1. Thượng tá Nguyễn Hoa Hùng - Chính trị viên Đồn BP Bình Hòa Tây cho biết, chốt BP bên cột mốc được thành lập do sự phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và lực lượng dân quân của xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Chốt nép mình bên đường tuần tra giữa những cánh đồng biên giới mênh mông. Ở đó, Trung úy Đặng Tiểu Bình - Chốt trưởng tiếp chúng tôi bên bàn trà lộng gió. Trưa biên giới nắng cháy da, may có gió, gió lồng lộng thổi vào chốt làm dịu cảm giác oi nóng.
Chốt biên phòng của đồn biên phòng Bình Hòa Tây nép mình bên đường tuần tra biên giớiTừ những chuyện ồn ào năm 2015 quanh cột mốc đến nay, chốt BP này được thành lập làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát lúc cao điểm và trực bảo vệ 24/24. Giữa cái nắng, cái gió của miền biên giới, những người lính BP bất chấp thời tiết, bất chấp khó khăn, “bám” đường biên, cột mốc vì nhiệm vụ và vì tình yêu với quê hương, đất nước. Nhấp ngụm nước trà, Trung úy Bình cho chúng tôi biết, anh làm nhiệm vụ tại chốt gần 2 năm nay cùng các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tại đây. Ở đó, những người lính phải gìn giữ từng giọt nước vì nước uống, nước nấu ăn phải chở đến bằng can. Thậm chí, lúc mới lập chốt, chưa có điện, ban đêm, CBCS ở chốt “sống thầm” trong bóng tối. Rồi dịp Tết Nguyên đán vừa qua, những người lính ấy có một cái tết bên cột mốc với nắng, gió đường biên.
Khó khăn mặc khó khăn, những người lính BP bên cột mốc vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Các CBCS luôn trong tư thế sẵn sàng, làm tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát khu vực đường biên vào những dịp cao điểm cũng như trực bảo vệ 24/24 tại chốt.
2. Có mặt suốt 24/24 tại chốt BP nên CBCS nơi đây cũng trở nên thân thuộc với người dân vùng biên giới. Có tiệc tùng, trà nước gì, người dân cũng dành phần cho CBCS tại chốt BP. Thỉnh thoảng, những người dân làm ruộng quanh đường biên, cột mốc cũng ghé chốt “uống ly trà cho mát”, nói với nhau những câu chuyện không đầu, không đuôi. Đó vừa là niềm vui, vừa là tình cảm của người dân vùng biên giới dành cho những chiến sĩ đang âm thầm hy sinh những riêng tư để làm tròn nhiệm vụ gìn giữ bình yên biên giới.
Tuần trà chưa cạn, chốt BP tiếp thêm một vị khách vô cùng đặc biệt - Trưởng ấp Mười Phương (Huỳnh Văn Phương - Trưởng ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây). Ông Mười Phương làm Trưởng ấp Bình Bắc cũng 20 năm. Chẳng có một ngõ ngách nào mà ông không am hiểu ở ấp biên giới này. Ông đi tìm ông Năm Nhạc (Huỳnh Khánh Nhạc, cùng ở ấp Bình Bắc) gửi thư mời dự Ngày hội BP toàn dân tại xã vì biết ông Năm Nhạc vẫn thường ghé chốt BP mỗi lúc đi làm đồng.
Khi chúng tôi hỏi về câu chuyện quanh cột mốc những năm trước, ông Mười Phương nhấp một ngụm trà rồi chậm rãi kể lại từng chi tiết. Ông nhớ rõ những hôm đó là ngày mấy, tháng mấy và có sự kiện gì xảy ra, tại những địa điểm nào.
Vừa kể, ông vừa chỉ cho chúng tôi rõ từng địa điểm. “Làm sao mà không nhớ được! Chuyện gì tôi có thể quên chứ làm sao quên chuyện đó được. Hôm đó, tôi đang đi khám bệnh, hay chuyện, tôi vội vã trở về. Tôi nghĩ, thời điểm đó là lúc mọi người phải đoàn kết, có mặt bên nhau”. Nhấp một ngụm trà, ông Mười Phương nhìn ra phía đường biên trước mặt, tiếp lời: “Dân mình nghe lời mấy anh BP nên kiềm chế bớt, không “làm tới”. Với lại, mấy người Campuchia đó ở đâu đến chứ không phải người ở đây. Dân ở đây, người ta qua lại làm ăn, láng giềng hòa hiếu chứ đâu có gì!”.
Rồi câu chuyện bên bàn trà lại xoay quanh ruộng đồng, gia đình và chuyện học hành, tương lai của "sắp nhỏ". Những lùm xùm quanh cột mốc năm xưa dù không quên nhưng mọi người cũng không nhắc đến. Bên đường biên, dưới chân cột mốc, mọi người nói tiếp câu chuyện tương lai êm ấm, bình yên!
Phương Phương