Quyền Chủ tịch nước - Võ Thị Ánh Xuân; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được đến thăm, mừng thọ Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Tiếu (phường 2, TP.Tân An)
1. Trên con đường nhựa thẳng tắp của xã nông thôn mới Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, chúng tôi đến nhà Mẹ VNAH Phan Thị Đương.
Mẹ Đương năm nay 90 tuổi, hiện không còn minh mẫn. Mẹ có 7 người con, gồm 6 người con trai và 1 người con gái. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chồng và người con trai lớn của mẹ đã anh dũng hy sinh. Nỗi đau mất chồng con là quá lớn nhưng mẹ vẫn cố gắng vượt qua, tần tảo nuôi các con khôn lớn.
Ông Lê Văn Chọn - người con trai thứ 4 của mẹ Đương, kể: “Có nhiều đêm đang ngủ, mẹ bật ngồi dậy kêu chạy trốn đi, máy bay tới kìa,…”.
Năm 2023, tuổi trẻ huyện Đức Huệ thực hiện mô hình Người con hiếu thảo chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH. Qua đó, thể hiện sự tri ân đối với những người có công, gia đình chính sách nói chung và Mẹ VNAH nói riêng.
Thông tin từ Huyện Đoàn Đức Huệ, thực hiện mô hình Người con hiếu thảo, định kỳ hàng quí, tại nhà các Mẹ VNAH, đoàn viên, thanh niên cùng nhau đến thăm hỏi, quét dọn nhà cửa, sắp xếp vật dụng gia đình; đồng thời, cùng nấu, ăn bữa cơm với mẹ, giúp các mẹ cảm nhận được không khí ấm áp, quây quần bên con cháu để ngày càng sống vui, sống khỏe hơn. Bên cạnh đó, trạm y tế xã còn kiểm tra sức khỏe, cấp thuốc, tặng quà cho các mẹ,...
Thành Đoàn Tân An đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng do Thành Đoàn nhận phụng dưỡng
Bí thư Tỉnh Đoàn - Trần Hải Phú cho biết, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thời gian qua, tuổi trẻ trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi.
Đặc biệt, 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh hưởng ứng thực hiện mô hình Người con hiếu thảo với hơn 500 gia đình Mẹ VNAH, cựu chiến binh, thương binh, gia đình chính sách, cựu cán bộ Đoàn,...
Qua các hoạt động “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của tuổi trẻ, thực sự khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, góp phần hình thành nhân cách sống, xây dựng ý thức tự giác và trách nhiệm trong mỗi thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan nhận phụng dưỡng (Trong ảnh: Lãnh đạo Báo Long An đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng do Báo phụng dưỡng)
2. Trên dải đất hình chữ S, còn biết bao Bà mẹ VNAH trung hậu, tảo tần, lặng thầm với nỗi đau mất chồng, con nơi chiến trường để góp phần thêu dệt nên trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc. Thương chồng, con nhưng sẵn sàng chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường vì hòa bình, độc lập của đất nước. Để rồi một mình mẹ lo kinh tế gia đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng, con nơi chiến trận. Có mẹ còn đào hầm nuôi giấu cán bộ, có mẹ làm giao liên, tiếp tế lương thực, thuốc men, cũng có mẹ trực tiếp cầm súng chiến đấu,...
Nợ nước, thù nhà không cho phép mẹ gục ngã. Các mẹ vẫn ngày đêm âm thầm, đóng góp cho cách mạng. Ngày chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, mẹ vui với niềm vui chung của dân tộc nhưng lại đau nỗi đau riêng vì chồng, con mình vĩnh viễn không về sum họp.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lượm (ấp Hòa Thuận 2, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa) năm nay đã ngoài 100 tuổi. Tóc mẹ bạc trắng màu sương gió, sức khỏe cũng yếu đi nhiều và không thể tự đi lại được. Có nhiều chuyện mẹ không còn nhớ rõ nhưng khi nhắc đến chồng, con đã hy sinh, mẹ lại ngậm ngùi.
Mẹ Lượm có 6 người con gồm 3 người con trai và 3 người con gái. Mẹ Lượm có chồng và 1 người con là liệt sĩ. Mẹ đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hiệp Hòa nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Hòa - Phan Thị Ngọc Lệ thông tin, Hội thực hiện mô hình Chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH từ tháng 11-2023.
“Tại xã hiện có 2 Mẹ VNAH còn sống nhưng Hội nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Lượm. Chúng tôi không chỉ đến thăm hàng tháng theo định kỳ, dịp lễ mà thỉnh thoảng cứ nghĩ đến mẹ là chúng tôi lại đến. Mỗi người chia nhau quét nhà, lau bàn thờ, nấu cơm, trò chuyện, may quần áo, tặng hoa, quà,...
Mẹ Lượm tuy có đông con, cháu nhưng họ đều đi làm xa nên mỗi khi chúng tôi đến, mẹ dù nhớ nhớ quên quên nhưng đều rất vui vẻ. Mẹ cứ bảo các con phải ở lại ăn cơm cùng. Mô hình này rất ý nghĩa nên các chị em đều đồng tình thực hiện. Tôi may mắn được sinh ra và sống trong thời bình, không có chiến tranh nên rất cảm động và thương mẹ lắm! Những phần quà, những việc làm của chúng tôi tuy không có là bao nhưng là tấm lòng chúng tôi mong muốn gửi tới mẹ” - chị Lệ chia sẻ.
Theo Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Tú Trinh, toàn huyện có 1.029 Mẹ VNAH, trong đó có 7 mẹ còn sống. Những năm qua, huyện luôn quan tâm đến các gia đình chính sách, nhất là những Mẹ VNAH còn sống bằng những việc làm thiết thực. Từ đó, phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các gia đình chính sách, người có công vươn lên, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
3. Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của những Bà mẹ VNAH vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng con đã chọn, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Những người mẹ kiên cường, bất khuất, sẵn sàng nhận lấy nỗi đau cho riêng mình để mang lại hòa bình cho đất nước. Thế hệ hôm nay rất đỗi tự hào về những Bà mẹ VNAH.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Kỷ niệm chương Tù đày; gần 80.000 người có công được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến; Nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Long An được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Đặc biệt, tại Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua toàn miền lần thứ II (tháng 9/1967), tỉnh Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Tỉnh mãi mãi tri ân và dành những tình cảm đặc biệt cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh có 5.365 Mẹ VNAH, còn sống 67 mẹ. Để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các Mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua, những Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhận phụng dưỡng đến cuối đời và thường xuyên thăm hỏi, động viên về vật chất, tinh thần.
Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính cùng sự biết ơn sâu sắc đã giúp các mẹ sống vui khỏe hơn để thấy quê hương, đất nước ngày càng đổi mới và phát triển. Đặc biệt, Long An là tỉnh đầu tiên có chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho người thờ cúng Mẹ VNAH.
Những tình cảm, sự chăm lo ấy thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đối với các Bà mẹ VNAH, những người mẹ vĩ đại đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, xứng đáng là biểu tượng cao đẹp, tượng đài bất khuất trong lòng dân tộc./.
Song Nhi