Xe ôtô là phương tiện vận chuyển thuốc lá lậu bị tạm giữ (Ảnh: D.T)
Liên tiếp bắt nhiều vụ vận chuyển thuốc lá lậu
Thời gian qua, tuyến biên giới dài gần 134km trên địa bàn tỉnh được tăng cường lực lượng và bố trí 36 tổ, chốt với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tuần tra, trực 24/24 giờ nhằm kiểm soát, ngăn ngừa xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với công tác này, các lực lượng, tổ, chốt còn có nhiệm vụ bảo vệ biên giới và phòng, chống tội phạm, buôn lậu.
So với cùng kỳ, hoạt động buôn lậu, nhất là mặt hàng TL có giảm, tuy nhiên, gần đây lại có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trong khoảng 10 ngày cuối tháng 6, lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều vụ vận chuyển TL lậu với số lượng lớn.
Qua ghi nhận, gần đây, các vụ vận chuyển TL lậu được phát hiện, bắt giữ là ở khu vực các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Đơn cử như tại địa bàn huyện Thạnh Hóa, có ngày lực lượng chức năng bắt giữ đến 4, 5 vụ vận chuyển TL lậu với số lượng lớn.
Hay tại thị xã Kiến Tường, tình hình hoạt động vận chuyển TL lậu gần đây gia tăng hơn trước. Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ cho biết: "Nổi cộm nhất là trong tháng 6, tại địa bàn đã phát hiện, bắt vụ tàng trữ, vận chuyển TL nhập lậu với số lượng rất lớn, lên tới 280.000 gói".
Điều đáng nói, chỉ trong 3 ngày, từ ngày 16 đến 18/6/2021, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, bắt 8 vụ buôn lậu, vận chuyển TL ngoại nhập lậu các loại. Tang vật thu giữ trên 35.000 gói TL ngoại các loại và 8 xe ôtô.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Phạm Đức Chinh nhìn nhận, nếu so với cùng kỳ 2020 thì buôn lậu TL 6 tháng đầu năm 2021 có giảm. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn phức tạp, nhất là những ngày cuối tháng 6 có dấu hiệu gia tăng.
"6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh phát hiện, thu giữ hơn 1,1 triệu gói TL lậu, tạm giữ gần 200 xe gắn máy và 71 xe ôtô vận chuyển hàng lậu. So với cùng kỳ năm 2020 chỉ ít hơn 52.000 gói" - ông Chinh cho biết.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu vẫn áp dụng là lợi dụng sơ hở để đưa TL lậu xâm nhập qua biên giới vào ban đêm. Phương tiện vận chuyển TL lậu được phát hiện nhiều là ôtô. Qua xác minh, nhiều ôtô là tang vật vận chuyển TL lậu do các đối tượng thuê, mướn nên không thể tịch thu. Cơ quan chức năng chỉ có thể thẩm định tang vật, quy ra giá trị để cộng vào mức xử phạt đối tượng vận chuyển.
Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều khó khăn, bởi đa số đối tượng vận chuyển là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền nộp phạt. Trong thực tế, nhiều quyết định xử phạt hành chính người vận chuyển TL lậu (dưới 1.500 gói) nhưng chưa được thực hiện nộp phạt.
Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung cho biết, theo quy định của luật thì vận chuyển từ 1.500 gói TL điếu nhập lậu trở lên sẽ bị khởi tố. Tuy nhiên, thời gian qua, có những đối tượng vận chuyển TL lậu tìm cách né tránh. Thực tế, nhiều vụ việc xử phạt hành chính thì đối tượng vi phạm vận chuyển 1.400 gói, thậm chí là 1.490 hay 1.499 gói.
Thuốc lá lậu bị thu giữ
Phải đồng bộ giữa kiểm soát, bắt giữ với tuyên truyền, vận động
Một trong những nguyên nhân được Ban Chỉ đạo chỉ ra dẫn đến buôn lậu TL những ngày gần đây diễn biến phức tạp là do giá TL ngoại ở thị trường nội địa và bên phía Campuchia có sự chênh lệch khá cao. Từ đó, các đối tượng buôn lậu luôn tìm cách để đưa TL ngoại vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Hiện nay, giá TL ngoại chênh lệch khá cao (TL ngoại nhãn hiệu Jet có giá từ 23.000-27.000 đồng/gói, TL ngoại nhãn hiệu Hero có giá từ 21.000-24.000 đồng/gói, tăng từ 4.000-9.000 đồng/gói so với thời điểm trước tháng 3/2021. Một thùng TL ngoại (500 gói), sau khi đưa lọt qua biên giới thì đối tượng buôn lậu thu lãi từ 500.000-750.000 đồng.
Những năm qua, nhiều vụ vận chuyển TL lậu, lực lượng chức năng thu giữ tang vật nhưng không bắt được đối tượng. Do đó, nhiều vụ việc đã khởi tố vụ án (từ 1.500 gói trở lên) nhưng sau đó phải đình chỉ vì không xác định được bị can. Trước thực tế này, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phải có giải pháp hữu hiệu vừa thu giữ được tang vật, vừa bắt được cả người vận chuyển để xử lý theo quy định pháp luật. Do đó, gần đây, việc bắt giữ cả người và thu giữ tang vật đạt hiệu quả hơn, số bị can tàng trữ, vận chuyển TL lậu bị khởi tố tăng nhiều hơn so với trước.
"6 tháng đầu năm 2021, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố 52 vụ, 56 đối tượng vận chuyển hàng lậu. So với cùng kỳ năm 2020, tăng 26 vụ, 22 đối tượng" - Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho rằng, thời gian qua, trên tuyến biên giới, lực lượng chức năng tăng cường lực lượng và bố trí các tổ, chốt kiểm soát để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng tại sao gần đây, hoạt động buôn lậu TL vẫn phức tạp? Địa bàn nội địa vẫn phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển TL lậu từ biên giới vào với số lượng lớn. Điều đó có phải vẫn còn sơ hở nên các đối tượng buôn lậu né tránh, luồn lách? Vấn đề này phải đặt ra để các lực lượng bịt những lỗ hổng, có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hơn.
Đồng thời, ông Nguyễn Văn Út cho rằng, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong phòng, chống buôn lậu vẫn còn những hạn chế, có lúc chưa chặt chẽ nên cần đánh giá cụ thể vấn đề này để thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Để đạt hiệu quả cao, phải xác định rõ đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, mặt hàng trọng tâm, trọng điểm để kiểm tra, thanh tra, tránh dàn trải và chồng chéo giữa các lực lượng chức năng.
Các cấp, các ngành cần quan tâm thực hiện rà soát, nắm bắt các đầu nậu buôn lậu, người tiếp tay cho buôn lậu để có giải pháp phòng, chống phù hợp. Ngoài tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thì phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ buôn lậu, không tiếp tay, tham gia vận chuyển hàng lậu. Khi người dân ở biên giới tích cực tham gia phòng, chống, tố giác buôn lậu thì chắc chắn buôn lậu sẽ giảm mạnh.
"Trong nhiều vụ buôn lậu bị phát hiện, bắt giữ ở địa bàn biên giới, có người ở các địa phương khác đến. Cái này, chúng ta phải đặt ra thắc mắc, vì sao người ở một nơi xa lạ đến mà vẫn thông thuộc địa bàn biên giới, rồi biết điểm tập kết, nhận hàng lậu, vận chuyển vào nội địa tiêu thụ? Phải chăng, ở đây có sự tiếp tay của đối tượng, đường dây nào tại địa phương? Tôi đề nghị, các cấp, các ngành kiểm tra, xác minh, làm rõ có sự tiếp tay của người tại địa bàn biên giới hay không để có biện pháp phòng, chống buôn lậu đạt hiệu quả cao hơn" - Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út nhấn mạnh./.
6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh phát hiện, thu giữ hơn 1,1 triệu gói thuốc lá lậu, tạm giữ gần 200 xe gắn máy và 71 xe ôtô vận chuyển hàng lậu. Ngoài ra, cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 52 vụ, 56 đối tượng vận chuyển hàng lậu. So với cùng kỳ năm 2020, tăng 26 vụ, 22 đối tượng. |
Lê Đức