Tiếng Việt | English

15/08/2015 - 05:25

Trình chiếu bộ phim "Hòa cùng làn gió Việt"

Ngày 18/8/2015, bộ phim hợp tác Việt Nam- Nhật Bản "Hòa cùng làn gió Việt" sẽ chính thức công chiếu tại Rạp chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Cũng trong khuôn khổ chương trình, đạo diễn và các diễn viên Việt Nam, Nhật Bản của bộ phim sẽ giao lưu, trao đổi với khán giả về bộ phim, quá trình hợp tác làm phim.

 

Diễn viên Keiko Matsuzaka vai Misao (con gái) và diễn viên Reiko Kusamura trong vai Shizue (bà mẹ)


"Hòa cùng làn gió Việt" là bộ phim truyện nhựa đầu tiên, do truyền hình Nhật Bản và Việt Nam hợp tác sản xuất, dựa trên tiểu thuyết “Bà nội từ Echigo, Nhật tới sống ở Việt Nam” của Miyuki Komatsu, một nhà văn đồng thời là giáo viên người Nhật Bản, hiện đang sống ở Hà Nội.

Bộ phim có tên ban đầu là "Cuộc sống mới ở Việt Nam", được khởi quay từ ngày 30/11/2014.


Một cảnh trong phim

Bộ phim là câu chuyện của Misao, người phụ nữ Nhật Bản 62 tuổi, đang sống và dạy tiếng Nhật ở Hà Nội. Một ngày, bà nhận được một cuộc điện thoại từ Nhật cho biết cha của bà đã qua đời. Bà đã quay về Nhật để chịu tang cha. Tại đó, bà gặp mẹ mình sau nhiều năm xa cách, bà cụ đã 82 tuổi, bị bệnh Alzheimer nên không còn nhận ra được con gái và không biết gì về cái chết của chồng.,,


Người con trai riêng của bà cụ nói với bà Misao rằng ông ta định đưa mẹ vào nhà dưỡng lão. Và Misao đã quyết định đưa cụ bà sang Việt Nam với mình. Bà cụ chưa xuất ngoại bao giờ, lại đã ngoài 80 tuổi và còn bị chứng tâm thần phân liệt; vì vậy gia đình đã kịch liệt phản đối quyết định này của bà Misao, nhưng bà vẫn không thay đổi. Bà Misao mong được sống với mẹ vì bà cụ đã phải trải qua những năm tháng hết sức vất vả ở vùng đất quanh năm tuyết trắng để chăm lo cho cả một gia đình lớn, làm việc cật lực ở trong rừng. Một cuộc đời mới đang đón đợi Misao và mẹ.

 


Ở Việt Nam, bệnh Alzheimer của cụ Shizue bắt đầu thuyên giảm, vì ở đây cụ được sống với những con người tốt bụng, đối xử với cụ như người trong nhà.


Đoàn làm phim

Đến một ngày, Koizumi, một người bạn học thời trung học của Misao xuất hiện. Gặp nhau ở tượng đài Lênin, Misao và Koizumi hồi tưởng lại thời thanh niên tươi trẻ. Họ lại gặp nhau, rưng rưng nghĩ về nhau, tha thiết nhớ nhung và muốn trao nhau những tình cảm trong sáng. Nhưng định mệnh an bài, cụ bà Shizue bị tai nạn, còn Koizumi phải quay lại Nhật Bản để thực hiện một dự án. Sau ca phẫu thuật, cụ Shizue được xuất viện nhưng phải nằm liệt trên giường hoặc gắn chặt với chiếc xe lăn. Cụ không cho đóng bỉm và kiên quyết tuyệt thực. Cụ cứ kêu con gái dậy 15 phút một lần để đi vệ sinh. Điều này trở nên rất áp lực cho Misao, vì bà phải lên lớp ban ngày và chăm mẹ vào ban đêm...


Bộ phim do đạo diễn Kazuki Ohmori (Nhật Bản) và đạo diễn Tất Bình (Việt Nam) cùng phối hợp thực hiện. Kazuki Ohmori sinh năm 1952, tốt nghiệp trường ĐH Y Kyoto. Ông đã tự mình sản xuất các bộ phim độc lập trong thời gian là sinh viên và nhận được giải thưởng mang tên "Kinema Junpo Award". Ông cũng viết một kịch bản phim và nhận được giải "Kido Prize Award "cho kịch bản này. Cũng chính kịch bản này đã giúp ông đạo diễn thành công bộ phim đầu tay theo trường phái đương đại "Orange Road Express" vào năm 1978, được hãng Shochiku phát hành. Kazuki Ohmori đã đạo diễn rất nhiều phim, nhận được nhiều giải thưởng danh giá ở Nhật Bản và đồng thời là giảng viên tại trường Đại học Nghệ thuật Osaka.

 

Còn đạo diễn Đặng Tất Bình là đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất và là họa sỹ. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, ông sang Pháp học về ngành điện ảnh trong 6 tháng. Ông xuất hiện trong nhiều bộ phim truyện và truyền hình và nhận được nhiều giải thưởng; đồng thời đã đạo diễn 10 bộ phim truyện và 300 phim truyền hình. Một số tác phẩm của ông như “Hy vọng cuối cùng”, “Sống trong sợ hãi”, “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi”, đã nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu của Việt Nam. Ông cũng tham gia nhiều bộ phim hợp tác với vai trò nhà sản xuất như "Đông Dương" với sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Catherine Deneuve. Bộ phim đã đoạt giải thưởng hàn lâm Mỹ cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1992. Ông hiện là Tổng Giám đốc Hãng phim truyện 1 thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 


Bộ phim đặc biệt có sự góp mặt của diễn viên Keiko Matsuzaka trong vai Misao. Keiko Matsuzaka là gương mặt quen thuộc với khán giả phim truyền hình Việt Nam. Bà ra mắt trong phim đầu tiên vào năm 1970 và xuất hiện trong nhiều phim truyện và truyền hình, tạo lập sự nghiệp diễn viên rực rỡ trong ngành điện ảnh Nhật Bản. Năm 1992, bà thủ vai chính Kohei Oguri trong phim "Nọc độc chết người", bộ phim đã giành giải thưởng cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim Cannes và giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Nhật Bản năm 1981, 1982 và 1990./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết