1. Đường đến Khu di tích (KDT) Cầu Kinh thuộc ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây ngày nay được đal hóa, rộng, giúp các phương tiện đi lại thuận tiện, dễ dàng.
Năm 1966, phong trào thi đua “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” ở tỉnh Long An nói chung và huyện Cần Giuộc nói riêng phát triển mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, quân và dân Long An đã thực hiện chiến thuật 3 mũi giáp công, giáng cho địch những đòn sấm sét. Vùng giải phóng của tỉnh, trong đó có các xã vùng hạ huyện Cần Giuộc ngày càng được củng cố và mở rộng. Từ ngày 05/6 đến ngày 20/7/1967, địch huy động lực lượng, mở cuộc hành quân càn quét quy mô lớn vào vùng hạ huyện Cần Giuộc nhằm thực hiện âm mưu xóa bỏ vùng giải phóng của ta.
Khu di tích Cầu Kinh trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Lúc bấy giờ, lực lượng vũ trang của ta đang ở vùng hạ gồm có Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Đại đội địa phương quân Cần Giuộc (C316) vùng du kích các xã vùng hạ. Chỉ huy cuộc chống càn là đồng chí Huỳnh Công Út (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhà Bè), đồng chí Phạm Văn Tài (Huyện đội trưởng Huyện đội Cần Giuộc) và đồng chí Nguyễn Văn Côn (Đại đội trưởng Đại đội địa phương quân Cần Giuộc).
Trong suốt 45 ngày đêm, quân địch đánh phá dữ dội các xã vùng hạ huyện Cần Giuộc làm cho nhà cửa, vườn ruộng tiêu tan. Trước tình thế khó khăn, nguy hiểm ấy, quân và dân vùng hạ Cần Giuộc không hề nao núng, kiên cường, dũng cảm, liên tục bám trụ địa bàn chiến đấu. Đặc biệt, khu vực Cầu Kinh là địa điểm ghi dấu nhiều trận đánh ác liệt nhất và chiến thắng tiêu biểu nhất trong chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc. Đây là chiến công đầy hiển hách của Đảng bộ, quân và dân Long An trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng góp phần làm phá sản chiến lược phản công mùa khô của địch, giúp quân ta giữ vững vùng giải phóng, giành thế chủ động trên chiến trường địa phương; đồng thời, cổ vũ, khích lệ mạnh mẽ phong trào đấu tranh toàn dân ngày càng phát triển. Chiến công này góp phần quan trọng vào thành tích chung của tỉnh, là cơ sở để Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” cho tỉnh vào ngày 17/9/1967.
KDT Cầu Kinh được công nhận di tích cấp tỉnh năm 1993. Năm 2013, KDT này được đầu tư xây dựng với kinh phí gần 4 tỉ đồng, có diện tích 1.200m2. Khi KDT hình thành, ông Nguyễn Văn Kiểm - cựu chiến binh của Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, từng chiến đấu tại khu vực Cầu Kinh, tình nguyện nhận lời đến đây trông nom, giữ gìn KDT cho đến ngày nay.
Người lính già nay đã bước qua tuổi 75 nhưng những ký ức hào hùng về một thời khói lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Ông Kiểm nói: “Là người may mắn sống sót sau cuộc chiến nên tôi tình nguyện đến bảo vệ KDT. Dù thân thể không được lành lặn nhưng mỗi ngày được đốt nhang cho đồng đội là tôi cảm thấy vui. Tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản KDT; đồng thời, giới thiệu đến người dân, nhất là thế hệ trẻ về trận đánh tại khu vực Cầu Kinh”.
2. Phước Vĩnh Tây - mảnh đất với nhiều khó khăn trong thời chiến, nay có nhiều đổi mới. Nhờ thực hiện Nghị quyết 18 của Tỉnh ủy mà các xã vùng hạ nói chung, Phước Vĩnh Tây nói riêng có sự khởi sắc.
Từ sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Những diện tích đất hoang hóa, sình lầy bị nhiễm mặn, không phát huy hiệu quả cho trồng lúa, qua thời gian cải tạo chuyển sang nuôi tôm, đời sống người dân dần được cải thiện so với trước đây. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm đầu tư và vận động của tỉnh, huyện, người dân xã Phước Vĩnh Tây đã có nước sạch sử dụng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân vùng hạ sau mấy chục năm phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Đường quê xã Phước Vĩnh Tây hôm nay
Bí thư Đảng ủy xã Phước Vĩnh Tây - Đặng Minh Giao cho biết, mặc dù vẫn còn khó khăn so với các địa phương khác nhưng đời sống người dân những năm gần đây có sự thay đổi đáng kể. Hiện tại, toàn xã có 45 hộ nghèo, 133 hộ cận nghèo. Xã đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Đường giao thông nông thôn, điện chiếu sáng, nước được quan tâm đầu tư,...
Được sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cảm thấy tự hào. Chị Phương cho biết, tuổi trẻ huyện Cần Giuộc tiếp tục phát huy truyền thống, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện các phong trào xung kích tình nguyện, vì cộng đồng. Đồng thời, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cũng như tích cực hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách, có công với cách mạng; thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Cần Giuộc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
55 năm sau chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ nhưng những dấu ấn về những chiến công oanh liệt mà quân và dân vùng hạ Cần Giuộc đã lập nên vẫn còn nguyên vẹn. KDT Cầu Kinh ngày nay trở thành “địa chỉ đỏ” không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, tinh thần mà còn là tư liệu quý để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay./.
Như Nguyệt