Tiếng Việt | English

12/08/2020 - 16:32

Vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới: Việt Nam có tính chuyện nhập khẩu?

Việc thế giới có vaccine Covid-19 đầu tiên của Nga tác động như thế nào đến việc nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam?

Chưa có số liệu để đánh giá

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt- Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH)- Bộ Y tế cho hay: Vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được Nga tự công bố và lưu hành nhưng các kết quả nghiên cứu không được công bố về mặt khoa học.

"Cũng trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine nhưng nghiên cứu của các nước Anh, Mỹ được công bố nhiều hơn. Vì vậy chúng tôi có thể tham khảo được nhờ vào các số liệu nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, những nghiên cứu về mặt khoa học của loại vaccine Covid-19 của Nga chưa được công bố, vì vậy, không có số liệu để tham khảo và đánh giá"- ông Đạt nói.


Vaccine Covid-19 của Nga được phát triển bởi viện Gamaleya. (Ảnh: AFP)

Về phương diện một nhà sản xuất vaccine, theo ông Đạt, như các chuyên gia phương Tây đánh giá, họ nhìn thấy ở khía cạnh nguy cơ nhiều hơn. Vì vaccine nào cũng phải trải qua tất cả các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Nhưng giờ đây, tất cả các số liệu về vaccine Covid-19 đầu tiên đều do Nga nắm giữ, các chuyên gia trên thế giới cũng chưa được nhìn thấy số liệu đó, vì vậy chưa thể đánh giá vaccine đó như thế nào về mặt khoa học, độ an toàn ra sao.

"Không thể khẳng định được vaccine Covid-19 của Nga có an toàn hay không, vì họ chưa công bố số liệu, chúng tôi không có một số liệu nào trong tay để đánh giá. Hiện nay WHO cũng đang đề nghị phía Nga công bố số liệu và các nghiên cứu liên quan đến loại vaccine này"- ông Đạt cho hay. 

Chưa tính chuyện nhập khẩu vaccine Covid-19 của Nga

Trước câu hỏi Việt Nam có tính đến chuyện nhập khẩu vaccine Covid-19 từ Nga, Chủ tịch VABIOTECH khẳng định: "Chúng tôi cũng chưa đề cập đến".

"Vì đối với một loại vaccine, chúng ta bắt buộc phải hiểu loại vaccine đó như thế nào rồi mới có thể đưa ra quyết định có nhập khẩu hay không? Quốc gia nào có vaccine thì chúng tôi cũng có những tiếp cận. Khi nghiên cứu vaccine của họ được công bố rộng rãi trên thế giới, kết quả tốt thì chúng tôi mới tính đến các bước tiếp theo trong việc nhập khẩu và đăng ký lưu hành tại Việt Nam"- TS Đạt phân tích.

Liên quan đến quá trình nghiên cứu vaccine Covid-19 tại Việt Nam, TS Đỗ Tuấn Đạt cho hay: Khi cả thế giới chạy đua với vaccine Covid-19, việc cho ra đời một loại vaccine đại dịch là thách thức với bất kỳ nhà sản xuất nào, bởi đây là vaccine mới. Với mỗi quốc gia có những đặc thù, lựa chọn riêng, ở trên mức độ của nhà phát minh. Chẳng hạn như Trường đại học Boston chuyên nghiên cứu giá thể virus này để làm vaccine.

Việt Nam cũng đi theo hướng đó của họ để bám sát vào những chỗ của các nhà phát minh đã phát triển. Trong công tác nghiên cứu về vaccine Covid-19, có thể có khác biệt vì thế giới vẫn đang muốn tạo sự khác biệt giữa các chủng, các công nghệ khác nhau để xem cái nào sẽ là ưu thế. Vì đây là vaccine quá mới đối với cả thế giới nên chưa biết được chủng nào hơn chủng nào. Đây là thách thức đối với tất cả các công ty sản xuất.

"Chúng tôi nghiên cứu bám sát với kết quả nghiên cứu trên thế giới để trước khi ra thử nghiệm lâm sàng tiếp theo đưa ra tiêu chí nào cho phù hợp. Chúng ta không đi trước để dẫn đầu mà để đón đầu, xem họ như thế nào để thiết kế vaccine cho phù hợp"- ông Đạt chia sẻ./.

Trước đó, tại cuộc họp tại Geneva về các thử nghiệm lâm sàng hôm 11.8, phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic, cho hay: WHO và các cơ quan y tế Nga hiện đang thảo luận về khả năng cấp chứng nhận tiền thẩm định vaccine của WHO. Nhưng việc tiền thẩm định bất kỳ loại vaccine nào cũng đòi hỏi phải xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

Hiện có hơn 100 loại vaccine COVID-19 tiềm năng đang được phát triển trên khắp thế giới để cố gắng ngăn chặn đại dịch. Theo dữ liệu của WHO, ít nhất 6 vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết