Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Từ năm 2017 đến nay, HTX Nông nghiệp Hưng Phú (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) tổ chức sản xuất lúa theo hướng bền vững của dự án VnSAT gắn với việc ứng dụng công nghệ cao và thực hiện 3 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tổng diện tích 1.218ha (chiếm 21,3% tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao toàn huyện).
Theo đó, trước khi vào vụ, các công đoạn xử lý đất, diệt cỏ, cách ly thuốc hóa học được thực hiện rất kỹ. Hiện tại, các giống lúa được thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Phú sử dụng để canh tác là ST 24, ST 25, OM 18,... Toàn bộ sản lượng lúa của các thành viên đều được HTX bao tiêu để xay xát, đóng gói và tiêu thụ ở thị trường trong, ngoài tỉnh.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Phú thu hoạch lúa
Thông tin từ HTX Nông nghiệp Hưng Phú cho biết: “HTX Nông nghiệp Hưng Phú được thành lập vào tháng 6-2015, hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực trồng trọt và dịch vụ phát triển nông nghiệp. Hiện nay, HTX là 1 trong 16 HTX điểm của tỉnh và là 1 trong 4 HTX điển hình của tỉnh. Năm 2021, tổng doanh thu của HTX là 1,2 tỉ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng; dự kiến năm 2022 tổng doanh thu đạt 1,3 tỉ đồng, lợi nhuận 230 triệu đồng. Nguồn lợi nhuận này, Hội đồng Quản trị HTX thống nhất không chia mà để mua sắm thêm đất làm máng tưới, máy móc cơ giới làm dịch vụ”.
Hiện nay, huyện Vĩnh Hưng đã có nhiều HTX tự ký kết hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp với diện tích gần 250ha lúa. Đặc biệt, doanh thu bình quân của một HTX đạt 550 triệu đồng/năm; lãi bình quân đạt 177 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX đạt 10 triệu đồng/năm. HTX Sản xuất Nông nghiệp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng), với diện tích sản xuất hơn 500ha lúa, năm nào 65 thành viên của HTX cũng đều có lợi nhuận, bởi khi xuống giống HTX đã ký kết được hợp đồng với các công ty cung ứng toàn bộ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu đầu ra cho 100% sản lượng lúa của HTX với giá cao hơn thị trường từ 500 - 1.000 đồng/kg.
Giám đốc HTX Sản xuất Nông nghiệp Vĩnh Thuận - Nguyễn Thị Diệu Ngân chia sẻ: “So với mặt bằng chung thì thu nhập của các thành viên trong HTX cao hơn nông dân bên ngoài từ 2 - 4 triệu đồng/ha/vụ. Do giá lúa bán được cao hơn cũng như các công đoạn sản xuất lúa đều có sự tiết giảm phù hợp”.
Thu nhập của các thành viên hợp tác xã Sản xuất Nông nghiệp Vĩnh Thuận cao hơn từ 2-4 triệu đồng/ha so với bên ngoài
Tăng sức cạnh tranh
Tính đến nay, huyện Vĩnh Hưng củng cố và thành lập được 11 HTX với hơn 540 thành viên, trong đó có 10 HTX trồng trọt, 1 HTX chăn nuôi hoạt động theo Luật HTX kiểu mới với tổng vốn hoạt động của HTX trên 13,8 tỉ đồng, tổng giá trị tài sản của HTX gần 9,8 tỉ đồng. Song song đó, huyện đã nâng chất 102 tổ hợp tác sản xuất hoạt động hiệu quả.
Theo ngành Nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng, trong năm nay, huyện đã thực hiện 5 dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 7 doanh nghiệp. Trong đó, có 5 mô hình doanh nghiệp liên kết với HTX, diện tích liên kết là 250ha với 39 hộ tham gia, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện lên từ 20-30% so với hình thức bán qua thương lái trước đây. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn thông tin: “Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện hoạt động theo Luật HTX kiểu mới cho hiệu quả rất cao, nông dân tham gia HTX đều tự nguyện đóng góp, Ban quản trị hoạt động có nhiều đổi mới trong quá trình lãnh đạo, có tính toán mở các dịch vụ để giảm giá thành sản xuất, đưa HTX ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, nhiều HTX đã góp phần tạo ra sản lượng nông sản lớn với chất lượng và giá thành sản xuất thấp, có sức cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp ký kết thu mua trong thời gian dài”.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, các loại hình HTX đang dần trở thành một xu hướng trong hoạt động hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt ở khu vực nông thôn nhằm khai thác, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh. Nhiều HTX thành lập tạo được mối liên kết và mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, chuyên canh, từng bước giúp xóa bỏ sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ, tự phát, đưa người dân vào sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, sản xuất bền vững. Từ đó, tạo thêm nhiều công ăn việc làm tại chỗ, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần ổn định cơ cấu lao động nông thôn, gia tăng thu nhập cho người dân, thực hiện hiệu quả công cuộc phát triển toàn diện KT - XH địa phương.
Để không còn nỗi lo “được mùa, mất giá”, việc quan tâm phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp đã cho thấy quyết tâm thực hiện liên kết sản xuất, để từng bước mang lại hiệu quả bền vững cho nông dân; đồng thời, từng bước tìm lời giải cho bài toán đầu ra cho nông sản./.
Bùi Tùng