Tiếng Việt | English

06/09/2017 - 11:50

Việt Nam dự hội nghị tư lệnh lực lượng quốc phòng châu Á-TBD

Đoàn đại biểu Việt Nam được mời dự hội nghị khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới thông qua hoạt động tại các diễn đàn đa phương và song phương về quân sự-quốc phòng.

(Ảnh minh họa. Trọng Đức/TTXVN)

Từ 04-06/9, Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 20 (CHOD-20) với chủ đề bao trùm “Môi trường an ninh tương lai: Các thách thức, sự phức tạp và hợp tác" đã diễn ra tại thành phố Victoria của Canada.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị theo lời mời của Đô đốc Harry.B.Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Đại tướng Jonathan.H.Vance, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Canada.

Bên cạnh các hoạt động chính thức của Hội nghị CHOD lần thứ 20, Thượng tướng Phan Văn Giang còn có các cuộc gặp song phương với Trưởng Đoàn đại biểu của một số nước. Thượng tướng Phan Văn Giang và các Trưởng Đoàn đã chia sẻ những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Việc Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương lần này tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam đối với khu vực và thế giới thông qua hoạt động tại các diễn đàn đa phương và song phương về quân sự-quốc phòng. Qua đó, góp phần khẳng định chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và chủ trương tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

[Việt Nam khẳng định vị thế đối với thế giới tại các diễn đàn CHOD-20]

Hội nghị lần này có sự tham gia của 27 nước, trong đó khu vực Đông Nam Á có bảy nước, Nam Á ba nước, châu Đại Dương bốn nước, các khu vực khác chín nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận ba chuyên đề chính, gồm “Các xu hướng trong khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương;" “Phòng, chống Chủ nghĩa cực đoan bạo lực” và “Các hoạt động hỗ trợ hòa bình." Trong đó, chuyên đề “Các xu hướng trong khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương” nêu rõ những xu hướng đang nổi lên về dân số, kinh tế, môi trường, xã hội, khoa học và công nghệ... sẽ tiếp tục định hình môi trường an ninh tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương. Những xu hướng này sẽ tác động và ảnh hưởng tới việc hoạch định kế hoạch quốc phòng về mặt chiến lược.

Chuyên đề “Phòng, chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực” đề cập đến những tác động và hậu quả của chủ nghĩa cực đoan, khủng bố đối với cộng đồng quốc tế. Lực lượng vũ trang các nước khu vực Ấn Độ Dương- châu Á-Thái Bình Dương cần sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu nhằm phân tích, nhận dạng và chống các phần tử cực đoan, bạo lực, cũng như các mạng lưới ủng hộ những lực lượng này.

Chuyên đề “Các hoạt động hỗ trợ hòa bình” nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của hoạt động này trong bối cảnh nổi lên những thách thức an ninh đa dạng, đòi hỏi lực lượng vũ trang các nước tăng cường hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chuyên đề cũng đồng thời nêu quan điểm hợp tác, hỗ trợ trong các lĩnh vực như cảnh báo sớm, ngăn ngừa xung đột, tiến hành đối thoại, hòa giải và kiến tạo hòa bình, an ninh... Dưới sự trình bày của các học giả tên tuổi, các chuyên đề trên đã thu hút sự quan tâm sâu của các thành viên tham dự./.  

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết