Đã gần một thập kỷ kể từ khi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc giành được chỗ đứng tại Malaysia và bất chấp những thỏa thuận lớn mà hai bên ký kết trong giai đoạn 5 năm đầu tiên, nhiều dự án trong khuôn khổ BRI đã rơi vào tình trạng bế tắc, thậm chí bị hủy bỏ.
Lễ công bố dự án ERCL hồi tháng 9/2017. Ảnh: AP
Hàng loạt dự án bị khai tử
Chỉ có rất ít dự án được giữ lại, trong số này có dự án đường sắt kết nối bờ biển phía Ðông (ECRL) mà Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố sẽ nối lại và hoàn thành theo Kế hoạch Malaysia lần thứ 12. Dự án đường sắt trị giá 50 tỷ ringgit Malaysia (11,9 tỷ USD) nối bờ biển phía Đông và phía Tây của Malaysia, đã phải trải qua nhiều cuộc đàm phán và tái cơ cấu sau khi bị cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad tạm hoãn vào năm 2018.
ECRL là một trong nhiều dự án của BRI bị đình trệ trong bối cảnh xuất hiện cáo buộc chính quyền cựu Thủ tướng Najib Razak đã đồng ý với Trung Quốc về các “thỏa thuận bất bình đẳng” với giá được thổi phồng để cứu vãn quỹ đầu tư nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB) vốn bị ngập trong nợ nần, bê bối. Tuy vậy, cả Bắc Kinh và ông Najib Razak đều bác bỏ cáo buộc này.
Sự hoài nghi ngày càng gia tăng sau khi chính quyền cựu Thủ tướng Mahathir truy cập vào các tài liệu mật, được gọi là “tài liệu đỏ” và phát hiện ra những điều khoản mà Malaysia cho là “đáng ngờ” liên quan đến một số lượng lớn dự án thuộc BRI của Trung Quốc, trong đó có ECRL và hai dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt.
Chính quyền Mahathir cho biết, ECRL đã được thổi phồng lên đến 30 tỷ ringgit để trả các khoản nợ của Quỹ 1MDB, trong khi đó, chỉ có 15% công trình xây dựng của dự án được hoàn thành và chỉ 33% kinh phí (tương đương 20 tỷ ringgit) trong tổng số toàn bộ chi phí 60 tỷ USD dành cho dự án được chi trả.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt tại Sabah, khi chỉ có 13% dự án được hoàn thành, mặc dù 88% kinh phí dự án (tương đương 8,3 tỷ ringgit) đã được trả cho các nhà thầu.
Ngoài ra, 2 dự án xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt cũng một đường ống dẫn dầu kết nối bang Malacca với nhà máy lọc dầu và hóa chất ở bang Johor cũng bị hủy bỏ.
Dự án ECRL dù gây tranh cãi nhưng cuối cùng đã được khôi phục lại sau các cuộc đàm phán, tuy vậy nhiều dự án khác của BRI vẫn trong tình trạng lấp lửng.
Nỗ lực để khởi động lại dự án bất động sản dân cư và thương mại Bandar Malaysia do Công ty TRX City (thuộc Bộ Tài chính Malaysia) và Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc phối hợp thực hiện tại quận Sungai Besi đã thất bại vào đầu tháng 7/2021 do các bên liên quan không thể thống nhất những điều khoản chung.
Bên cạnh đó, triển vọng đối với dự án ''Cửa ngõ Malacca'' (Malacca Gateway) trị giá 43 tỷ ringgit cũng không mấy sáng sủa sau khi chính quyền bang Malacca hủy bỏ thỏa thuận với nhà thầu KAJ Development vì sau nhiều năm, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”. KAJ Development đã hợp tác với 3 công ty Trung Quốc để thực thi dự án này, trong đó có Công ty năng lượng quốc doanh Trung Quốc PowerChina. Được đề xuất năm 2014, dự án từ lâu đã được xem như một “con voi trắng” với kế hoạch xây dựng một cảng nước sâu, cũng như khách sạn, khu nhà ở sang trọng và nhiều địa điểm du lịch khác nhau.
Ngeow Chow Bing - Chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Malaya nhận định, việc chấm dứt dự án ''Cửa ngõ Malacca'' sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác về Sáng kiến Vành đai và Con đường vì dự án này không liên quan đến lập trường chính sách đối ngoại của Malaysia. “Đó chỉ là một dự án thất bại”, ông nói.
Forest City - công ty con của Tập đoàn phát triển bất động sản Country Garden Holdings (có trụ sở ở Quảng Đông, Trung Quốc) đã phải cắt giảm nhân sự tại Malaysia xuống còn 500 người vào tháng 6 năm nay sau 3 đợt điều chỉnh nhân sự trong vòng 18 tháng. Trước đó vào năm 2019, con số này là 1.700 người. Doanh thu bất động sản của Forest City đã bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nỗ lực cứu vãn của Trung Quốc
Malaysia không phải là quốc gia duy nhất đình chỉ một loạt dự án BRI của Trung Quốc. Nhiều quốc gia khác cũng làm điều tương tự do lo ngại bị ngập trong nợ nần với những dự án không mang tính khả thi hoặc không cần thiết.
Tiến sỹ Agatha Kratz, Phó Giám đốc công ty tư vấn Rhodium Group thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, đại dịch Covid-19 chỉ góp phần nêu bật xu hướng đã tồn tại trước đó, khi mà nhiều dự án của Trung Quốc ở nước ngoài bị đình chỉ do lo ngại về các khoản nợ bền vững.
“Đại dịch đã khơi lại toàn bộ câu chuyện về ngoại giao bẫy nợ (đối với BRI). Và truyền thông quốc tế đã bắt đầu chú ý đến những thất bại của các dự án đó. Đã có những cái nhìn không mấy tích cực về BRI”.
Theo chuyên gia này, nhiều quốc gia đã lựa chọn trì hoãn hoặc đàm phán lại một số điều khoản trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích liên quan đến tính bền vững của các dự án BRI.
Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế ở các nước tiếp nhận đầu tư của Trung Quốc bị suy giảm, khi dòng chảy thương mại và du lịch bị gián đoạn do các đợt phong tỏa kéo dài. Điều này có thể khiến việc triển khai các dự án BRI bị chậm trễ. Tuy vậy, Bắc Kinh cần phải thuyết phục các nước liên quan rằng, việc chấp nhận các khoản vay sẽ không khiến họ rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ, tiến sỹ Agatha Kratz lưu ý.
Nghiên cứu của AidData đối với 13.427 dự án do Trung Quốc hỗ trợ ở 165 quốc gia trong vòng 18 năm, với giá trị lên tới 843 tỷ USD cho thấy, 35% số dự án của BRI đang phải đối mặt với các cáo buộc như gây ô nhiễm môi trường và vi phạm luật lao động. Theo AidData, nhiều dự án với tổng giá trị 11,58 tỷ USD tại Malaysia đã bị hủy bỏ trong giai đoạn 2013-2021, tại Kazakhstan con số này là gần 1,5 tỷ USD và ở Bolivia là 1 tỷ USD.
Kể từ đó, Trung Quốc đã thực hiện các bước đi cần thiết để tạo ra một BRI “xanh và sạch” thông qua Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số và Con đường Tơ lụa Y tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, tính đến ngày 20/10/2020, Trung Quốc đã hỗ trợ 150 quốc gia, 7 tổ chức quốc tế và xuất khẩu hơn 179 tỷ khẩu trang, 1,73 tỷ bộ quần áo bảo hộ và 543 triệu bộ dụng cụ thử nghiệm,
Malaysia cũng được hưởng lợi từ sự hỗ trợ y tế của Trung Quốc với việc tiếp nhận 1,5 triệu liều vaccine Sinovac. Tuy vậy, nước này vẫn chưa có kế hoạch đáp lại sự ưu ái đó bằng cách thỏa hiệp hoặc nhất trí với các điều khoản có lợi hơn cho Trung Quốc.
Những hoài nghi xung quanh các dự án BRI và căng thẳng ngày càng gia tăng liên quan đến vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đã thử thách quan hệ giữa hai nước trong thời gian gần đây. Theo đánh giá của chuyên gia Ngeow, quan hệ song phương “đã trở nên nguội lạnh hơn và thực tế hơn”. Trong bối cảnh Malaysia đang gồng mình đối phó đại dịch Covid-19 và ổn định tình hình chính trị trong nước, có thể phải mất một thời gian nữa, hai bên mới có thể tiếp tục thương thảo về các dự án BRI./.
Hồng Anh/VOV.VN