Ông Nguyễn An Thọ (hậu duệ đời thứ 4 của anh hùng Nguyễn Trung Trực) kể, ghi nhớ lời Đức ông nên 10/3 Âm lịch năm nào dòng họ cũng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Ông rời nhà đi làm việc lớn, trong gia tộc, con cháu đều quy tụ về tưởng nhớ Đức ông
Năm 1861, khi tỉnh Định Tường rơi vào tay giặc Pháp, người dân miền Nam (trong đó có Long An) nhất tề đứng lên chống giặc. Lực lượng nghĩa quân phát triển khắp nơi gây cho địch nhiều tổn thất. Trong số những nghĩa quân ấy có người dân chài Nguyễn Văn Lịch, tuy trẻ tuổi nhưng có sức khỏe, giỏi bơi lội, võ nghệ và tài thao lược hơn người. Năm 23 tuổi, người nghĩa sĩ ấy lãnh đạo nghĩa binh đốt cháy chiến hạm Espérance của Pháp đang án ngữ trên sông Vàm Cỏ Đông. Ngọn lửa đã dấy lên một luồng sinh khí mới trong lực lượng nghĩa quân. Và chỉ trong vòng 1 năm, 3 tiểu hạm của Pháp bị tấn công dữ dội. Người con làng chài Xóm Nghề ấy chính là anh hùng Nguyễn Trung Trực, người đã hy sinh trong khí tiết, khiến quân thù khiếp sợ và người dân tưởng nhớ, tôn thờ.
Xóm Nghề ngày nay là một bộ phận của ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Người dân đã bỏ hẳn nghề chài lưới, chuyển sang buôn bán nhỏ hoặc làm công việc tự do. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 1 - Nguyễn Văn Đậm cho biết: “Người dân ấp 1 nói khá thì cũng không phải là khá, tuy nhiên cuộc sống vừa đủ. Chỉ có duy nhất một điều là tấm lòng kính trọng, tự hào, hướng về Ông thì lúc nào cũng tràn đầy”. Đi một vòng quanh tuyến đường chính trong ấp mới thấy hầu như nhà nào cũng có bức ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực trong nhà. Có người còn trân trọng đặt trên bàn thờ. Trải qua hơn 150 năm, người dân Xóm Nghề vẫn một lòng ghi nhớ về người anh hùng lớn lên từ vùng đất này.
Bia tưởng niệm Nguyễn Trung Trực được dựng lên giữa Xóm Nghề bằng tấm lòng người dân và hậu duệ dòng họ Nguyễn. Một phần di tích Xóm Nghề với một số hạng mục công trình: Bia tưởng niệm, cổng, mái che,… được xây dựng, trùng tu bằng nguồn kinh phí đóng góp của con cháu trong dòng họ. Bởi với người dân Xóm Nghề nói chung và hậu duệ Đức ông Nguyễn Trung Trực nói riêng, đó chính là niềm tự hào, nguồn cội để quay về soi chiếu lại bản thân, tự nhắc mình cố gắng từng ngày noi gương người đi trước.
Ông Nguyễn An Thọ (hậu duệ đời thứ 4 của anh hùng Nguyễn Trung Trực) kể: “Trước giờ, con cháu trong nhà vẫn ghi nhớ lời Ông trong ngày xuất quân
đánh Pháp là nếu việc lớn không thành, hãy nhớ ngày ra đi của Ông mà nhắc nhở. Vì điều đó mà ngày 10-3 Âm lịch năm nào dòng họ cũng tổ chức lễ kỷ niệm trong gia tộc, con cháu bắt buộc phải quy tụ về. Sau này khi đã xác tín ngày mất của ông vào ngày 12-9 Âm lịch thì dòng họ vẫn ghi nhớ và tổ chức lễ trong ngày 10-3 bên cạnh lễ giỗ”.
Từ khi lễ giỗ Ông được tổ chức tại khu di tích Xóm Nghề thì không chỉ có con cháu trong dòng tộc mà người phương xa cũng đến viếng Ông. Việc chuẩn bị thường kéo dài cả tháng trước. Lượng khách đến viếng trong ngày giỗ lên đến hơn 1,5 ngàn người. Khách thập phương thì đến vào ngày chính lễ, nhưng người dân Xóm Nghề thì có mặt ở khu di tích trước đó cả tuần. Ông Đậm cho biết: “Gần đến ngày giỗ, chính quyền với người dân tập trung dọn dẹp, trang hoàng và chuẩn bị mâm cỗ. Tôi và những người khác coi như “trực chiến” tại đây, thức trắng đêm là chuyện bình thường”.
Người dân Xóm Nghề vẫn tự hào vùng đất ấy là nơi sinh ra người anh hùng được lưu danh hậu thế. Con cháu dòng họ Nguyễn vẫn ghi nhớ trong lòng về truyền thống rạng ngời của Đức ông mà tu dưỡng bản thân. Đi đâu xa xôi, con cháu dòng họ Nguyễn ở Xóm Nghề vẫn nhớ trở lại quê nhà, chung tay, góp sức xây đắp quê hương. Họ ước ao có thể cùng nhau trùng tu, xây dựng thêm hạng mục nhà bia tại bia tưởng niệm Đức ông Nguyễn Trung Trực, như một cách vừa bảo vệ bia, vừa thể hiện lòng thành con cháu.
Người dân Xóm Nghề vẫn tự hào vùng đất ấy là nơi sinh ra người anh hùng được lưu danh hậu thế
Đức ông Nguyễn Trung Trực được hậu thế lưu danh là người anh hùng bất khuất:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”
Người dân Xóm Nghề có quyền nuôi dưỡng niềm tự hào đó trở thành động lực “bay xa” để trở về vun đắp lại quê nhà./.
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (tự Chơn) sinh năm 1838. Năm 23 tuổi, ông tham gia lực lượng chống Pháp, sau đó lãnh đạo nghĩa quân đốt cháy chiến hạm Espérance trên vàm Nhựt Tảo. Sau đó, ông cùng nghĩa quân rút về Hà Tiên. Năm 1868, ông lãnh đạo nghĩa quân công đồn Rạch Giá, làm nên chiến công rực rỡ. Tháng 9/1868, để tránh nghĩa binh bị quân Pháp tàn sát hết, ông để giặc bắt.
Năm 1868, ông oanh liệt hy sinh nhưng lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của ông mãi được đời sau ghi nhớ.
Tại Long An, Đền tưởng niệm Nguyễn Trung Trực nằm trong cụm di tích Vàm Nhựt Tảo thuộc xã Tân Bình (xã An Nhựt Tân trước đây), huyện Tân Trụ. Là nơi chiến hạm Espérance bị đốt cháy năm xưa.
|
Quế Lâm