Tiếng Việt | English

08/01/2019 - 14:13

VCK Asian Cup 2019: Đội tuyển Việt Nam và cuộc chiến mới

Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018, đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo sẽ tiếp tục bước vào cuộc chiến mới tại vòng chung kết Asian Cup 2019.

Tuyển Việt Nam sắp bước vào cuộc chiến mới tại Asian Cup 2019. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 dĩ nhiên là một nền tảng thuận lợi về mặt tâm lý cho đội tuyển Việt Nam trước thềm Asian Cup 2019. Nhưng có lẽ thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo cũng thừa hiểu rằng đó không phải sự đảm bảo cho thành công tại giải đấu đang diễn ra ở UAE.

Thái Lan, đội bóng vốn được xem là "ông anh cả" của khu vực Đông Nam Á với 5 chức vô địch khu vực, đã bao giờ vượt qua vòng bảng Asian Cup? Câu trả lời là đúng một lần, vào năm 1972, khi họ là nước chủ nhà.

Nhưng ở giải đấu năm đó, họ không thắng nổi trận nào, và chỉ giành giải 3 sau khi vượt qua Cộng hòa Khmer (Campuchia ngày nay) bằng loạt đá luân lưu.

Vả lại, bóng đá hồi ấy rất khác bây giờ. Ở hai vòng chung kết đầu tiên, đội tuyển miền Nam Việt Nam còn 2 lần đứng thứ tư châu Á, Miến Điện (Myanmar hiện tại) là một quyền lực của bóng đá châu lục khi giành 2 tấm huy chương vàng Asian Games 1966, 1970, và lọt vào đến chung kết Asian Cup 1968 (thua Iran).

Những đội bóng như Ấn Độ, Hong Kong (Trung Quốc), hay Cộng hòa Khmer cũng vào đến bán kết, chung kết.

20 năm sau chiến tích đó, Thái Lan mới giành quyền dự Vòng chung kết Asian Cup, nhưng họ đều bị loại ngay từ vòng bảng, chỉ thắng vỏn vẹn 1 trận (tại Asian Cup 2007, khi họ là đồng chủ nhà), dù sở hữu thế hệ vàng với Kiatisuk Sennamuang và Natipong.

Việt Nam cần gác lại chiến tích AFF Cup để hướng đến Asian Cup 2019. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Ở hai giải năm 2011 và 2015, Thái Lan thậm chí còn không qua nổi vòng bảng. Các nhà vô địch khu vực khác cũng chẳng khá khẩm hơn. Singapore (4 lần giành AFF Cup) chỉ dự vòng chung kết đúng 1 lần với tư cách chủ nhà năm 1984 và bị loại từ vòng bảng.

Malaysia bị loại ở vòng bảng trong cả ba lần dự Vòng chung kết (1976, 1980, 2007). Rõ ràng mặt bằng chung của bóng đá Đông Nam Á vẫn còn thấp hơn hẳn so với sân chơi châu lục.

Nhưng, đội tuyển Việt Nam là một ngoại lệ so với những nhà vô địch AFF Cup khác. Kể từ khi giải vô địch Đông Nam Á ra đời, Việt Nam là nhà quán quân duy nhất của khu vực từng vượt qua vòng bảng Asian Cup một cách đường hoàng khi quật ngã UAE 2-0, cầm hòa Qatar 1-1 và thua Nhật Bản 1-4 ở vòng bảng, và chỉ thua ở trận Tứ kết Asian Cup 2007 trước Iraq - đội đăng quang ngôi vô địch ở giải đấu năm đó.

Thế hệ từng làm nên chiến tích ấy cũng là nòng cốt của đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Mười năm sau, chúng ta lại sản sinh ra một thế hệ thậm chí còn được đánh giá là tài năng hơn thế. Một thế hệ không chỉ tiếp bước đàn anh để vô địch AFF Cup 2018, mà chứng tỏ bản lĩnh của mình ở sân chơi châu lục như Vòng chung kết U23 châu Á, ASIAD 2018. Thậm chí, rất nhiều người trong số đó còn dự World Cup U20 2017.

Hãy tạm quên AFF Cup đi, vì đó không phải sân chơi xứng tầm với Asian Cup. Nhưng tinh thần của Thường Châu tuyết trắng thì chắc chắn rất cần được khơi dậy ở UAE lần này./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết