Tiếng Việt | English

24/01/2017 - 11:08

Trò chơi dân gian trường tồn qua năm tháng

Trò chơi trong lễ hội như một bảo tàng sống về văn hóa đặc thù của dân tộc được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ.

Cách đây hơn năm, trò chơi dân gian truyền thống kéo co của Việt Nam và một số nước châu Á, được UNESCO vinh danh là "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".

Theo đó, trò chơi kéo co của người Việt gắn với các lễ hội truyền thống của nhiều cộng đồng làng xã hiện nay cho thấy nhiều tầng ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn. Ở một vài địa phương, kéo co không đơn giản chỉ là trò chơi mà còn là trò diễn dân gian. Trò diễn phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, nhân sinh quan và thế giới quan của cư dân trồng lúa nước về ước vọng cầu mùa.

Rất nhiều trò chơi của 54 dân tộc sống chung hài hòa trên đất Việt đều quý giá như thế: Tuổi thơ có nu na nu nống, thả đỉa ba ba, trồng nụ, bịt mắt bắt dê, ù, chắt chuyền, đánh khăng, trốn tìm, cướp cờ, nhảy dây... Nhiều trò kèm theo các câu đồng dao ngộ nghĩnh – đây cũng là một kho tàng văn hóa đầy hấp dẫn.

 

Hội vật cầu nước làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: Lê Bích
Lớn dần lên theo lứa tuổi lại có các trò chơi đòi hỏi sự khéo léo, sức va chạm, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, thẩm, mỹ. Đó là đẩy gậy, bắn nỏ, đấu vật, đua voi, đua bò, đua ghe, đánh mảng, cướp phết giàu tính thượng võ; chơi đu, tung còn, thả diều, hát đối giao duyên, trữ tình; Cờ gánh, cờ chém, cờ chân chó, cờ hùm… giàu trí tuệ.
Chơi là một hoạt động quan trọng của con người. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đứa trẻ ít chơi sẽ chậm phát triển cả về tư duy lẫn thể chất. Và, một nền văn minh ít trò chơi là một nền văn minh thấp.
Trò chơi trong lễ hội như một bảo tàng sống về văn hóa đặc thù của dân tộc được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ.

Trong thời đại toàn cầu hóa, các trò chơi dân gian càng bị đe dọa, thậm chí nhiều trò có nguy cơ tuyệt chủng. Sức công phá quá khủng khiếp từ những trò chơi trên mạng internet – dù những trò chơi mang tính “số hóa” này thường đẩy sâu con người vào sự cô độc trong thế giới ảo.

Mỗi năm Tết đến xuân về, người già cũng như trẻ nhỏ, đều náo nức trước tiếng trống, tiếng hô, tiếng cười vọng ra từ đình làng, từ các nơi diễn ra mùa lễ hội đầu xuân năm mới để tham gia chơi, hoặc xem trai gái chơi các trò chơi dân gian đã ăn sâu vào tâm thức người Việt từ ngàn năm.

Từ đó, chúng ta có thể tin rằng, các trò chơi dân gian trong lễ hội mùa xuân vẫn được gìn giữ, như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc./.

VOV.VN (Theo Lê Hoài Anh/Tiền phong)

Chia sẻ bài viết


Tường thuật xổ số miền bắc siêu nhanh
Liên kết hữu ích