Đồng thời, Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Tham gia phát biểu về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, cho rằng trong những tháng đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Việc Hoa Kỳ bất ngờ áp thuế đối ứng trên diện rộng, trong đó có Việt Nam, đã tác động không nhỏ đến thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu. Những thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gay gắt. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Đại biểu Lê Thị Song An - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, phát biểu về phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025
Tinh thần điều hành của Chính phủ thể hiện rõ sự chủ động, linh hoạt và quyết tâm, lấy “kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tinh gọn, hiệu quả; tăng tốc, bứt phá” làm phương châm hành động. Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành.
Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng được triển khai đồng bộ: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Công tác xây dựng và thi hành pháp luật tiếp tục được đổi mới, phát triển kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện.
Các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia được đôn đốc quyết liệt với tinh thần làm việc cao độ, rút ngắn tiến độ, nâng cao chất lượng, không để phát sinh đội vốn. Đặc biệt, trước thách thức từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, Việt Nam đã phản ứng kịp thời, kiên định lập trường, chủ động đề xuất đàm phán. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên được Hoa Kỳ chấp thuận đối thoại, thể hiện vai trò và uy tín ngày càng cao của nước ta trên trường quốc tế.
Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2025, đại biểu Song An đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về hạ tầng giao thông.
Cụ thể từ thực tiễn địa phương, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 tại Long An. Đại biểu Song An cho rằng, tuyến đường huyết mạch này có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Đồng Tháp Mười, là cửa ngõ giao thương biên giới. Dù đã được phê duyệt và tạo niềm phấn khởi lớn trong cử tri, nhưng tiến độ vẫn rất chậm, kéo dài nhiều năm, dự kiến khởi công tới năm 2026. Tình trạng này khiến nhiều đoạn tuyến xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng an toàn giao thông và cản trở sự phát triển.
Theo đại biểu Song An, nguyên nhân chủ yếu là thủ tục phức tạp trong tiếp cận và giải ngân vốn ODA. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo điều kiện khởi công ngay cuối năm 2025, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Trong trường hợp các thủ tục vay vốn từ Ngân hàng Thế giới tiếp tục gặp khó khăn, đề nghị Chính phủ xem xét phương án chuyển sang sử dụng vốn đầu tư công trung hạn trong nước để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, có thể xem xét ưu tiên bố trí vốn giải phóng mặt bằng sớm để khi dự án được phê duyệt, có thể triển khai thi công ngay, tránh tình trạng “chờ vốn - chờ thủ tục - chờ mặt bằng” như nhiều dự án khác từng gặp phải.
Đại biểu cho rằng việc sớm triển khai dự án này không chỉ giải quyết nhu cầu thiết thực của hàng triệu người dân mà còn thể hiện rõ cam kết của Chính phủ trong đầu tư phát triển vùng khó khăn, vùng biên giới, phù hợp với định hướng phát triển bền vững và bao trùm của Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An tham gia đóng góp ý kiến về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tại phiên thảo luận
Bên cạnh đó, đại biểu Song An kiến nghị cần hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng trong quá trình thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sáp nhập các tỉnh, thành. Đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập Long An và Tây Ninh, coi đây là quyết định chiến lược, tạo ra vùng kinh tế cửa ngõ phía Tây vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để phát huy tối đa tiềm năng này, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối là then chốt. Đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm bổ sung tuyến kết nối Đức Huệ - Đức Hòa (Long An) đến Gò Dầu - Trảng Bàng (Tây Ninh) vào quy hoạch quốc gia; ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 hoặc hình thức hợp tác công - tư (PPP), cùng cơ chế đặc thù về phân quyền cho địa phương để đẩy nhanh dự án, tạo hành lang logistics liên thông và giảm tải giao thông cho TP. HCM.
Tham gia phát biểu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An nêu: Nghị quyết số 13-NQ/TW, của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu và xác định các đột phá mang tính chiến lược như: Phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy "con người" làm trung tâm; chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.
Để thực hiện đạt được mục tiêu đề ra như kỳ vọng, đại biểu Trần Quốc Quân đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành những chính sách đặc thù để thúc đẩy cho sự phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long như cho phép các địa phương chủ động huy động nguồn lực ODA, PPP phục vụ các dự án cấp vùng, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tương thích với “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″; thành lập Trung tâm chuyển đổi số Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng sàn thương mại điện tử nông sản đặc trưng của vùng, từ kết nối sàn thương mại điện tử quốc gia; nâng cấp, xây dựng hạ tầng công nghệ số hiện đại và kết nối thông tin đồng bộ với chi phí cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;…
Đại biểu cho rằng khi có những chính sách đặc thù trên sẽ tạo ra hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; cung cấp kịp thời thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ quá trình sản xuất. Đồng thời, ứng dụng nhanh những giải pháp công nghệ tiên tiến, đột phá dựa trên nền tảng công nghệ số góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh của các loại nông sản, nhất là nông sản chủ lực của vùng, giúp người nông dân yên tâm sản xuất và làm giàu trên mảnh đất của mình./.
Kiến Quốc