Tiếng Việt | English

05/06/2017 - 11:01

Nâng chất, phát triển giáo dục vùng sâu

Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ sự quan tâm đầu tư của Ðảng, Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội, chất lượng giáo dục ở các vùng sâu, xa, biên giới của tỉnh ngày càng được nâng lên.

Học sinh được nhận nhiều sự hỗ trợ

Là hiệu trưởng của trường, lại có thâm niêm gần 20 năm công tác ở Trường Tiểu học Tân Hiệp, xã Tân Hiêp, huyện Thạnh Hóa, hơn ai hết, thầy Nguyễn Văn Luốc hiểu rất rõ những sự thay đổi lớn lao của trường.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa nhiều năm qua được thụ hưởng Chương trình SEQAP

Theo thầy Luốc, Trường Tiểu học Tân Hiệp thành lập từ năm 1990, khi đó phòng học tạm bợ. Đến 2006, trường được đầu tư xây dựng 8 phòng học,... Cứ thế, sau đó, trường tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm và đến nay có tất cả 22 phòng, trong đó có 11 phòng chức năng.

Hiện, trường có 4 điểm với 412 học sinh (HS), điểm chính của trường ở ấp 2 có 6 phòng học được xây dựng khang trang với 145 HS, sân trường có nhiều cây xanh bóng mát. Trường trang bị 30 máy vi tính, 15 đàn violon, 1 đàn piano để HS học tập. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Tháng 4/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư xây dựng thêm cho trường công trình nhà ăn tập thể cho HS với kinh phí trên 200 triệu đồng. Trường cũng có dãy nhà công vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu ở của giáo viên (GV) xa nhà.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, Trường Tiểu học Tân Hiệp là nơi đầu tiên của tỉnh được thụ hưởng Chương trình SEQAP (bảo đảm chất lượng trường học) vào năm 2010. Đến năm 2016, chương trình này kết thúc và tổng số tiền trường được hỗ trợ hơn 1,3 tỉ đồng. Từ số tiền này, HS được hỗ trợ ăn trưa 2 buổi/tuần, dụng cụ học tập, quần áo. Ngoài ra, là xã biên giới nên vào đầu năm học, HS của trường cũng đón nhận nhiều đoàn đến tặng quà, hỗ trợ các em học tập.

“Những sự hỗ trợ từ Chương trình SEQAP và của các tổ chức, đơn vị, cá nhân rất quan trọng. Từ đó, góp phần vào việc không có HS của trường bỏ học giữa chừng” - GV Huỳnh Ngọc Điệp chia sẻ.

Khi trường lớp, nhà công vụ được xây dựng thì công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho GV cũng đặc biệt được quan tâm. Hàng năm, nhà trường đều cử GV tham gia tập huấn do ngành giáo dục tổ chức. “Thông qua tập huấn, trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp, đội ngũ GV nhà trường nắm được những kiến thức, phương pháp, kỹ năng dạy học mới để truyền đạt cho HS” - thầy Nguyễn Văn Luốc cho biết thêm.

Từ sự đầu tư, hỗ trợ trên, chất lượng dạy và học ở trường được nâng lên qua từng năm. Năm học 2015-2016, trường không có HS bỏ học, 438/441 HS hoàn thành chương trình học; 312 HS được trường và huyện tặng giấy khen; 17/42 GV đạt GV giỏi cấp huyện.

Xây trường, chống bỏ học

3 xã biên giới: Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B, huyện Tân Hưng nhiều năm trước được biết đến với tỷ lệ HS bỏ học cao; trong đó, đa phần là HS bậc THPT. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, ngoài điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức và ý thức của phụ huynh, HS trong việc học còn hạn chế, nhiều em nghỉ học để lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình,... còn có một vấn đề là Trường THPT Tân Hưng đóng ở địa điểm xa xã.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Thắm, đa phần HS THPT ở các xã biên giới đi học đều phải ở trọ tại thị trấn hoặc ở ký túc xá của trường. Thế nhưng, vì đi học xa, ở trọ tốn kém nên nhiều em bỏ học giữa chừng.

Xác định được nguyên nhân này, ý tưởng xây dựng trường THPT trên địa bàn các xã biên giới được gợi ra. Thế là UBND huyện Tân Hưng kiến nghị ngành giáo dục và tỉnh mở điểm phụ Trường THPT Tân Hưng ở 1 trong 3 xã biên giới nhằm ngăn dòng HS bỏ học. Ý tưởng, kiến nghị này được duyệt, từ năm học 2014-2015, Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép mở “điểm phụ” Trường THPT Tân Hưng, đóng tại ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. 2 năm học (2014-2015 và 2015-2016), “điểm phụ” này có 6 lớp, từ khối 10 đến 12, đóng góp quan trọng trong việc ngăn dòng bỏ học đối với HS vùng biên giới.

Thế nhưng, đây vẫn là giải pháp tình thế vì chuyện học ở “điểm phụ” này còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn: Trường lớp tạm bợ, máy móc thực hành thiếu, GV di chuyển giữa “chi nhánh” đến trường chính và ngược lại phải vất vả hơn nhiều. Thế là trên cơ sở 12 phòng cũ của Trường THCS, tỉnh đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học mới với kinh phí gần 5 tỉ đồng để thành lập Trường THCS&THPT Hưng Điền B (đóng tại xã Hưng Điền B).

Năm học 2016-2017, trường chính thức được thành lập và đi vào hoạt động trong niềm phấn khởi của HS, người dân và chính quyền địa phương, bởi từ đây, chuyện học tập của HS 3 xã biên giới: Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà và một phần của 2 xã Thạnh Hưng, Hưng Thạnh thuận lợi hơn rất nhiều.

Hiệu trưởng nhà trường - thầy Nguyễn Ngọc Giao cho biết: “Trường lớp khang trang, trang bị khá đầy đủ máy thực hành và có 44 GV, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng biên giới này. Hiện, toàn bộ GV, HS nhà trường đang nỗ lực khẳng định “thương hiệu” của một ngôi trường mới khai sinh. Phương pháp giáo dục của trường là luôn tạo môi trường dạy và học thân thiện, tích cực; luôn lấy HS là trung tâm; trong các tiết học luôn phát huy sáng kiến, tư duy của HS; tăng khả năng thực hành. Ngoài ra, trường cũng chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, truyền thống”.

Cũng theo thầy Giao, hiện trường có 710 HS, trong đó, 280 HS THPT. Hiện nay, tỷ lệ HS bỏ học ở 3 xã biên giới giảm rất nhiều so với những năm học trước. Theo rà soát từ đầu năm học 2016-2017 đến nay, có 21 em bỏ học, trong đó, ở cấp THPT là 14/280 em (chiếm 5%)./.

Trường lớp của các cấp học ở vùng sâu, biên giới hiện nay cơ bản được xây dựng đầy đủ, có nhiều trường rất khang trang. Hàng năm, ngành giáo dục tiến hành rà soát thực trạng trường lớp để có kiến nghị lộ trình sửa chữa, xây mới và xóa bỏ trường xuống cấp. Nhà công vụ ở vùng sâu, biên giới được xây dựng rất nhiều, thế nhưng qua rà soát, giáo viên vẫn còn có nhu cầu nên thời gian tới kiến nghị tiếp tục đầu tư.

Về đội ngũ giáo viên, hiện tại, ở cấp mầm non còn thiếu nhưng không đáng kể. Hàng năm, đội ngũ này luôn được ngành giáo dục tổ chức những đợt tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới cũng được hưởng những chính sách riêng như hỗ trợ gạo, dụng cụ học tập cho học sinh có hoàn cảnh gia đình nghèo, dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều trở về từ Campuchia,... Từ nhiều sự đầu tư đó, chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh ngày càng được nâng lên.

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hồng Phúc

Lê Đức

Chia sẻ bài viết