Vùng đất anh hùng chuyển mình
Trong ký ức của nhiều người dân địa phương, địa danh rừng tràm, bàng, đưng xã Đông Thuận anh hùng (nay là xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa) là căn cứ địa cách mạng, nơi gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Thuận Nghĩa Hòa - Phạm Văn Toàn cho biết: “Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc xâm lược, Đảng bộ và nhân dân địa phương đấu tranh kiên cường, dũng cảm, phối hợp lực lượng vũ trang của tỉnh, vùng tổ chức chiến đấu lập nên những chiến công oanh liệt, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, trong đó có 125 lính Mỹ, bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, tàu chiến và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Sự cống hiến và hy sinh của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân Thuận Nghĩa Hòa được Đảng và Nhà nước ghi công phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân””.
Cầu giao thông trên địa bàn xã Thuận Nghĩa Hòa được quan tâm đầu tư xây dựng giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng
Tuy nằm trên vùng đất không có nhiều ưu đãi về điều kiện tự nhiên nhưng dưới sự quan tâm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn của người dân địa phương, vùng căn cứ cách mạng dần hồi sinh tươi tốt với những cánh đồng lúa bạt ngàn, những con đường trải nhựa, bêtông khang trang đến tận xóm, ấp. Những công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang làm cho vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.
Theo ông Phạm Văn Toàn, tuy điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn nhưng địa phương tập trung xây dựng đê bao lửng, tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư cho sản xuất; đồng thời, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Hàng năm, xã duy trì diện tích gieo trồng lúa trên 1.800ha (trong đó, diện tích cánh đồng lớn 120ha), năng suất bình quân đạt trên 6 tấn/ha/năm. Đi đôi phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội được quan tâm. Ngoài giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, xã còn quan tâm đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, gia đình chính sách. Qua đó, góp phần giảm hộ nghèo của xã còn 27 hộ (chiếm 1,44%).
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được quan tâm thực hiện. Các tuyến đường trục ấp được cứng hóa đạt 92% (18,3km), trục ngõ, xóm và trục chính nội đồng được rải đá xanh đạt 100%, bảo đảm không lầy lội và vận chuyển hàng hóa quanh năm; 100% hộ dân có điện sử dụng; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,6 triệu đồng/năm. Kết quả trên góp phần giúp xã đạt 16/19 tiêu chí NTM.
Phấn khởi trước sự thay đổi diện mạo quê hương, ông Mai Tấn Phát (ấp Vàm Lớn, xã Thuận Nghĩa Hòa) nói: “Là địa phương chịu nhiều hậu quả của chiến tranh nên trước đây, đời sống người dân khổ lắm, phương tiện đi lại chủ yếu bằng xuồng. Những năm qua, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cho vay vốn làm ăn nên đời sống người dân ngày càng khấm khá. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” cùng sự hỗ trợ của mạnh thường quân, hệ thống cầu, đường giao thông được đầu tư xây dựng khang trang nên người dân đi lại, lưu thông vận chuyển hàng hóa dễ dàng”.
Đất anh hùng vững bước đi lên
Người dân xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành ai cũng tự hào khi nhắc về truyền thống cách mạng của quê hương. Nơi đây là căn cứ địa vững chắc trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước, Đảng bộ, quân và dân xã dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ, đấu tranh kiên cường, bền bỉ giữ đất, giữ làng.
Trong đó, chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố là một trong những chiến thắng vang dội trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên đất Long An, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 07/5/1954), kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương. Ngày nay, trên địa bàn xã có Khu di tích lịch sử Nguyễn Thông, Miễu Bà Cố, Bia chiến thắng,... là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bộ mặt nông thôn xã Phú Ngãi Trị được đầu tư xây dựng khang trang (Ảnh tư liệu)
Vượt qua khó khăn, thử thách, Phú Ngãi Trị hôm nay vững bước đi lên, hòa nhịp cùng với sự phát triển của đất nước. Bí thư Đảng ủy xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Minh Trung cho biết: “Trải qua những năm tháng chiến tranh, nơi đây chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng người dân luôn tự hào khi quê hương là “cái nôi” của cách mạng. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng, người dân tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020”.
Toàn xã có trên 800ha thanh long ruột đỏ, số diện tích nông nghiệp còn lại trồng hoa màu, một số ít hộ chăn nuôi heo, gà, bò. Xã có mô hình sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP. Nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Hệ thống thủy lợi được nạo vét tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện Đề án sản xuất 245ha thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với thành lập tổ hợp tác. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ có 14 triệu đồng thì hiện nay đạt trên 66 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn 0,63% (14 hộ). Người dân sử dụng nước sạch đạt trên 84%. Đường giao thông, hệ thống chiếu sáng nối liền về các ấp, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.
Nơi từng có đám lá tối trời
Về lại xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ - nơi được biết đến với cái tên Đám lá tối trời trong thời kỳ kháng chiến. Đây từng là căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ kháng chiến của tỉnh trong suốt 30 năm (1945 - 1975). Ngày 16/8/1948, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, dùng xe bọc thép và tàu chiến bao vây căn cứ hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng đang trú đóng tại đây. Tuy nhiên, những cuộc hành quân của chúng liên tiếp thất bại vì gặp phải địa hình phức tạp, phía dưới thì sình lầy, trên thì âm u, rậm rạp, khó tìm được lối ra vì không thông thạo địa hình.
Nhựt Ninh phát triển với những đầm nuôi tôm trù phú, những ngôi nhà mái ngói mọc lên ngày càng nhiều (Ảnh tư liệu)
Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Trần Hồng Phong cho biết: “Trong hai cuộc kháng chiến, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng, bị địch đánh phá rất ác liệt, chịu đựng bom cày, đạn xới. Thế nhưng, với lòng yêu nước, người dân vẫn trung kiên bám trụ, một lòng theo Đảng. Khi hòa bình được lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền xã, nhất là từ khi có phong trào XDNTM, địa phương có những bước phát triển vượt bậc. Điện, đường, trường, trạm đều được xây dựng khang trang. Căn cứ cách mạng năm nào giờ trở thành những đầm nuôi tôm trù phú, những ngôi nhà mái ngói mọc lên san sát. Đám lá tối trời còn lại chăng chỉ là những rặng dừa nước lưa thưa ven sông”.
Trường học trên địa bàn xã Nhựt Ninh được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu dạy và học
Toàn xã có 260ha đất nuôi tôm và 70ha đất trồng thanh long và lúa. Giờ đây, người dân Nhựt Ninh không còn lo đến chuyện “ăn no, mặc ấm” mà chỉ nghĩ đến chuyện làm giàu. Hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2,58% (49/1.899 hộ). Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bêtông hóa đạt 100% theo chuẩn NTM. Người dân sử dụng nước sạch đạt 67%. Nhựt Ninh có 62 Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện còn sống 1 mẹ) và hơn 500 hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng. Công tác chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo luôn được xã quan tâm.
Vùng căn cứ cách mạng của Đảng bộ, quân và dân trên địa bàn tỉnh đang vững bước trên con đường đổi mới. Nhằm xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương, Đảng bộ và chính quyền các địa phương tiếp tục đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày thêm trù phú, đời sống người dân ngày càng nâng cao./.
Ngọc Mận