Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Cần Ðước. Ảnh: Kim Khánh
Chỉ số PCI được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên và công bố thường niên; bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động tốt; thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.
Trong hai năm qua, Chỉ số PCI của Long An đã tăng trưởng vượt bậc, từ vị trí thứ 15 với 60,65 điểm (năm 2016) vươn lên vị trí thứ 4 với 66,70 điểm (năm 2017) và vị trí thứ 3 với 68,09 điểm (năm 2018) trên bảng xếp hạng của cả nước.
Kết quả này khẳng định niềm tin, sự hài lòng và ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những nỗ lực không ngừng của chính quyền tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, nếu tỉnh không tiếp tục thực hiện các giải pháp để duy trì, phát huy các chỉ số được xếp hạng cao và nghiêm túc khắc phục các chỉ số bị xếp hạng thấp thì kết quả nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cũng khó bền vững.
Chính vì vậy, để giữ vững và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh, trong năm 2019, UBND tỉnh quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành các cấp, các ngành nâng cao Chỉ số PCI, nỗ lực hơn nữa để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thân thiện, thông thoáng, thuận lợi, nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Để tiếp nối việc giữ vững và nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2020 và các năm tiếp theo, tỉnh sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đẩy mạnh cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI năm 2020 ngay sau khi Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả PCI năm 2019 của cả nước (dự kiến vào cuối tháng 3/2020). Kế hoạch này sẽ kế thừa những ưu điểm của kế hoạch các năm trước, đồng thời bám sát từng chỉ tiêu của 10 chỉ số thành phần, giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương triển khai, theo dõi, chịu trách nhiệm; phấn đấu nâng điểm số của từng chỉ số thành phần, hướng đến nâng điểm số chung và nâng xếp hạng PCI của tỉnh.
Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao của doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Mận
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Hai là, tiếp tục củng cố, hoàn thiện và xây dựng chính quyền điện tử, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác cải cách hành chính.
Ba là, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của mô hình hành chính công. Gia tăng tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua các phương thức mới như thực hiện hồ sơ trực tuyến, bưu điện.
Bốn là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và đạo đức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ theo tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp; tránh tình trạng nhũng nhiễu, cục bộ, gây tốn kém và tạo ra những chi phí không chính thức cho người dân, doanh nghiệp.
Mục tiêu của chính quyền điện tử là tăng hiệu quả làm việc, tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền. Ảnh: TL
Năm là, phấn đấu nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, hướng dẫn rõ ràng, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, khắc phục tình trạng trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính để doanh nghiệp nhanh chóng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động.
Sáu là, rà soát đăng tải, cập nhật rõ ràng, minh bạch những quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển KT-XH, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, đấu thầu… cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.
Bảy là, duy trì tổ chức đối thoại giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp, liên hệ chặt chẽ với hội, hiệp hội doanh nghiệp các nước và vùng lãnh thổ để kịp thời nắm bắt thông tin và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Tám là, thành lập Đoàn kiểm tra công tác cải thiện Chỉ số PCI tại các sở ngành và địa phương, qua đó kịp thời chấn chỉnh, giải quyết những tồn tại, vướng mắc, tạo điều kiện để cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đến với tỉnh, hy vọng rằng, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Chỉ số PCI của tỉnh tiếp tục có những bước cải thiện vững chắc và giữ vững Top đầu trong các tỉnh, thành phố trên cả nước./.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần