Tiếng Việt | English

03/12/2021 - 09:19

Tình hình dịch COVID-19 sáng 3/12: Thế giới có hơn 264,4 triệu ca mắc

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận 671.856 ca mắc mới, đáng chú ý Mỹ chiếm nhiều nhất với 121.498 ca, tiếp đó là Đức và Anh Pháp lần lượt là 73.486 và 53.945 ca.


Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm phòng dịch COVID-19 tại East London, Nam Phi. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 15 ngày 3/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 264.400.171 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.249.007 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 238.439.611 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 806.329 ca tử vong trong tổng số  49.695.849 ca mắc, tiếp đó là Ấn Độ với 469.724 ca tử vong trong số 34.609.741ca mắc, Brazil với 615.225 ca tử vong trong số 22.118.782 ca mắc.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận 671.856 ca mắc mới, đáng chú ý Mỹ chiếm nhiều nhất với 121.498 ca, tiếp đó là Đức và Anh Pháp lần lượt là 73.486 và  53.945 ca.

Omicron - biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2- đang là tâm điểm của dịch bệnh trên thế giới bởi biến thể được cho là có khả năng lây nhiễm cao này đã xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Các quan chức y tế Mỹ ngày 2/12 cho biết 3 bang gồm California, Colorado và Minnesota đã  ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 đầu tiên do biến thể Omicron. Các trường hợp trên đều đã được tiêm phòng đầy đủ và chỉ có các triệu chứng nhẹ.

Thống đốc bang New York (Mỹ) Kathy Hochul cho biết bang này cũng vừa ghi nhận 5 ca nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này ở Mỹ lên con số 8.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, các quan chức y tế thành phố New York đã kích hoạt đội ngũ truy dấu vết những người tham dự hội nghị nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Thị trường thành phố New York nhận định biến thể Omicron đã lan truyền trong cộng đồng.

Tiến sỹ Leana Wen, Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học George Washington và là cựu ủy viên y tế bang ở thành phố Baltimore (bang Maryland), cho biết vấn đề chỉ là thời gian  trước khi có thêm nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 do biến thể  Omicron được phát hiện ở Mỹ.

Cùng ngày, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron nguy hiểm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các quy định mới về xét nghiệm mới đối với du khách quốc tế, đồng thời cam kết trong những tuần tới người dân Mỹ sẽ có quyền xét nghiệm COVID-19 tại nhà miễn phí và nhanh chóng.

Với quy định mới, du khách quốc tế tới Mỹ phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ trước khi lên chuyến bay tới Mỹ, thay vì 3 ngày như chính sách hiện nay.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Apple Valley, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mối quan ngại về biến thể Omicron cũng buộc nhiều nước phải siết chặt các biện pháp kiểm dịch.

Ngày 2/12, Bộ Y tế Malaysia (MOH) thông báo du khách từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ được coi là có nguy cơ cao từ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, sẽ không được phép vào đảo Langkawi theo sáng kiến bong bóng du lịch.

Cụ thể, ngoài du khách, bất kỳ cá nhân nào có lịch sử đi lại tới các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên trong 14 ngày gần đây cũng bị từ chối nhập cảnh vào hòn đảo du lịch này.

Danh sách này bao gồm Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Australia, Canada, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Italy, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Nigeria, Bungari, Nhật, Brazil, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Pháp, Áo, quần đảo Reunion (Pháp), Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Ghana, Ireland, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ.

Tại Đức, chính quyền các cấp ở Đức ngày 2/12 đã thông qua nhiều biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện đang ở mức nghiêm trọng hiện nay. Một số quy định được thông qua, bao gồm áp đặt hạn chế tiếp xúc đối với những người chưa tiêm chủng.

Cụ thể, hộ gia đình có người chưa tiêm chủng chỉ được phép gặp thêm tối đa 2 người của một hộ gia đình khác, không tính trẻ dưới 14 tuổi. Việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên làm việc ở các cơ sở nhạy cảm, như nhà dưỡng lão và bệnh viện, sẽ được sớm thực hiện.

Chính phủ Đức kỳ vọng từ nay tới trước Giáng sinh có thể tiêm cho khoảng 30 triệu người, trong đó bao gồm cả mũi một, mũi hai và mũi tăng cường.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các quốc gia châu Phi đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron thông qua việc phát hiện và kiểm soát nhiều hơn do số ca lây nhiễm COVID-19 hàng tuần đang tăng tới 54%, chủ yếu ở miền Nam châu Phi.

Theo WHO, biến thể Omicron cho đến nay chỉ được phát hiện ở 4 quốc gia châu Phi bao gồm Nam Phi (172 trường hợp), Botswana (19 trường hợp), cùng với một số trường hợp mới phát hiện ở Ghana và Nigeria.

Chỉ riêng hai nước đầu tiên đã chiếm 62% tổng số ca nhiễm biến chủng Omicron trên toàn cầu. Sự gia tăng số ca nhiễm gần đây ở phía Nam châu Phi, chủ yếu từ Nam Phi với mức tăng 311%.

WHO cho biết đã cử một nhóm chuyên gia tới Gauteng, tỉnh có số ca nhiễm nhiều nhất Nam Phi, để giúp nước này tăng cường các biện pháp phòng ngừa và điều trị COVID-19.

Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng tại khu vực châu Phi vẫn ở mức thấp, với chỉ 7,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ và hơn 80% vẫn đang chờ tiêm mũi đầu tiên.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron sẽ là lời cảnh tỉnh rằng mối đe dọa COVID-19 là sự thật. Cùng với các đối tác của mình, WHO đang hỗ trợ các quốc gia trong việc phân phối và sử dụng vaccine./.

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết