Tiếng Việt | English

29/08/2018 - 10:09

Xây dựng lực lượng Cảnh sát biển tinh nhuệ, hiện đại

Việc xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiến thẳng lên“ Cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là một chủ trương đúng đắn, cần thiết.

Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

PV: 20 năm xây dựng và phát triển (28/8/1998 – 28/8/2018), Cảnh sát biển Việt Nam đã có nhiều thành tích rất tự hào trong đó đấu tranh chống cướp biển, chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy… Vai trò của Cảnh sát biển được khẳng định như thế nào đối với nhiệm vụ này thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn: Với vai trò chủ công trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy trên biển, lực lượng Cảnh sát biển luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát, bám nắm địa bàn, chủ trì và phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng có liên quan đấu tranh quyết liệt có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

Niềm tin, uy tín của lực lượng Cảnh sát biển trước Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng được khẳng định qua những chiến công trong hàng loạt đợt cao điểm, chuyên án đấu tranh với các hiện tượng, vụ việc nóng, nổi cộm.

Trong thời gian gần đây (chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay) qua công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 110 vụ/110 tàu/453 đối tượng, tang vật thu giữ: gần 23 triệu lít dầu, 81.907 lít xăng, 9.400 lít nhớt, hơn 21.000 tấn than, 8.739 tấn quặng, 1.846 tấn clinker, 162.450 bao thuốc lá, 114,9 kg pháo nổ, hơn 60 tấn con giống các loại. Trong đó: Khởi tố 6 vụ; Bàn giao cho các lực lượng chức năng điều tra, xử lý: 13 vụ/10 tàu/45 đối tượng, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,5 tỷ đồng và phát mại xung quỹ Nhà nước tổng số tiền là 253.828.037.281 đồng.

Cán bộ chiến sĩ tàu CSB 8003 BTL vùng CSB1 làm dây để lai kéo tàu bị nạn về đất liền

Điển hình, ngày 21/5/2017, tại khu vực biển cách Đông Nam Hòn La (Quảng Bình ) trên 100 hải lý, tổ công tác Cục Nghiệp vụ và pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phối hợp với C74/BCA tiến hành kiểm tra, bắt giữ tàu Nam Ninh 09-BLC đang vận chuyển 3.051 tấn quặng ilmenite (trị giá hàng hóa khoảng 15 tỷ đồng), tại thời điểm kiểm tra trên tàu có 11 thuyền viên, thuyền trưởng Nguyễn Văn Cương không xuất trình được giấy phép và các giấy tờ xuất khẩu hàng hóa, đồng thời khai nhận đang vận chuyển số hàng này đi sang Khâm Châu/Trung Quốc tiêu thụ thì bị bắt giữ. BTL Cảnh sát biển đã tiến hành hoàn chỉnh các thủ tục ban đầu, ra quyết định khởi tố vụ án, sau đó bàn giao cho C46/BCA điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, toàn lực lượng Cảnh sát biển đã chủ trì, phối hợp bắt giữ được 273 vụ/505 đối tượng, tang vật thu giữ: 666 bánh + 1,03 kg heroin; 20.747 viên + 98,9663 kg ma túy tổng hợp; 1 kg thuốc phiện; 99,76 kg cần sa cùng nhiều tang vật có liên quan.

Những kết quả trên đã được khẳng định, chứng minh vai trò to lớn của lực lượng Cảnh sát biển trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm nói chung và chống buôn lậu gian lận thương mại nói riêng rất quan trọng. Góp phần cùng các lực lượng khác ổn định kinh tế, xã hội, chống thất thu thuế đặc biệt là các ngành kinh doanh xăng dầu, khoáng sản… đã được Chính Phủ, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các bộ, ngành đánh giá cao.

Để hoàn thành tốt trọng trách nặng nề của mình, trong thời gian tới, BTL Cảnh sát biển sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm soát để đưa vào áp dụng. Đồng thời phổ biến, tập huấn, hướng dẫn những điểm mới của Bộ Luật hình sự và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự mới được sửa đổi, bổ sung để triển khai áp dụng hiệu quả.

Tiếp tục hoàn thiện Luật Cảnh sát biển và các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho lực lượng Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia kết hợp với đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là trao đổi, chia sẻ thông tin trong đấu tranh, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Hoàn thiện các Quy chế phối hợp giữa BTL Cảnh sát biển với các đơn vị An ninh và Cảnh sát theo biểu biên chế mới của Chính Phủ.

PV: Công tác đảm bảo an toàn, an ninh trên biển, tìm kiếm cứu nạn được Cảnh sát biển Việt nam tiếp tục tăng cường như thế nào, thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn: Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cảnh sát biển đã chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó công tác đảm bảo an toàn, an ninh trên biển, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của lực lượng. Toàn lực lượng coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, xác định trách nhiệm, quyết tâm cao nhất, tất cả vì tính mạng, tài sản của nhân dân.

Năm 2017, BTL CSB đã điều động 45 lần/chuyến tàu, xuồng/968 lượt cán bộ chiến sĩ (CBCS) tham gia TKCN, cứu hộ 44 vụ. Kết quả cứu được 258 người (trong đó có 1 người Indonesia) và 15 tàu cá của ngư dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, điều động 8 tàu/162 CB, CS thực hiện 6 vụ tìm kiếm cứu nạn. Kết quả cứu được 40 ngư dân, đáng chú ý, ngày 3/2/2018, tàu CSB 9001 đã cứu nạn thành công toàn bộ 12 ngư dân trên tàu cá BĐ-95066-TS bị chìm ở Tây Nam Phú Qúy (Bình Thuận) 34 hải lý.

Thời gian qua, tình hình an ninh, an toàn trên biển có nhiều diễn biến rất phức tạp, bên cạnh những hiện tượng thời tiết cực đoan như: bão, gió... xuất hiện không tuân theo quy luật tự nhiên do tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, là sự gia tăng nhanh chóng số lượng và mật độ tàu thuyền hoạt động trên biển, tiểm ẩn nhiều yếu tố gây mất an toàn, an ninh hàng hải trên biển. Tình hình đó đặt ra yêu cầu nặng nề đối với công tác đảm bảo an toàn, an ninh trên biển, TKCN của lực lượng Cảnh sát biển. BTL Cảnh sát biển tiếp tục tăng cường thực hiện một số công tác sau: Thứ nhất, tổ chức trực cứu hộ cứu nạn 24/24 giờ trong ngày từ cơ quan xuống các đơn vị. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình an ninh, an toàn, thời tiết biển, tăng cường khả năng dự báo, thu nhận và xử lý thông tin an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất khi có tình huống xảy ra.

Thứ hai, tăng cường huấn luyện và luyện tập các phương án, các tình huống bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ cứu nạn, phòng chống bão lụt để nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành và khả năng cơ động xử lý tình huống của lực lượng trong các điều kiện khó khăn phức tạp.

Thứ ba, các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh, các tàu Cảnh sát biển trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển chủ động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về cứu hộ cứu nạn từ đó nâng cao nhận thức trách nhiệm cho mọi người về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và TKCN.

Thực hiện tốt nhiệm vụ này, Cảnh sát biển đã tạo được uy tín đối với nhân dân, cấp ủy, chính quyền các cấp, tô thắm thêm bản chất, truyền thống, hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ- Người chiến sỹ Cảnh sát biển” trong thời bình.

Cán bộ chiến sĩ vùng CSB 1 Kiểm đếm số thuốc lá ngoại bị bắt giữ

PV: Xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương. Sự lớn mạnh của lực lượng trong thời gian qua được thể hiện cụ thể như thế nào thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn: Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X đã xác định Lực lượng Cảnh sát biển là một trong 6 lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đây là một yêu cầu rất cao nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự trên biển.

20 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những khó khăn, thử thách. Cùng với sự phát triển, lực lượng luôn được sự quan tâm, chăm lo, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đến nay Lực lượng đã phát triển lên 21 đầu mối, 4 Bộ Tư lệnh vùng; 2 Hải đoàn; 6 Đoàn; 1 Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ; trang bị 120 phương tiện tàu, xuồng, trong đó có nhiều gam tàu hiện đại; Hệ thống máy bay tuần thám biển Casa 212; Trung tâm chỉ huy Cảnh sát biển; doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp; cơ cấu biên chế tổ chức xây dựng lực lượng vững về chính trị, mạnh về chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Việc xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiến thẳng lên“ Cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” là một chủ trương đúng đắn, cần thiết mà Đảng, Nhà nước, Quân đội đã quan tâm, chăm lo, đầu tư xây dựng, phù hợp với thực tiễn khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ vững an ninh trật tự an toàn trên biển bằng các biện pháp pháp luật và biện pháp dân sự.

PV: Thời gian tới tình hình an ninh trên biển dự báo vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Cảnh sát biển Việt Nam có những giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển thưa ông?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong trong tình hình mới, thời gian tới Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh xác đinh tập trung chỉ đạo các đơn vị trong lực lượng thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, Trước hết tập trung xây dựng yếu tố con người, đây là nhiệm vụ hàng đầu, là khâu then chốt có ý nghĩa quan trọng quyết định đến mọi thẳng lợi trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, chủ động tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng lực lượng, tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc, làm cơ sở cho Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự an toàn và thực thi pháp luật trên biển.

Ba là, Tập trung xây dựng Lực lượng vững mạnh toàn diện, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đây là yếu tố rất quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ cả thường xuyên cũng như đột xuất.

Bốn là, làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng như: Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Công an, Kiểm ngư, Hải quan bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, giữ gìn an ninh trật tự trên biển.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật cho nhân dân các địa phương ven biển, nhất là bà con ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển.

Sáu là, nâng cao năng lực, trong hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật trên biển. Đảm bảo vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển. Qua đó góp phần xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xứng đáng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

20 năm xây dựng và trưởng thành, dù ở đâu, trong bất kỳ giai đoạn, hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân; phát huy tính tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo; bằng tinh thần dũng cảm, ý chí tiến công, bằng sức lực, trí tuệ và cả hy sinh xương máu, Lực lượng Cảnh sát biển đã lập nên nhiều chiến công thành tích rất đáng tự hào. Với những thành tích nổi bật của 20 năm xây dựng, phát triển, toàn Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng 8 Huân chương Chiến công các hạng Nhất, Nhì, Ba; 9 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng Nhất, Nhì, Ba; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Trong buổi Lễ kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Quân công hạng Ba do Đảng, Nhà nước trao tặng./.

Thu Lan/VOV.VN

Chia sẻ bài viết