Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ chính thức khai mạc ngày 03/12 tại thủ đô London (Anh). Dù thượng đỉnh lần này đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập NATO, nhưng có một câu hỏi rất lớn đặt ra hiện nay, đó là “Tương lai của NATO sẽ diễn ra như thế nào?”.
Cờ NATO và các nước thành viên. Ảnh: Reuters
Sau những mâu thuẫn âm ỉ nhiều tháng qua, nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Tây Dương (NATO) tiếp tục căng thẳng trước việc Pháp một thành viên chủ chốt công khai chỉ trích khối “NATO dang chết não”; trước việc Mỹ, một thành viên sáng lập khác không chỉ cắt giảm nguồn viện trợ mà còn đe dọa có thể sẽ rút khỏi NATO; và cả những màn lời qua tiếng lại giữa các thành viên trong khối. “Bất đồng, mâu thuẫn và thiếu định hướng” là những cụm từ mà giới phân tích nói về NATO ở thời điểm hiện nay. Vậy điều gì đang xảy ra với khối quân sự lớn nhất thế giới này?
“NATO đang chết não”?
Những gì mà chúng ta đang chứng kiến với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO không phải là một sự bộc phát mâu thuẫn nhất thời mà nó là sự bùng nổ sau một thời gian dài bất đồng âm ỉ. Có thể nói, những vấn đề cốt lõi mà NATO đang phải đối mặt, như việc thiếu định hướng chiến lược, bất đồng trong việc san sẻ trách nhiệm và thiếu vắng các phối hợp ở tầm cao, thực ra đã tồn tại từ nhiều năm qua. Cần phải đặt NATO trong một bối cảnh quốc tế khoảng 2 thập kỷ trở lại đây.
Sau chiến tranh Lạnh và với sự sụp đổ của đối thủ đối trọng với NATO là khối Hiệp ước Warsaw và Liên Xô, sự tồn tại của NATO trên lý thuyết là đã không còn cần thiết nhưng khối quân sự này vẫn không chỉ được duy trì mà còn được mở rộng. Có điều là các học thuyết chính trị-quân sự liên quan đến phòng thủ tập thể mà NATO áp dụng trong chiến tranh lạnh đã không còn thích hợp trong hoàn cảnh mới, nơi mà rõ ràng là NATO đã hoàn toàn chuyển từ thế phòng thủ sang thế tấn công.
NATO từng thử nghiệm các học thuyết mới về can thiệp nhân đạo, về chống khủng bố thông qua chiến tranh ở Nam Tư, ở Afghanistan… nhưng rõ ràng là các mục tiêu này không đủ mạnh để kết nối lợi ích của tất cả các nước thành viên NATO. Tiếp theo, khi không còn những kẻ thù đủ lớn để làm chất liên kết, thì các bất cập trong nội bộ NATO sẽ phải bộc lộ, ở đây là việc chia sẻ trách nhiệm về tài chính.
Các quan chức Mỹ cũng không hoàn toàn vô lý khi cho rằng nước Mỹ phải gánh vác quá nhiều cho an ninh châu Âu và đòi hỏi châu Âu phải đóng góp nhiều hơn. Đó là điều dễ hiểu bởi khi chiến tranh Lạnh đã kết thúc và chính sách đối ngoại của nước Mỹ qua các đời Tổng thống gần đây cho thấy là Mỹ ngày càng muốn ít can dự trực tiếp và đang thực thi việc rút lui tương đối tại nhiều điểm nóng trên thế giới, do gánh nặng tài chính quá lớn và công chúng Mỹ thì cũng ngày càng ác cảm với việc Mỹ nhúng tay vào quá nhiều sự việc trên thế giới.
Việc một nhân vật sẵn sàng phát ngôn một cách trưc diện như ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ là ngòi nổ để các bất cập bao lâu nay trong NATO nổ ra. Vì vậy, bầu không khí bi quan của NATO hiện nay thực ra chỉ là việc đã đến lúc NATO phải đối mặt và giải quyết các vấn đề lớn mà bao lâu nay khối quân sự này vẫn né tránh mà thôi.
Bài toán cải tổ
Thực tế, khó có thể chờ đợi rằng NATO sẽ có những cải tổ triệt để ngay trong hội nghị Thượng đỉnh lần này ở London. Trước hết, đây là một sự kiện mang nặng tính biểu tượng, để kỷ niệm 70 năm thành lập khối và thường thì ở những sự kiện như thế, các chính trị gia thường chú trọng nhiều hơn đến việc đưa ra các thông điệp hơn là hành động thực chất, ở đây với NATO là để khẳng định giá trị của khối quân sự này với an ninh của các quốc gia thành viên. Quan trọng hơn, đó là hiện tại NATO chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cho một kế hoạch cải tổ thực sự.
Tuần trước, Ngoại trưởng các nước NATO đã họp tại Brussels để chuẩn bị cho chương trình nghị sự của hội nghị Thượng đỉnh tại London, trong đó có nêu ra một số hướng quan trọng, như việc NATO sẽ chú trọng đến lĩnh vực không gian, phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự và dân sự của khối này và cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Tiếp đến, NATO cũng tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ và phân tích kỹ tác động của việc Trung Quốc liên tiếp gia tăng chi tiêu quốc phòng trong hơn 1 thập kỷ. Đây là hai chính sách mới quan trọng của NATO nhưng không phải là một sự cải tổ cấu trúc.
Đáng chú ý hơn, đó là việc các nước Pháp và Đức đề xuất lập các nhóm nghiên cứu chuyên sâu để định hình tương lai của NATO, nói cách khác là xây dựng một học thuyết chính trị mới cho NATO bên cạnh học thuyết quân sự, như xác định vai trò của NATO, phạm vi can dự của NATO… trong môi trường an ninh quốc tế. Đây mới thực sự là những thay đổi về chất của NATO, nhưng không phải là việc có thể ngay lập tức thực hiện mà cần thời gian nghiên cứu, phân tích, tham vấn nên theo giới phân tích thì sớm nhất cũng phải đến 2021 thì NATO mới hoàn thành được một học thuyết mới, một tầm nhìn chiến lược mới.
Vì vậy, tại Hội nghị thượng đỉnh ở London, ngoài các tuyên bố chính trị mang tính ngoại giao, khả năng là các nguyên thủ NATO cũng sẽ không đạt được điều gì quá lớn. Thái độ và tính cách thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là một yếu tố lớn quyết định đến việc liệu hội nghị có thành công hay không.
Chắc chắn chủ đề chia sẻ gánh nặng tài chính, cụ thể là việc yêu cầu các nước châu Âu chi tiêu quân sự nhiều hơn, sẽ lại được ông Trump nhắc lại. Chính quyền Mỹ trong thời gian qua liên tiếp gây sức ép để các nước châu Âu sớm đạt mục tiêu chi tiêu quân sự ở mức 2% GDP. Tuy nhiên, dù đa số các nước châu Âu đều nhất trí sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng nhưng chủ đề này sẽ vẫn có thể tạo ra mâu thuẫn lớn, khi các nước Baltic hay Đông Âu thì rất nhiệt tình trong khi thành viên giàu có nhất châu Âu là Đức thì phải đến 2031 mới hoàn thành mục tiêu.
Sự đồng thuận và đoàn kết nội khối
Nếu cải tổ chính là điểm mấu chốt đặt ra tại thượng đỉnh NATO lần này, thì một yếu tố khác cũng cần được tính đến. Đó là sự đồng thuận và đoàn kết nội khối của NATO. Đây sẽ là một điểm nóng khác trong nội bộ NATO.
Cuối tuần qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã sang Paris gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm xoa dịu các bất đồng trước khi Thượng đỉnh NATO diễn ra. Tuy nhiên, nỗ lực này không thành công. Tổng thống Pháp Macron vẫn tuyên bố ông chịu trách nhiệm về các phát biểu rằng NATO bị tê liệt hay thiếu tầm nhìn và cho rằng nếu NATO không thức tỉnh và xác định rõ các mục tiêu chính trị chiến lược trong tương lai thì không nên bàn đến việc chia sẻ gánh nặng tài chính hay trách nhiệm. Thái độ của phía Pháp với Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất gay gắt và ông Macron sẽ chỉ đến London dự thượng đỉnh NATO trong đúng 1 ngày rồi về nước. Trong thời điểm này, ông Macron đang lo lắng nhiều hơn đến cuộc tổng bãi công trên toàn nước Pháp vào ngày 5/12 hơn là việc hàn gắn mâu thuẫn trong NATO.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng không hề xuống thang, dù bị chỉ trích gay gắt về chiến dịch quân sự tấn công lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria hay việc mua và thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 của Nga. Cách đây vài ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã chỉ trích trực diện Tổng thống Pháp Macron chỉ là một “lính mới” trong lĩnh vực an ninh và chống khủng bố, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi việc để đảm bảo an ninh của nước này, bất chấp các nước NATO khác có ý kiến gì. Vì thế, tại London, khó có khả năng các nước NATO hoà giải thực sự. Nếu có thì cũng chỉ là bằng mặt, không bằng lòng.
Cuối cùng, quan trọng nhất, đó là việc NATO có xây dựng được một không khí đoàn kết, đồng thuận hay không phụ thuộc rất nhiều vào phía Mỹ và cá nhân Tổng thống Mỹ, Donald Trump, những người là lãnh đạo cao nhất của NATO. Tuy nhiên, ông Donald Trump, trên thực tế, chính là nhân tố gây bất đồng và chia rẽ sâu sắc nhất trong NATO nhiều năm qua, với các chỉ trích NATO lạc hậu, rồi công kích gay gắt nước Đức hay việc bỏ mặc lợi ích của các nước đồng minh châu Âu tại Iran hay tại Syria.
Trong hội nghị Thượng đỉnh NATO cách đây 2 năm, ông Trump thậm chí còn suýt khiến hội nghị đổ vỡ vì các phát ngôn khiến các nước châu Âu choáng váng. Và cũng giống như ông Macron, ông Donald Trump cũng đang phải đối mặt với khó khăn trong nước khi quá trình luận tội ông đang ngày càng phức tạp hơn. Ngoài ra, London cũng là nơi mà công chúng Anh đặc biệt ác cảm với ông Donald Trump. Vì thế, tâm trạng của ông Trump có lẽ mới là mối lo chính cho thượng đỉnh NATO lần này.
Và cuối cùng, với những đổ vỡ trong quan hệ giữa châu Âu và Mỹ vài năm qua, trong đó có cả quan hệ cá nhân giữa ông Donald Trump vơi các lãnh đạo châu Âu, như bà Angela Merkel, thì các nước châu Âu có thể không mặn mà gì trong việc hàn gắn quan hệ trong NATO vào thời điểm này, mà sẽ đợi cho đến hết kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào cuối năm tới, với hy vọng sẽ có thay đổi trong chính quyền Mỹ./.
Quang Dũng/VOV-Paris