Tiếng Việt | English

28/04/2025 - 12:21

Từ chiến trường đến mái ấm - Hành trình vun đắp hạnh phúc

Giữa cuộc sống đời thường yên bình hôm nay, chúng tôi tìm về những mái ấm của các cựu chiến binh, nơi tình yêu, lòng thủy chung và ký ức chiến tranh hòa quyện. Họ không chỉ là nhân chứng lịch sử mà còn là biểu tượng của nghĩa tình và lòng son sắt vợ chồng.

Từ “giao liên” đến “giao duyên” một đời

Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng ông Hà Văn Kỵ (SN 1960) và bà Đỗ Thị Ngọc Lý (SN 1962, cùng quê Đồng Tháp) tại thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vào một buổi sáng giữa tháng 4 lịch sử. Bà Lý đang sắp xếp vài bộ đồ giản dị để chuẩn bị lên TP.HCM tham dự buổi Họp mặt truyền thống Liên quận 7-8 khu Sài Gòn - Gia Định nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) theo lời mời của Quận ủy quận 8 (TP.HCM).

Vợ chồng ông Hà Văn Kỵ và bà Đỗ Thị Ngọc Lý (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng) luôn quan tâm, chăm sóc nhau

“Tôi bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 9 tuổi. Lúc đó còn nhỏ lắm, thấy mấy cô chú trong xóm bị lộ danh mà bên đơn vị Y4 - Biệt động Sài Gòn thì cần người, tôi xung phong luôn. Còn nhỏ dễ trà trộn, qua mắt địch hơn” - bà Lý nhớ lại.

Những năm tháng ấy, nhiệm vụ chính của bà là giao liên, đưa thư mật từ Sài Gòn (nay là TP.HCM) về miền Tây và ngược lại. Có ngày, bà đi xe đò 2 lần giữa Mỹ Tho và Sài Gòn, hòa vào dòng người như một học sinh. Những lá thư được ngụy trang khéo léo, có hôm nhét trong quả chà là, có hôm giấu trong gói hàng nhỏ. Bà không bao giờ biết nội dung trong thư là gì nhưng bà hiểu, mỗi bước chân của mình là góp một phần vào mạch máu liên lạc của kháng chiến.

Ngày 30/4/1975, trong dòng người tiến vào Sài Gòn tiếp quản thành phố, cô bé 13 tuổi với khẩu AK dài quá thân người vẫn hăm hở, quyết tâm. “Lúc đó nhỏ xíu mà mang súng, cái nòng súng kéo lê đất luôn. Giờ nghĩ lại thấy mắc cười nhưng hồi đó thì chỉ có một suy nghĩ là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - bà Lý kể lại.

Chồng bà Lý là ông Hà Văn Kỵ, cùng quê Hồng Ngự, Đồng Tháp, lên đường nhập ngũ năm 1980 và chiến đấu nơi chiến trường K (Campuchia) đến năm 1984. Ông Kỵ nhớ lại: “Ở bên K khó khăn nhiều lắm, toàn sống trong rừng, thiếu thốn đủ thứ. Có lúc bị quân Pol Pot phục kích, nằm bất động giữa đêm không dám thở mạnh. Cũng nhờ may mắn, đồng đội che chở nhau mà mới có ngày về”.

Hai gia đình gần nhau, biết nhau từ thuở nhỏ. Sau ngày đất nước giải phóng, được người thân mai mối, ông Kỵ và bà Lý nên duyên. Ông Kỵ kể: “Không yêu đương kiểu lãng mạn như tụi nhỏ bây giờ đâu, chúng tôi gặp nhau năm 1985 là cuối năm đó cưới luôn vì thấy hợp tính, chung chí hướng, sống với nhau tới giờ cũng gần 40 năm rồi”.

Năm 1994, đôi vợ chồng trẻ quyết định rời quê nhà, mang theo toàn bộ tài sản tích cóp được đến khởi nghiệp ở vùng đất mới huyện Tân Hưng. Ông làm ruộng, bà buôn bán. Bà Lý chia sẻ: “Trước kia, tôi bán cá ngoài chợ, nay lớn tuổi rồi, chuyển qua bán xôi cho nhẹ nhàng. Vợ chồng tôi có 2 người con, đều đã trưởng thành, có công việc ổn định”.

“Dù cuộc sống trải qua nhiều vất vả, chúng tôi vẫn cố giữ được nụ cười và sự gắn bó thủy chung như ngày đầu, chưa từng cự cãi gì. Vợ chồng cùng nhau chia sẻ, có điều gì chưa vừa lòng thì nói cho nhau biết, mỗi người tự sửa một ít, cự cãi lớn tiếng cũng không giải quyết được gì" - ông Kỵ nói. Bà Lý tiếp lời: “Ông ấy là người ít nói, có chuyện gì tôi nói ra là ổng lắng nghe, cùng bàn bạc. Tình cảm vợ chồng là phải biết nhường nhịn, chứ hơn thua nhau chi".

Mỗi sáng, ông Kỵ ra đồng, bà Lý chuẩn bị xôi mang ra chợ bán. Trưa về, cả hai cùng ăn cơm, kể nhau nghe dăm ba câu về chuyện cũ, chuyện con cháu. Tối đến, cả hai cùng xem thời sự. Cuộc sống bình dị, lặng lẽ nhưng trong căn nhà nhỏ ấy là cả một trời thương yêu.

Gian khó vơi đầy, nghĩa tình vẫn đậm

Được địa phương dẫn đến căn nhà nhỏ nép mình giữa vùng quê yên bình tại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, chúng tôi gặp vợ chồng ông Mai Bá Xuân (SN 1957) và bà Phạm Thị Thủy (SN 1956) đang cùng nhau nhâm nhi tách trà buổi sớm và ôn lại những ký ức một thời hoa lửa.

Vợ chồng ông Mai Bá Xuân và bà Phạm Thị Thủy (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) xem lại những tấm ảnh xưa

Ông Xuân sinh ra trong một gia đình mà truyền thống cách mạng như ngấm vào máu thịt từ nhỏ. Bà nội ông là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ba, bác Sáu, chú Mười đều là liệt sĩ. “Tôi lớn lên trong những câu chuyện kể về sự hy sinh của các chú, các bác. Cứ thế, tình yêu nước ngấm vào mình từng ngày, lớn lên, tôi cũng đi theo tiếng gọi của đất nước" - ông Xuân bộc bạch.

Năm 1974, khi mới 17 tuổi, ông Xuân tham gia cách mạng, công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh đóng ở Ba Thu - Mỏ Vẹt. Sau đó, ông được cử đi học tại Trường VTĐ của Khu 8 chuyên ngành thông tin. Dù chưa kịp bế giảng thì đất nước đã trọn niềm vui thống nhất, ông lại nhanh chóng nhận nhiệm vụ tại khu vực Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Sau ngày đất nước thống nhất, ông được phân công công tác ở nhiều đơn vị khác nhau trong tỉnh Long An. Từ Văn phòng Tỉnh ủy, Huyện ủy Bến Lức, Huyện ủy Tân Trụ, đến Bưu điện Tân Châu (sau, huyện Tân Châu tách ra lại thành huyện Châu Thành và Tân Trụ), rồi đảm nhiệm nhiều chức vụ như Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh, Bí thư Đảng ủy xã An Nhựt Tân (nay là xã Tân Bình, huyện Tân Trụ), Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Trụ,... Đến năm 2017, ông nghỉ hưu.

Nếu ông Xuân có “máu cách mạng” từ truyền thống gia đình thì bà Phạm Thị Thủy lại đến với cách mạng bằng một nỗi đau tận cùng. Mới 14 tuổi, bà tận mắt chứng kiến lính ngụy bắn chết cha mình ngay trong nhà. Nỗi đau đó thấm vào ký ức non nớt của cô bé Thủy năm nào. “Họ không chỉ giết ba tôi mà còn mang xác ra phơi giữa đường, rồi bắt mẹ tôi đi tù. Tôi khóc đến cạn nước mắt nhưng cũng chính từ khoảnh khắc đó, tôi quyết phải đứng lên, chiến đấu để trả thù cho ba má, cho quê hương mình” - bà Thủy xúc động kể lại.

Năm 1971, mới 15 tuổi, bà đã trở thành du kích địa phương, đảm nhiệm công việc giao liên, mang vũ khí, tài liệu, canh gác, xé cờ địch, may cờ giải phóng,... Hình ảnh người thiếu nữ tuổi trăng tròn lặn lội trong đêm tối, ôm khẩu súng carbine đi “đập đèn” để quân ta dễ ẩn náu đã trở thành ký ức không thể nào quên với bao người đồng đội của bà.

Năm 1977, bà Thủy công tác tại Bưu điện huyện Tân Châu, gặp ông Xuân. Tình yêu chớm nở giữa 2 con người cùng chí hướng, cùng đau thương và cũng cùng lý tưởng sống. Khi ấy, cuộc sống còn vô cùng khó khăn, không có được một đám cưới rình rang nhưng cơ quan tổ chức cho họ một “lễ công bố” trang trọng ngay tại đơn vị.

Ông Xuân nhớ lại: “Cuộc sống vợ chồng lúc mới cưới khó khăn lắm! Hai người con đầu tiên của tụi tui đều không giữ được, đau lòng không kể xiết. Đến khi sinh được con trai năm 1980, rồi con gái năm 1982, hạnh phúc như vẹn tròn, vậy mà năm 2004, con trai bị tai nạn giao thông mất đột ngột”.

Trải qua những mất mát, thử thách nghiệt ngã nhưng chưa bao giờ ông Xuân và bà Thủy buông tay nhau. Họ bảo, chính nhờ những tháng ngày sống giữa lằn ranh sự sống - cái chết thời chiến, họ mới hiểu hết giá trị của tình nghĩa. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ ở xã Nhựt Ninh, hai ông bà sống bình lặng bên nhau. Người con gái duy nhất của họ hiện làm việc tại TP.HCM, vài tuần lại về thăm cha mẹ, mang theo cháu ngoại bi bô gọi “ông, bà” khiến căn nhà rộn ràng tiếng cười.

Và cứ thế, câu chuyện tình yêu của những người lính năm xưa vẫn tiếp tục được viết lên bằng nghĩa tình son sắt, thủy chung giữa đời thường. Chia tay những người lính năm xưa, lòng chúng tôi đầy xúc động. Những câu chuyện giản dị nhưng thấm đẫm ân tình ấy mãi là nguồn cảm hứng giữa cuộc sống hôm nay./.

Minh An

Chia sẻ bài viết