Tiếng Việt | English

20/03/2017 - 14:24

Triển vọng mới nào cho hợp tác an ninh Nhật-Nga?

Ngày 20/3, Cuộc gặp 2+2 (Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng) giữa Nhật Bản và Nga đã được diễn ra đồng thời tại Tokyo.

Nội dung chính mà hai bên đề cập là hoạt động kinh tế chung giữa hai nước tại quần đảo đang tranh chấp (Nga gọi là Kuril và Nhật Bản gọi là quần đảo phương Bắc), chuyến thăm Nga của Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến vào cuối tháng 4 tới.

Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida (trái) và người đồng cấp Nga Lavrov. Ảnh: Reuters
Mở đầu cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Nga Lavrov, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các hoạt động hướng tới sớm ký kết Hiệp định hòa bình giữa hai bên, nỗ lực chung của hai bên trong vấn đề này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Inada trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã trao đổi ý kiến về an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc vẫn gia tăng hoạt động tại Biển Đông và mở rộng phát triển hạt nhân của Triều Tiên.

Bảo đảm an ninh cho lợi ích hai nước

Sau 3 năm 4 tháng cuộc gặp 2+2 giữa hai nước lại được tiến hành, nhằm xây dựng lòng tin giữa hai nước trong vấn đề an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là thúc đẩy tiến triển hợp tác hai nước trong vấn đề lãnh thổ Phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản và quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, thảo luận về tình hình an ninh khu vực Đông Á đang phức tạp, trong đó làm sao có thể đưa ra biện pháp kiềm chế Triều Tiên trong vấn đề phát triển hạt nhân và Trung Quốc trong vấn đề mở rộng hoạt động tại Biển Đông.

Trong quan hệ Nga – Nhật không thể không nhắc tới 2 nhân tố khác là Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc tưởng như không liên quan trực tiếp đến Nga- Nhật lại được bàn thảo trong cuộc gặp 2+2 lần này.

Kế hoạch quân sự của Mỹ-Hàn thời gian qua đã khiến Trung Quốc và Nga đứng ngồi không yên. Hệ thống phòng thủ tên lửa này được đánh giá là sẽ tăng cường sức mạnh cho Mỹ tại châu Á- Thái Bình Dương, cho nên Nga và Trung Quốc lo nó phá vỡ thế cân bằng chiến lược và đe dọa an ninh Nga và Trung Quốc.

Chính vì thế, Nhật Bản- đồng minh của Mỹ cũng đã không ít lần tỏ ý sẽ tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ - Hàn. Do đó, Ngoại trưởng Nhật Bản mới tuyên bố sẽ củng cố niềm tin đối với Nga và sau đó là cả với Trung Quốc rằng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối là nhằm đối phó với những nguy cơ an ninh xuất phát từ Triều Tiên. Thông điệp là như vậy, nhưng ai cũng hiểu rằng, việc tạo dựng niềm tin giữa những cường quốc này là không đơn giản.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp này, trước đó 2 ngày vào ngày 18/4, tại Tokyo đã diễn ra cuộc gặp giữa thứ trưởng Ngoại giao hai nước chủ yếu thảo luận về những bước tiếp theo liên quan tới hoạt động khai thác kinh tế chung tại quần đảo mà đã được nhất trí trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga vào tháng 12 năm ngoái.

Tại cuộc gặp này vấn đề hợp tác trong lĩnh vực ngư nghiệp, du lịch và y tế tại khu vực quần đảo tranh chấp được đề cập. Riêng phía Nga cũng đang xem xét việc xúc tiến việc xây dựng đường xá, cơ sở y tế tại khu vực này.

Nhật Bản cố gắng sẽ thống nhất vấn đề hướng tới tương lai dựa trên nguyên tắc không làm tổn hại lập trường của nhau với mục tiêu chung là ký kết Hiệp định hòa bình.Và Nga cũng đưa ra lập trường sẽ sẵn sàng hợp tác nếu vấn đề hợp tác không mâu thuẫn với luật pháp của Nga.

Như vậy, cuộc gặp 2+2 chủ yếu giải quyết mâu thuẫn giữa Nhật và Nga trong vấn đề lãnh thổ mà cụ thể là quần đảo Kuril.

Ảnh hưởng như thế nào tới khu vực?

Thực ra theo dòng chảy lịch sử của quan hệ hai nước, không có những bất đồng lớn khiến quá tổn thương tới nhau. Có lẽ vấn đề tồn tại lâu dài là vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Kuril.

Như đã phân tích, việc này bước đầu đã có những tín hiệu tốt khi hai nước đã có lập trường sẽ cùng tiến hành hoạt động kinh tế chung tại khu vực này. Cụ thể như thế nào có lẽ sau cuộc gặp 2+2 sẽ rõ ràng hơn. Và nếu như vấn đề trên có triển vọng như vậy, chắc chắn hợp tác giữa hai bên sẽ tốt đẹp lên rất nhiều, thậm chí sẽ rất nhanh.

Điều này có tác động đến khu vực rất lớn khi Triều Tiên đang là mối lo của Nhật Bản, đồng thời cũng là mối quan tâm của Nga. Riêng vấn đề Biển Đông, có lẽ Nga sẽ dè dặt và chưa đưa ra những quyết định ngay. Tuy nhiên, rõ ràng sự hợp tác Nhật-Nga trong vấn đề Triều Tiên sẽ như Nhật Bản mong muốn, khiến Nhật Bản sẽ tự tin hơn trong những quyết định của mình.

Điều này sẽ buộc Nga phải linh hoạt trong chính sách ngoại giao đối với Nhật Bản. Và đây sẽ là tin vui cho cộng đồng thế giới, bởi cặp quan hệ này có tầm ảnh hưởng lớn cả mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao đối với nhiều đối tác quan trọng./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo 

Chia sẻ bài viết