Đẩy mạnh phát triển kinh tế
Khánh Hưng là xã thuần nông, với trên 4.500ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Thời gian qua, do giá cả bấp bênh nên diện tích đất sản xuất lúa giảm 130ha so với đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, năng suất và sản lượng bình quân đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết, đạt 57.654 tấn/năm. Việc thực hiện chương trình đột phá về xây dựng cánh đồng lớn, chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn được cấp ủy tập trung quan tâm lãnh, chỉ đạo, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển đúng hướng và có hiệu quả hơn.
Diện mạo xã vùng biên Khánh Hưng không ngừng đổi mới
Theo kế hoạch, đến năm 2020, diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn xã là 1.000ha nhưng tính đến cuối năm 2019, xã đã thực hiện ứng dụng công nghệ cao trên 967ha, đạt 96,7% kế hoạch. Hiện nay, toàn xã có 17 tổ liên kết sản xuất và 2 hợp tác xã nông nghiệp, bước đầu hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Bên cạnh đó, người dân còn trồng cây ăn trái với diện tích 57ha, gồm: 31ha sầu riêng, 16,5ha bưởi, 4ha thanh long, 3ha dừa, 2,5ha mít, hoặc trồng xen canh “2 lúa, 1 mè”, giúp tăng thu nhập đáng kể.
Chủ tịch UBND xã - Bùi Văn Hiệu cho biết, cùng với phát triển nông nghiệp, trên địa bàn xã có 4 doanh nghiệp, 297 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Giá trị sản xuất trên lĩnh vực này ước đạt khoảng 70 tỉ đồng/năm, chiếm 20% cơ cấu kinh tế. Giao thương qua lại biên giới ngày càng phát triển mạnh, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 2,44% (nghị quyết là dưới 3%). Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 trên 45 triệu đồng (năm 2015 là 31,5 triệu đồng).
Nâng chất xã nông thôn mới
Khánh Hưng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Gần 6 năm qua, diện mạo của xã tiếp tục có nhiều đổi thay, nhất là cảnh quan môi trường nông thôn và các công trình phục vụ cộng đồng. Ông Đỗ Thành Trí, ngụ ấp Gò Châu Mai, nói: “Tôi quê ở An Giang nhưng lên xứ này lập nghiệp cũng hơn 20 năm rồi. Thuở đó, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Đất bị nhiễm phèn, đê bao cũng chưa có nên việc sản xuất vô cùng vất vả. Ấy vậy mà nay, cái gì cũng được đầu tư, nâng cấp. Đời sống người dân nâng lên rất nhiều”.
Thật vậy! Về Khánh Hưng hôm nay, giao thông đường bộ được kiến cố hóa, kết nối đến từng nhà dân. Việc vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp không còn phụ thuộc nhiều vào ghe, xuồng. Hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân. Theo Chủ tịch UBND xã - Bùi Văn Hiệu, những năm qua, xã kết hợp nhiều nguồn vốn và thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” khi xây dựng các công trình, gắn với bảo đảm công khai, minh bạch và có sự giám sát của cộng đồng.
Các đài nước được đầu tư, nâng cấp để cung cấp nước sạch cho người dân
Từ sự năng động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, các hạng mục xây dựng cơ bản trong nhiệm kỳ 2015-2020 đều đạt chất lượng, phát huy hiệu quả. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thông tin từ UBND xã, trên địa bàn có 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia. Trạm Y tế xã đáp ứng tốt việc khám, chữa bệnh ban đầu của nhân dân. Các thiết chế văn hóa ngày càng hoàn thiện. Hệ thống nước sạch tiếp tục được nâng cấp, phục vụ cho khoảng 80% hộ dân.
Ngoài đầu tư hạ tầng, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Khánh Hưng tiếp tục giữ vững 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và từng bước nâng cao. Đặc biệt, môi trường và an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí luôn được đặt lên hàng đầu. Định kỳ hàng quí, hàng tháng, xã ra quân vệ sinh, trồng cây và duy trì các tổ nhặt rác để giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Bí thư Đoàn xã - Huỳnh Văn Xuyên chia sẻ: “Khoảng 3 tháng một lần, Đoàn Thanh niên xã tổ chức cắt tỉa cây xanh, phát quang bụi rậm che khuất tầm nhìn trên các tuyến đường chính; đồng thời, dọn dẹp rác ở khu dân cư và tuyến đường trung tâm của xã là Đường tỉnh 831B. Những đợt cao điểm thì tất cả đoàn thể đồng loạt thực hiện và có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo xã. Qua đó, vừa phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, tạo sự gần gũi, động viên nhân dân chủ động tham gia bảo vệ môi trường”.
Là xã biên giới, Khánh Hưng thường xuyên tuyên truyền về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, gắn với thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hoạt động phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ, chính quyền địa phương 2 nước trong việc tuần tra, kiểm soát, phối hợp trong hoạt động song phương được duy trì nề nếp và hiệu quả, kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên khu vực biên giới.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Khánh Hưng phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 65 đến 70 triệu đồng/năm, hộ nghèo đa chiều dưới 2%,… Đây là những nhiệm vụ không hề dễ dàng nhưng với những kết quả đã đạt cùng sự nỗ lực vượt khó của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, chắc chắn rằng, xã sẽ có những bước phát triển mới, thực hiện đạt và vượt tất cả mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII đề ra, xây dựng địa phương ngày càng giàu, đẹp, văn minh./.
An Kỳ