Trên những công trình trọng điểm
Hạ tầng giao thông nông thôn của huyện Tân Thạnh ngày càng hoàn thiện (Ảnh: Chí Tâm)
Xác định giao thông là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển KT-XH, thời gian qua, huyện Tân Thạnh đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông. Đến nay, mạng lưới giao thông phát triển rộng khắp, các tuyến đường huyết mạch của huyện đều được nhựa hóa. 100% xã có đường nhựa hoặc bêtông đến trung tâm. Hệ thống đường giao thông liên xóm, ấp hầu hết được cứng hóa. Bên cạnh đó, huyện ưu tiên nguồn lực để kết nối các tuyến giao thông nông thôn với Quốc lộ 62, Quốc lộ N2, Đường tỉnh 837, Đường tỉnh 829,...
Anh Nguyễn Thanh Loa (xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “So với trước đây thì hiện nay, diện mạo huyện thay đổi rõ rệt. Trong đó, nổi bật là hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, giúp người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện vận chuyển hàng hóa, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.
Nhiệm kỳ 2020-2025, huyện có 2 công trình trọng điểm là Dự án (DA) xây dựng đường số 3 gắn với khai thác quỹ đất cặp đường số 3 và DA nâng cấp, mở rộng tuyến đường bờ Đông kênh Cà Nhíp.
Thông tin từ Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng huyện Tân Thạnh, DA xây dựng đường số 3 gắn với khai thác quỹ đất cặp đường số 3 có tổng chiều dài tuyến chính là 968,78m từ thị trấn Tân Thạnh đến Quốc lộ N2 với nền đường rộng 26m, mặt đường rộng 14,5m, trải bêtông nhựa nóng dày 7cm, thiết kế đường đô thị, tổng mức đầu tư gần 170 tỉ đồng. Còn DA nâng cấp, mở rộng tuyến đường bờ Đông kênh Cà Nhíp có tổng kinh phí trên 77,8 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến 8,4km, từ đường Lê Duẩn thuộc địa bàn thị trấn Tân Thạnh đến kênh Hai Hạt thuộc địa bàn xã Tân Hòa giúp kết nối giao thông thông suốt đến địa phận huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Đường bờ Đông kênh Cà Nhíp được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2023 (Ảnh: Chí Tâm)
Theo Giám đốc Ban Quản lý DA Đầu tư xây dựng huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thành Kha, công trình xây dựng đường số 3 gắn với khai thác quỹ đất cặp đường số 3 đã thực hiện đạt trên 76% kế hoạch. Còn công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường bờ Đông kênh Cà Nhíp đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Đây là 2 tuyến đường rất quan trọng giúp kết nối, mở ra hướng phát triển cho huyện Tân Thạnh.
Ông Ngô Đức Lợi (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh) bày tỏ: “Tuyến đường bờ Đông kênh Cà Nhíp trước đây mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi gây khó khăn cho đời sống và sinh hoạt của người dân. Khi tuyến đường được khởi công xây dựng, người dân trên tuyến đường này ai nấy đều rất phấn khởi”.
Nhờ được quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, huyện Tân Thạnh - vùng đất được xem là cái nôi của cách mạng, với Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, đang vươn mình “thay da, đổi thịt” từng ngày. Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động nhộn nhịp,... tất cả là minh chứng cho sự no ấm của người dân nơi đây.
Phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới
Một góc huyện Tân Thạnh nhìn từ trên cao (Ảnh: Chí Tâm)
Xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện Tân Thạnh tập trung thực hiện các giải pháp và huy động mọi nguồn lực phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2024.
Toàn huyện Tân Thạnh hiện có 8 sản phẩm OCOP hạng 3 sao
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, đến nay, huyện có 12/12 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện đạt 3/9 tiêu chí huyện NTM. Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM giúp diện mạo các địa phương trên địa bàn huyện nói riêng và diện mạo huyện nói chung ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư, chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng lên,...
Nhờ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã và sự đoàn kết của người dân, phong trào XDNTM nâng cao của xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh có sự chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng của xã ngày càng phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Quốc Thuận (ấp Đá Biên, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) bộc bạch: “Hơn 30 năm gắn bó với vùng đất này, tôi thấy rõ sự phát triển của địa phương. Từ khi chính quyền và người dân chung tay XDNTM và NTM nâng cao, nhiều công trình thiết yếu phục vụ đời sống người dân được xây dựng; đường sá mở rộng, nhựa hóa, bêtông hóa, tạo thuận lợi cho di chuyển, giao thương hàng hóa; cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; đời sống người dân ngày càng được nâng lên”.
Chủ tịch UBND xã Kiến Bình - Trần Thanh Hưng cho biết: “Với mục tiêu tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xã xác định XDNTM là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, xã quyết tâm giữ vững và nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt, hướng đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới”.
Tự hào là quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Thạnh luôn ra sức thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, góp phần đưa địa phương trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo thông tin: “Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện NTM trong năm 2024, huyện Tân Thạnh rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành, sự tập trung, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng lòng, chung sức nhân dân huyện nhà”.
Mùa xuân mới lại về mang theo những cơ hội mới đến với quê hương cách mạng Tân Thạnh. Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện quyết tâm phấn đấu hơn nữa thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra để đưa huyện phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương./.
Bùi Thanh Tùng