Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện nay ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng của đợt xâm nhập mặn do triều cường kéo dài từ 28/2-5/3. Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 1,44m và sông Hậu tại Châu Đốc là 1,64m, biến đổi chậm và ở mực nước cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,2-0,3m.
Mực nước sông Tiền, sông Hậu đang cao hơn trung bình nhiều năm và còn tiếp tục tăng dù đang trong mùa khô hạn. Ảnh XUÂN PHÚC
Dự báo, giai đoạn từ ngày 1-10/3, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,6m và tại Châu Đốc là 1,75m, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3-0,4m. Độ mặn cao nhất tại các điểm đo thấp hơn độ mặn cao nhất cùng kỳ năm 2021. Dự báo xâm nhập mặn của cả mùa năm nay không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3 và các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng cả tháng 3 và tháng 4. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
5 đập Trung Quốc xả hơn 900 triệu m3 nước
Liên quan đến số liệu nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, dự án MDM (Mekong Dam Monitoring) thuộc Trung tâm Stimpson và Eyes on Earth, cho biết năm nay thủy điện Trung Quốc xả nước trong mùa khô muộn hơn các năm. Từ 21-27/2/2022 là tuần mà các con đập thuỷ điện của Trung Quốc xả ra nhiều nước nhất kể từ đầu mùa khô năm nay. Có 5 trong tổng số các con đập ở Trung Quốc đã xả hơn 900 triệu m3 nước và một nửa trong số đó đến từ đập Tiểu Loan. Trong khi đó, 15 con đập chi lưu ở vùng hạ lưu vực xả dưới 600 triệu m3 nước. Tổng lượng nước trên từ các đập thuỷ điện sẽ làm mực nước trên sông Mê Kông gia tăng nhanh chóng. Hiện tại, mực nước tại Chiang Saen (Thái Lan) cao hơn mực nước bình thường vào thời gian này. Năm 2019 và 2021, việc xả nước của các đập thượng nguồn khiến mực nước ở đây cao hơn 2m vào cùng thời điểm này trong năm. Trạm đo Stung Treng (Campuchia )cũng cho thấy mực nước hơi cao hơn so với bình thường do lượng nước xả từ các con đập đổ về.
So sánh mực nước hiện tại và trung bình của giai đoạn từ năm 1960-2007. DỰ ÁN MDM
“Các con đập của Trung Quốc dự kiến sẽ xả nhiều nước trong tháng tới và sẽ làm gia tăng mực nước sông hơn 2m” nhóm chuyên gia MDM dự báo.
Trầm trọng hơn các vấn đề hiện tại của đồng bằng
ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia về sinh thái ĐBSCL, phân tích: Thuỷ điện Mê Kông (gồm thủy điện Trung Quốc và các đập chi lưu) xả nước phát điện trong mùa khô thì có thể làm giảm hạn-mặn vùng ven biển ĐBSCL trong mùa khô. Có thể có nhiều người cho rằng như vậy có thủy điện thì tốt nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Việc tích/xả nước của các đập làm đảo lộn nhiều thứ. Trong điều kiện tự nhiên trước đây, dòng sông Mê Kông chảy 80% lượng nước trong mùa nước và 20% lượng nước trong mùa khô. Chính vì vậy mới có dòng chảy lũ mạnh trong mùa nước, nhất là trong tháng 7,8,9 và tải phù sa, cát về bồi đắp tạo nên cái đồng bằng. Nay thủy điện trữ bớt nước để giành mùa khô phát điện làm cho thay đổi tỉ lệ, ví dụ còn 60% trong mùa nước và tăng lên 40% trong mùa khô nên dòng chảy không đủ mạnh để tải phù sa, bùn cát về nữa. Dẫn đến sạt lở ở đồng bằng sẽ ngày càng trầm trọng. Việc tích nước của các đập ở phía trên làm cho nước không còn đủ mạnh để chảy ngược vào Biển Hồ, dần dần, Biển Hồ sẽ chết hẳn. Chức năng điều tiết thủy văn tự nhiên của Biển Hồ sẽ hoàn toàn mất và nguồn cá sông tự nhiên của Campuchia và ĐBSCL sẽ bị mất. Sự đảo lộn nhịp thủy văn làm cho rối loạn “tín hiệu dòng sông”, tôm cá không còn biết mùa nào là mùa nào để bơi về thượng nguồn sinh sản. Cây cỏ cũng bị rối loạn, không biết mùa nào để đâm chồi, trổ bông. Hệ sinh thái sẽ rối loạn hết./.
Theo thanhnien.vn