Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương chủ động trữ nước ngay từ mùa mưa để hạn chế thiệt hại do hạn mặn
Ngày 23/9, tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với các bộ, ngành cùng 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long về các giải pháp chủ động ứng phó hạn, xâm nhập mặn mùa khô. Tỉnh Long An có Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh tham dự hội nghị.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn quốc gia, tổng lượng mưa tích lũy trên lưu vực sông Mê Kông từ đầu mùa mưa đến nay thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 25 – 45%. Hiện tượng Enso có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào cuối năm với xác suất 65 – 70%. Do vậy, mưa có xu hướng tăng, ngoài ra, từ nay đến cuối năm, theo dự báo có khả năng xuất hiện 4 – 5 cơn bão khu vực Trung bộ và phía Nam, gây mưa lớn trên lưu vực Mê Kông. Nguồn nước đang thiếu hụt trên lưu vực Mê Kông có thể được bù đắp bằng lượng mưa muộn, tuy nhiên, lượng mưa vẫn có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5 – 15%.
Đồng bằng sông Cửu Long có 95% tổng lượng nước từ thượng nguồn Mê Kông, nguồn nước này đóng vai trò cốt yếu đến tình hình xâm nhập mặn đồng bằng. Từ đầu mùa mưa đến nay, dòng chảy trên lưu vực Mê Kông đều ở mức rất thấp do lượng mưa thiếu hụt.
Mực nước trên dòng chính Mê Kông ngày 19/9 tại trạm Chiang Sean (giáp với Trung Quốc, cách trạm Tân Châu, Việt Nam hơn 2.000km) ở mức 3,44m, thấp hơn 1,92m so với trung bình nhiều năm. Mực nước tại trạm Kratie (cách trạm Tân Châu 300km) ở mức 12,1m, thấp hơn 6,76m so với trung bình nhiều năm.
Tổng lượng nước mùa lũ năm nay tính đến hiện tại đang thấp nhất lịch sử, tại trạm Kratie khoảng 91,9 tỉ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm 106,5 tỉ m3. Biển Hồ Campuchia hiện trữ nước thấp hơn trung bình nhiều năm gần 77%.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn Mê Kông có khả năng thấp hơn mức báo động 1, tại Tân Châu 3,5m, Châu Đốc 3m, xuất hiện muộn vào khoảng giữa tháng 10. Đỉnh lũ không cao, tuy nhiên, nguy cơ lũ lên nhanh do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể xuất hiện. Do lũ thấp nên xâm nhập mặn ở vùng cửa sông Nam bộ sẽ đến sớm hơn, gay gắt hơn trung bình nhiều năm, nhưng ít khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô 2019.
Theo đó, kịch bản xấu nhất, xâm nhập mặn có thể nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, tương đương năm 2019. Tại các cửa sông Cửu Long, ranh mặn ở mức 4g/lít, cao nhất từ 65 – 75km, cao hơn 20 – 30km so với trung bình nhiều năm, cao hơn năm 2016 từ 3 – 5km, một số thời điểm tương đương 2019. Khoảng 98.000ha lúa Đông Xuân tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau có nguy cơ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, 82.000ha cây ăn trái cũng có thể bị ảnh hưởng, khoảng 76.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Tại hội nghị, một số tỉnh như Tiền Giang đã đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí hoàn thiện các hệ thống cống đập ngăn mặn vùng giáp ranh Long An, xem xét phương án đắp đập tạm trên sông Hàm Luông (Bến Tre) mùa hạn mặn để hạn chế mặn lấn sang tỉnh này.
Tỉnh Cà Mau cũng trình bày, do địa phương này không được nhận nước từ Mê Kông, nguồn nước ngọt chính là nước mưa và nước ngầm. Do nước ngầm đã bị cấm khai thác nên cần sớm xây dựng hồ trữ ngọt quy mô để chủ động tích nước cho mùa khô.
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc nhận định, các năm 2016, 2019, hạn mặn gây nhiều khó khăn cho đời sống và sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hạn mặn năm nay được dự báo khốc liệt hơn năm 2016, vì vậy, các bộ, ngành và địa phương cần có biện pháp trước mắt và lâu dài để hạn chế thấp nhất tổn thất, bảo đảm cuộc sống người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này.
"Hiện chúng ta đang vào mùa mưa nên cần chủ động thảo luận các giải pháp đắp đập, trữ nước ngọt cho mùa khô ngay từ bây giờ, nhất là các loại cây trồng nhạy cảm nước ngọt như sầu riêng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước. Ngoài ra, cần thảo luận giảm diện tích lúa Đông Xuân để hạn chế nguy cơ rủi ro, cũng như tiếp tục thực hiện các công trình thủy lợi ngăn mặn, ngọt hóa cho đồng bằng. Chủ trương của Chính phủ tuy là thuận thiên, nhưng cũng cần có những công trình cứng hóa để hạn chế xâm nhập mặn sâu vào đồng bằng. Ngoài ra, các địa phương thảo luận, nghiên cứu các giống cây trồng phù hợp để chuyển đổi trong điều kiện mới.
Năm nay, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỉ đồng cho các tỉnh ứng phó./.
Châu Sơn