISA, EMIS, SMAS 3.0, VNPT School,... Chúng tôi đang xin chủ trương xây dựng website liên kết giữa Phòng GD&ĐT với 40 trường mẫu giáo, tiểu học và THCS trên địa bàn nhằm lưu trữ hồ sơ và kết nối đồng bộ dữ liệu nhanh chóng, chính xác để việc quản lý ngày càng hiệu quả”.
Ngoài phục vụ công tác quản lý, nhờ ứng dụng CNTT, HS tiếp thu bài học dễ dàng hơn, bài giảng của GV cũng thu hút hơn so với phương pháp đọc - chép truyền thống. Từ đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng GD - một trong những mục tiêu quan trọng của ngành GD ngày nay./.
Phạm Ngân