Tiếng Việt | English

28/07/2018 - 12:54

Nặng tình với chiến trường xưa

Cứ thành thông lệ, vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hàng năm, nhiều cựu chiến binh (CCB) phía Bắc từng tham gia chiến đấu tại Long An lại “hành quân” vào chiến trường xưa, thực hiện nhiều việc làm tâm huyết.

Các cựu chiến binh đến viếng đồng đội hy sinh đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Thạnh

Các cựu chiến binh đến viếng đồng đội hy sinh đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Thạnh

1. Nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018), ông Hoàng Đình Hát (SN 1947), quê Hà Đông, TP.Hà Nội, cùng nhiều CCB các tỉnh phía Bắc “hành quân” vào thăm chiến trường xưa Long An bằng tàu hỏa. Ông Hát tham gia chiến đấu tại Long An từ năm 1967 đến 1975. Đó là khoảng thời gian không thể nào quên của người lính Cụ Hồ này. “Tuổi cao, trí nhớ kém dần. Đôi khi có những điều hiện tại hoặc mới thấy lại quên ngay sau đó, nhưng thời gian cùng đồng đội chiến đấu, vượt sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, nấp trong rừng tràm, được người dân tiếp tế từng nắm cơm, tận tình cứu chữa khi bị thương,... thì có lẽ đến chết tôi vẫn không quên” - ông Hát chia sẻ. Đây là lần thứ 5, ông Hát trở lại thăm Long An. Cũng như các chuyến đi trước, lần này, ông lại về Tân Trụ, Tân Thạnh, Đức Hòa, Cần Giuộc,... Ông Hát kể: “Trong những lần trở lại Long An, tôi tìm được mộ liệt sĩ Lê Mạnh Hồng (người cùng quê) đưa về an táng tại quê nhà”. Theo ông Hát, liệt sĩ Lê Mạnh Hồng là bạn của ông từ thời thơ ấu. Lớn lên, cả hai nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu. Hòa bình lập lại, ông Hát trở về quê hương và không thể nào quên người bạn nằm xuống tại mảnh đất Long An. Cứ mỗi lần vào chiến trường xưa, ông Hát lại đi tìm mộ bạn và năm 2013, ông tìm được mộ liệt sĩ Lê Mạnh Hồng tại Đức Hòa. Ông xin phép ngành chức năng mang hài cốt về an táng tại quê nhà, thỏa lòng mong đợi của người thân. 

Mỗi lần vào chiến trường xưa, hành trang của những người lính già vẫn là những bịch thuốc đề phòng khi trái gió trở trời, nạng gỗ hỗ trợ đi lại và nhiều giấy tờ, hồ sơ cũ cung cấp cho ngành chức năng xem xét về công lao, thành tích của đồng đội. Như ông Nguyễn Văn Lạc (82 tuổi), ngụ TP.Hà Nội, trong chuyến trở lại Long An lần này, ông vẫn mang theo những bản kê khai để gửi ngành chức năng xem xét, truy tặng thành tích đối với má Ba Cơm Nguội ở xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ. Bởi theo ông Lạc, trong kháng chiến chống Mỹ, má Ba có rất nhiều công lao với cách mạng, từng che chở, nấu cơm cho bộ đội và làm giao liên. “Là những người chiến đấu trong thời kỳ đó, biết được thành tích của đồng đội, công lao của những gia đình có công với nước thì chúng tôi phải có trách nhiệm cung cấp cho ngành chức năng, kiến nghị để có sự ghi ơn xứng đáng” - ông Nguyễn Văn Lạc chia sẻ.

Vẫn xem kỹ danh sách liệt sĩ trên bia tưởng niệm và không quên nhắc nhở chính quyền sửa những lỗi về quê quán đồng đội

Vẫn xem kỹ danh sách liệt sĩ trên bia tưởng niệm và không quên nhắc nhở chính quyền sửa những lỗi về quê quán đồng đội

2. Và như thói quen, mỗi lần trở lại chiến trường xưa, những người lính già luôn tìm gặp đồng đội cũ, người má, người chị, người em gái Long An từng chở che, bảo vệ bộ đội khi xưa để bày tỏ lòng biết ơn. Những CCB luôn xem đó là món nợ ân tình bởi có những người má, người em Nam bộ, bộ đội mới bám được địa bàn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hồng (64 tuổi), ngụ ấp 4, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ (một trong những nữ du kích trong kháng chiến chống Mỹ), chia sẻ “Năm nào tôi cũng đón tiếp những CCB ở các tỉnh phía Bắc vào Long An và ghé về thăm. Các anh, các chú sống rất tình cảm. Những nữ du kích ở xã cũng dự định ra Hà Nội viếng Lăng Bác Hồ, đi thăm các anh, các chú”. CCB Đỗ Văn Xuân (SN 1952), quê Bắc Ninh, bày tỏ: “Trở lại chiến trường xưa, bày tỏ lòng tri ân với những người ơn, chúng tôi cảm thấy ấm áp, nhẹ nhàng hơn”.

Vào Long An, những người lính già tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ. Đứng trước phần mộ đồng đội, họ hô vang khẩu lệnh tập hợp thành hàng ngang, chào đồng đội, nhiều ông còn hát cho đồng đội nghe. Thắp nén nhang mà khóe mắt người lính già cay cay. “Chúng tôi may mắn trở về sau hòa bình, còn nhiều đồng đội mãi mãi ra đi, có những phần mộ sau 43 năm đất nước thống nhất vẫn chưa xác định được tên tuổi, quê quán người nằm xuống và người thân nơi quê nhà vẫn ngày đêm trông ngóng các anh” - CCB Nguyễn Xuân Liệu (quê Hà Tây, TP.Hà Nội) bày tỏ. Trong những lần như thế, những người lính già vẫn chăm chú xem kỹ danh sách các liệt sĩ đang yên nghỉ được khắc trên tấm bia tưởng niệm. Mỗi lần phát hiện có sai sót về địa danh, quê quán của đồng đội, họ lại trao đổi với chính quyền địa phương và đề nghị nhanh chóng sửa lại. Những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ đó lại thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với đồng đội cũ. 

Các cựu chiến binh phía Bắc thăm Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh

Các cựu chiến binh phía Bắc thăm Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh

Và mỗi lần trở lại, những CCB lại phấn khởi trước sự thay đổi của chiến trường xưa. Đồng Tháp Mười ngày nào hoang hóa, nhiễm phèn nay đã trở thành vựa lúa lớn của cả nước. Nhiều vùng “đất chết” trở thành những khu, cụm công nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn lao động. 

“Long An bây giờ thay đổi rất nhiều. Tin rằng, với truyền thống trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc, Long An tiếp tục phát triển” - Thương binh Lê Gia Huyền (SN 1933), quê Thanh Oai, TP.Hà Nội - người từng có thời gian chiến đấu tại Long An từ 1968 đến 1975, bồi hồi bày tỏ./.

Ông Đàm Đức Hoành (SN 1947), quê Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nhiều lần trở lại thăm Long An - nơi ông từng tham gia chiến đấu từ 1967 đến 1972. Ông kể, trong quãng thời gian này, trong một trận chiến với địch, 2 đồng đội Nguyễn Xuân Gắm (quê Từ Sơn, Bắc Ninh) và Am (quê Nam Sách, Hải Dương) hy sinh ngay trước mắt ông vì dính phải trái nổ. Ông đào hố chôn cất ở gần đoạn kênh Ràm Xay, thuộc địa bàn xã Hòa Khánh (trước kia), huyện Đức Hòa. Nhiều lần trở lại Long An, ông đều thăm hỏi, tìm kiếm hài cốt 2 liệt sĩ nhưng chưa có kết quả. Nỗi ray rứt khi đồng đội còn nằm lại đâu đó trên mảnh đất này khiến ông thấy tim mình quặn thắt và thấy mình còn nợ đồng đội nhiều lắm!

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết