Tiếng Việt | English

16/05/2025 - 14:43

Vệt nắng xuyên Việt: Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La (Bài 5)

Những ngày tháng 4 lịch sử, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu - nguyên Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại Đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng ban Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Long An, đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt bằng ôtô. Chuyến đi cũng là dịp nhà báo được đến tất cả gần 50 tỉnh, thành (từ TP.HCM trở ra) trước khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An xin giới thiệu loạt bài Vệt nắng xuyên Việt của nhà báo.

Bài 5: Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La

Nếu hình dung miền Bắc nước ta như một bàn tay xòe thì khu vực “ngón cái” bao gồm 4 tỉnh miền núi: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Vùng núi xa xôi cách trở ấy, hai mặt tiếp giáp nước bạn Lào và Trung Quốc, đã từng làm “chấn động địa cầu” và ẩn chứa bao điều thú vị khác hấp dẫn du khách.

Từ Lào Cai qua Lai Châu

26_199_xuyen-viet-ky-5-5-.jpg

Cầu kính Rồng Mây - Lai Châu

Chúng tôi đến TP.Lào Cai (tỉnh Lào Cai) không vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng khách du lịch vẫn nhộn nhịp. Đây là thành phố có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và du lịch khi nằm cạnh “viên ngọc” Sa Pa và có cửa khẩu quốc tế với nước bạn Trung Quốc. Đặc biệt, từ khi có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 265km cách đây hơn 10 năm, nối với đường cao tốc Khai Viễn - Hà Khẩu (Trung Quốc) tại Cửa khẩu Kim Thành, là một phần của đường Xuyên Á và dự án phát triển hạ tầng giao thông của Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, TP.Lào Cai ngày càng nhộn nhịp hơn. Tham quan Cửa khẩu Quốc tế Kim Thành - Lào Cai, rồi đi dọc theo sông Hồng là biên giới tự nhiên Việt Nam - Trung Quốc, tôi cảm nhận được tốc độ phát triển giao thương giữa hai nước cũng như những nỗ lực của hai bên giúp lượng hàng hóa khổng lồ thông thương. Có lẽ do vị trí thuận lợi ấy mà TP.Lào Cai tiếp tục là thủ phủ của tỉnh Lào Cai mới sau khi nhập 2 tỉnh Lào Cai - Yên Bái.

Rời TP.Lào Cai, xe chúng tôi lại “leo đèo” mấy chục kilômét lên Sa Pa. Thị trấn Sa Pa ra đời vào năm 1905, khi người Pháp chọn xây dựng khu nghỉ mát cho bộ máy cai trị thuộc địa. Tên "Sa Pa" đọc trại theo tiếng địa phương có nghĩa là "bãi cát". Và cái “bãi cát” ở độ cao 1.600m so với mặt nước biển quanh năm khí hậu mát mẻ này ngày nay trở thành “thỏi nam châm” hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thật khó khăn tìm chỗ gửi xe để đến trạm cáp treo lên đỉnh Phanxipan cao 3.143m. Thật đáng với đồng tiền (giá vé 800.000 đồng/người) khi được trải nghiệm tuyến cáp treo 3 dây hiện đại có chiều dài hơn 6.000m, thời gian di chuyển lên "nóc nhà Đông Dương" chỉ khoảng 15 phút thay vì 2 ngày leo núi hiểm trở trước đây. Tuyến cáp treo đã được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness trao chứng nhận 2 kỷ lục: Cáp treo 3 dây có độ chênh giữa ga đi - ga đến lớn nhất thế giới và Cáp treo 3 dây dài nhất thế giới. Đỉnh Phanxipan ngày tôi đến mờ mịt mây mù, tầm nhìn hạn chế, ảnh check-in không như ý.

Rời thị xã Sa Pa, chúng tôi theo Quốc lộ 4D đi Lai Châu, đoạn đường gần 70km. Vừa vào địa phận tỉnh Lai Châu, chúng tôi “chạm mặt” ngay con đèo khủng mang tên Ô Quy Hồ. Dừng xe trên đỉnh đèo, nhìn về hướng Sa Pa, đỉnh Phanxipan in hình lồng lộng lên nền trời, mây trắng lặng lờ bao quanh. Xuống đèo Ô Quy Hồ, chúng tôi ghé tham quan Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Lần đầu tiên tôi được đi thang máy trong lòng núi, rồi đi trên mặt cầu bằng kính trong suốt ở độ cao mấy trăm mét. Thấy tôi ngập ngừng không dám bước, người hướng dẫn trấn an “Cầu kính đã được thử tải cho ôtô chạy qua trước khi phục vụ du khách”.

TP.Lai Châu đẹp, khang trang nhưng khá vắng. Buổi tối, chúng tôi dạo khắp thành phố, không tìm đâu ra cảnh nhộn nhịp như ở Lào Cai. Đường đèo xa xôi, cách trở đã hạn chế du khách đến với tỉnh vùng biên này. Chúng tôi dùng bữa tối ở một quán ăn do cô gái Thái quán xuyến, còn anh chồng người Kinh chuyên chạy bàn. Cũng là cơm gà như dưới xuôi nhưng cô chủ còn phục vụ món tráng miệng “xôi tím”. Đây là món ăn truyền thống của người dân tộc vùng cao Lai Châu, làm từ gạo nếp nương được ngâm 6-8 giờ trước khi đem đồ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là "khẩu cắm".

Trời Điện Biên mây trắng

26_809_xuyen-viet-ky-5-4-.jpg

Bên mộ anh hùng Phan Đình Giót

Tiếp tục là 200km đường đèo từ TP.Lai Châu đến TP.Điện Biên Phủ, đi qua những địa danh lạ mà quen như Mường Lay, Mường Lát. “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” (Tây Tiến - Quang Dũng). Đến Điện Biên, tôi thấy xung quanh như toàn màu trắng: Hoa ban nở trắng rừng, mây trắng trên đỉnh núi,... Chợt nhớ lời bài hát Anh vẫn hành quân của Huy Du: “Trời Điện Biên mây trắng/Gió lưng đèo chiến thắng/ Tưng bừng trong ánh nắng...”. “Lưng đèo - chiến thắng - tưng bừng”, những cụm từ đó nhắc rằng tôi đang ở Điện Biên.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến tham quan là Khu di tích Hầm chỉ huy tướng Đờ Cát (gọi đầy đủ là Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây từng là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát (De Castries) cùng Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, quân ta đã bắt sống tướng Đờ Cát tại nơi làm việc, lá cờ quyết chiến quyết thắng được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam, ghi dấu chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

26_747_xuyen-viet-ky-5-2-.jpg

Di tích Hầm chỉ huy tướng Đờ Cát

Rồi chúng tôi đến Khu di tích Đồi A1 ở phường Mường Thanh, nơi từng là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Sau nhiều trận chiến vô cùng ác liệt, đến 4 giờ sáng ngày 07/5/1954, quân ta chiếm được đồi A1, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Kế bên Đồi A1 là Nghĩa trang liệt sĩ A1 nằm bên con đường mang tên Võ Nguyên Giáp. Nghĩa trang có 644 phần mộ liệt sĩ, hầu hết chưa rõ danh tính. Chúng tôi thẫn thờ nghiêng mình trước 4 ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can. Tôi đã nhiều lần học và đọc Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn bánh pháo; Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng. Còn anh hùng liệt sĩ Trần Can thì tôi chưa rõ. Lời người thuyết minh: Trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội đánh thọc sâu để tiêu diệt sở chỉ huy địch. Dù hỏa lực quân Pháp bắn ra dữ dội nhưng Trần Can vẫn hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, cắm cờ lên lô cốt. Trần Can hy sinh sáng 07/5/1954, ngay trước thời khắc chiến thắng!

Đào vẫn ra hoa

26_977_xuyen-viet-ky-5-1-.jpg

Cây đào Tô Hiệu (Khu di tích Nhà tù Sơn La)

Chia tay Điện Biên Phủ, chúng tôi tiếp tục vượt 180km đường đèo để đến TP.Sơn La. Dù đã cuối giờ làm việc buổi chiều, chúng tôi vẫn đến viếng Khu di tích Nhà tù Sơn La. Thật may, người trực khu di tích đã khóa cửa, dắt xe ra về nhưng thấy chúng tôi đến từ phương Nam xa xôi, đã mở lại cửa cho chúng tôi tham quan; đồng thời, thuyết minh. Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908 chủ yếu để giam tù thường phạm. Năm 1930, hòng dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao, thực dân Pháp xây dựng mở rộng nhà tù với tổng diện tích hơn 2.000m2. Từ năm 1930-1945, thực dân Pháp đã đày lên đây hơn 1.000 chiến sĩ yêu nước như Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Trân, Trần Huy Liệu, Xuân Thủy,...

Trong cảnh phế tích, khô khốc ở khu nhà lao xưa, có một cây đào xanh tươi đang ra hoa, dưới gốc có tấm biển ghi: “Cây đào Tô Hiệu”. Lời người hướng dẫn: Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, tham gia cách mạng từ khi còn trẻ. Năm 1930, ông bị giặc bắt, đày ra Côn Đảo. Ra tù, Tô Hiệu tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt lại vào tháng 12/1939, bị đưa lên Nhà tù Sơn La. Tô Hiệu bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam trong một gian chéo góc của nhà tù. Ông phải làm việc khổ sai biệt lập, không được tiếp xúc với ai ngoài lính gác. Dù bị đày đọa và bệnh lao hành hạ nhưng Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong “địa ngục trần gian” Nhà tù Sơn La, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ, cảm tình sau đó tham gia cách mạng. Ngày 07/3/1944, Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù. Cây đào trong nhà tù được mang tên ông vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để ghi nhớ tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sĩ kiên cường.

Trải qua chiến tranh, mưa gió, Di tích Nhà tù Sơn La bị phá hủy gần hết nhưng cây đào mang tên Tô Hiệu vẫn còn nguyên vẹn. Cây đào tiếp tục vươn cành và nở hoa như khẳng định sức sống mãnh liệt, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những chiến sĩ cách mạng trung kiên. Chúng tôi tham quan các điểm di tích, mang những cái tên rất lạ như Xà lim ngầm, xà lim chéo, trại ba gian,... Khi được nghe thuyết minh, chúng tôi không khỏi rùng mình ghê rợn vì sự tàn ác của chế độ nhà tù thực dân cũng như tự hào về ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng!./.

Vệt nắng xuyên Việt: Từ đất Tổ Vua Hùng đến Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang (Bài 4) 

Trên đỉnh Núi Rồng xa xa, Cột cờ Lũng Cú vẫn sừng sững trong đêm, lá cờ đỏ thắm được đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng nổi bật trên nền trời đêm.

 (còn tiếp)

Nguyễn Phấn Đấu

Bài 6: Tứ đại danh đèo đất Việt

Chia sẻ bài viết