Tấm lòng của con cháu
Ông Nguyễn An Thọ (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) là cháu đời thứ 4 của AHDT Nguyễn Trung Trực. Trong căn nhà nhỏ của mình, trên vách tường từ trong ra ngoài nhà, ông Thọ dán đầy hình ảnh về các lễ giỗ, lễ hội tưởng nhớ AHDT Nguyễn Trung Trực.
Ông Thọ kể, mỗi lần ông hay con cháu trong nhà tham dự lễ hội, lễ giỗ Nguyễn Trung Trực ở bất cứ địa phương nào, đều chụp ảnh để làm kỷ niệm. Mỗi một bức ảnh đều mang theo câu chuyện riêng. Đến nay, có hàng trăm bức ảnh dán đầy trên tường nhà nhưng ông Thọ vẫn nhớ rõ thời gian, địa điểm chụp ảnh.
Ông Nguyễn An Thọ (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) lưu giữ rất nhiều thông tin, hình ảnh về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Chỉ về một bức ảnh trên tường, ông Thọ nói: “Đây là ảnh chụp những người trong dòng họ ở tỉnh Cà Mau. Tôi nghe kể lại rằng, khi ông Nguyễn Trung Trực về tỉnh Kiên Giang chống Pháp thì có nhiều anh em kết nghĩa của ông cùng đi. Sau khi ông “nộp mình” cho giặc để cứu dân thì những người anh em đó đã hộ tống cha ông về tỉnh Cà Mau phụng dưỡng, gọi là nghĩa phụ. Họ ổn định cuộc sống và phát triển dòng họ đến ngày nay. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc và thường xuyên gặp nhau trong các lễ hội, lễ giỗ của ông Nguyễn Trung Trực”.
Không chỉ lưu giữ hình ảnh, ông Thọ còn sưu tầm, lưu giữ các thông tin, tài liệu, bài viết liên quan đến Nguyễn Trung Trực. Tất cả được ông đóng thành tập, bao bìa cẩn thận và cất riêng trong hộc tủ, chỉ khi nào có người đến hỏi thăm, ông mới mang ra. Đối với ông Thọ, đó là cả một gia tài! Ông Thọ bộc bạch: “Từ ngày tôi còn nhỏ đã nghe ông bà kể về ông Nguyễn Trung Trực. Niềm tự hào về ông được con cháu trong dòng họ gìn giữ. Trong thời chiến cũng như khi đất nước thống nhất, gia đình chưa từng quên ngày giỗ nào của ông. Ngoài ngày giỗ ông là 11-9 Âm lịch hàng năm thì dòng họ còn làm lễ kỷ niệm ngày ông ra đi làm việc nghĩa là mùng 10-3 Âm lịch”.
Dù có rất nhiều ảnh về lễ hội, lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực nhưng ông Nguyễn An Thọ đều nhớ rõ thời gian, địa điểm chụp ảnh
Trong vườn nhà ông Thọ là nhà thờ gia phả dòng họ Nguyễn. Ở đó có cây gia phả dòng họ Nguyễn, thể hiện rõ AHDT Nguyễn Trung Trực là người con thứ 5 thuộc chi thứ nhất trong dòng họ. Ông Thọ cho biết, thường thì cây gia phả chỉ để tên, không có hình ảnh, riêng với AHDT Nguyễn Trung Trực, dòng họ thống nhất ghi tên, hình ảnh và tóm tắt một phần chiến công của ông để thể hiện sự biết ơn và tự hào về ông Nguyễn Trung Trực.
Bức ảnh rước bát hương Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực từ tỉnh Kiên Giang về tỉnh Long An được ông Nguyễn An Thọ lưu giữ tại nhà (ảnh chụp lại)
Lòng tự hào và yêu quý của thế hệ sau dành cho AHDT Nguyễn Trung Trực là điều không thể nào phủ nhận. Ông Nguyễn Thanh Liêm - người dân Xóm Nghề, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, kể: “Người dân ở đây ai mà không tôn kính ông Nguyễn vì những chiến công của ông. Cứ mỗi dịp giỗ ông, mọi người lại cùng nhau tổ chức.
Khi UBND huyện Bến Lức đứng ra tổ chức lễ giỗ, người dân cũng chung tay hỗ trợ, người lo hậu cần, nấu nướng, người lo việc tiếp khách, dọn dẹp, người lo phần bài trí, nghi thức,... Đâu chỉ có vậy, người dân ở đây còn bày mâm cúng ông Nguyễn Trung Trực tại nhà, chỉ là trái cây và hoa nhưng là tấm lòng của mọi người, chứ đâu có ai sai, ai biểu”.
Niềm tự hào của quê hương
Trong lòng người dân, hình ảnh AHDT Nguyễn Trung Trực hết sức thiêng liêng, đầy tôn kính. Vì vậy, lễ giỗ ông được tổ chức hàng năm tại Khu di tích lịch sử (DTLS) Vàm Nhựt Tảo và Khu DTLS Xóm Nghề luôn thu hút hàng chục ngàn người đến tham gia. Từ trước lễ giỗ nhiều ngày, chị Hoài Diễm (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cùng gia đình đến viếng Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo.
Chị Diễm cho biết: “Gia đình tôi rất tôn kính ông Nguyễn Trung Trực. Hầu như năm nào tôi cũng tham gia lễ hội ở tỉnh Kiên Giang và lễ giỗ ông tại tỉnh Long An. Năm nay, do lễ giỗ ông rơi vào ngày làm việc nên tôi và gia đình tổ chức đi viếng ông trước vào dịp cuối tuần. Ông là anh hùng của dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì dân, vì nước nên được người dân tôn sùng, gia đình tôi cũng vậy”.
Gia đình chị Hoài Diễm đến viếng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo trước lễ giỗ của ông
Sinh ra và lớn lên ở Xóm Nghề, 1 trong 2 chiến công lừng lẫy của ông lại gắn liền với Vàm Nhựt Tảo, AHDT Nguyễn Trung Trực trở thành niềm tự hào của người dân các địa phương nói riêng và người dân tỉnh Long An nói chung.
Thời gian gần đây, UBND huyện Tân Trụ ra mắt tour du lịch Tân Trụ quê hương em tại Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo với điểm nhấn đặc biệt là toàn bộ hướng dẫn viên đều là tình nguyện viên học sinh. Mô hình không chỉ góp phần giúp phát triển du lịch mà còn giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và biết ơn đối với các bậc tiền nhân.
Em Phạm Ngọc Thảo Nguyên (học sinh Trường THCS Nguyễn Thành Nam, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Từ khi tham gia làm hướng dẫn viên tour Tân Trụ quê hương em, em hiểu hơn về AHDT Nguyễn Trung Trực cũng như một phần văn hóa của quê hương mình và em rất tự hào về điều này. Giờ đây, khi có ai đó hỏi về quê hương mình, em nhất định sẽ kể về Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, AHDT Nguyễn Trung Trực và các nghề truyền thống của địa phương”.
Tour du lịch Tân Trụ quê hương em tại Vàm Nhựt Tảo có hướng dẫn viên là tình nguyện viên học sinh
Việc phát triển sản phẩm du lịch mới là một trong nhiều nỗ lực của Huyện ủy, UBND huyện Tân Trụ nhằm phát triển Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan. Theo Bí thư Huyện ủy huyện Tân Trụ - Võ Trần Tuấn Thanh, Huyện ủy đã giao UBND huyện lập đề án đề xuất trùng tu, sửa chữa nhiều hạng mục thuộc Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, phục dựng lại mô hình chiến hạm Hy Vọng nhằm giúp người dân, du khách hiểu rõ hơn về chiến công “hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” của AHDT Nguyễn Trung Trực. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã xã hội hóa khoảng 100 đèn năng lượng mặt trời nhằm thắp sáng cho khu di tích.
“Chúng tôi dự kiến trùng tu, phát triển Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo nhằm hướng đến phát triển du lịch. Huyện ủy, UBND huyện cũng đang đẩy mạnh việc kết nối cùng các địa phương khác liên quan đến AHDT Nguyễn Trung Trực: Tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bình Định và đặc biệt là Xóm Nghề tại huyện Bến Lức nhằm xây dựng chuỗi điểm đến thích hợp, giúp du khách có cái nhìn toàn diện và hiểu rõ hơn về người anh hùng của quê hương Long An” - ông Võ Trần Tuấn Thanh cho biết.
Không chỉ có Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, Khu DTLS Xóm Nghề cũng có quy hoạch chi tiết về việc đầu tư xây dựng. Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành với sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Sau khi xây dựng xong, Khu DTLS Xóm Nghề được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến được du khách quan tâm.
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
Hai câu thơ ấy đã in sâu vào tiềm thức của người dân Long An. Tấm gương yêu nước của AHDT Nguyễn Trung Trực luôn được người dân Long An nói riêng và cả nước nói chung ghi nhớ, kính trọng./.
Quế Lâm