Đồn Biên phòng Bình Thạnh phối hợp tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia
Ông Hai Ngành - nòng cốt của lực lượng bộ đội biên phòng
Ven con đường nông thôn nhỏ chạy từ cột mốc 200, men theo bờ kênh đến ấp Gò Dồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, mùa này, lúa bắt đầu chớm xanh, tiếng máy bơm liên tục nổ giòn đưa nước về tắm mát những cánh đồng biên giới. Nhìn những cánh đồng lúa, ông Hai Ngành (Võ Văn Ngành, ấp Gò Dồ Nhỏ, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) không khỏi xót xa. Bởi ông lớn lên trên mảnh đất này, gắn bó với vùng biên giới nhưng 4 mùa vụ qua, gia đình ông đã bàn giao gần 7ha đất sản xuất để thực hiện nghiêm Hiệp định phân giới, cắm mốc.
“20 năm nay, nông dân vui mừng vì lúa trúng mùa, được giá. Cứ mỗi năm, 1ha lúa cho lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Đối với nông dân, số tiền ấy khỏe re để lo cho cuộc sống, sinh hoạt. Vậy mà, dù đã bàn giao đất sản xuất nhưng những hộ có đất như chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ. Nghĩ cũng tiếc khi không thể sản xuất trong mấy vụ qua. Thiệt thòi chứ…!" - ông Hai Ngành tâm sự.
Nói rồi, ông quay sang Thượng úy Hoàng Đình Ngọc - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng (ĐBP) Bình Thạnh, và nói: “Tiếc là tiếc vậy thôi chứ những người nông dân sống trên biên giới như chúng tôi cũng hiểu phải khó khăn lắm Nhà nước mới đạt được những thỏa thuận về phân giới, cắm mốc. Vì vậy, khi triển khai đến địa phương, chúng tôi nghiêm túc chấp hành. Chúng tôi chỉ mong cho tuyến biên giới luôn được hòa bình, người dân được sống trong bình yên. Đó mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người gắn bó với biên giới như chúng tôi”.
Gia đình ông Hai Ngành là 1 trong 2 hộ có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất sau khi phân giới, cắm mốc. Dù chịu thiệt thòi về kinh tế khi không thể sản xuất nhưng ông vẫn là hạt nhân tiêu biểu cùng lực lượng BĐBP tham gia vận động quần chúng chấp hành nghiêm quy định về phân giới, cắm mốc.
Ông Hai Ngành cho biết: “Đa số người dân chịu ảnh hưởng từ phân giới, cắm mốc trên địa bàn xã đều chấp hành nghiêm quy định. Tuy nhiên, do chậm bồi thường, hỗ trợ nên gần đây, một số hộ phản đối, kiến nghị. Có người tìm đến gặp tôi nhiều lần, đề nghị tôi cùng ký đơn phản ánh hay kêu gọi tôi tham gia khiếu kiện. Những lần như vậy, tôi đều khuyên mọi người bình tĩnh, không nghe theo người khác xúi giục dễ dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật”.
Theo Thượng úy Hoàng Đình Ngọc, nhiều năm qua, ông Hai Ngành cùng nhiều hộ dân trực tiếp sống trên tuyến biên giới qua địa bàn do đơn vị quản lý luôn là hạt nhân tiêu biểu giúp lực lượng BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là những hạt nhân giúp đơn vị xây dựng thế trận biên phòng lòng dân ngày càng vững chắc.
Đẩy mạnh tuyên truyền về phân giới, cắm mốc
Thông tin từ ĐBP Bình Thạnh, hiện Đồn quản lý đoạn biên giới dài trên 9,6km, qua địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa với 12 cột mốc gồm 3 cột mốc chính và 9 cột mốc phụ. Những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo, quan tâm của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Ban Chỉ huy Đồn thực hiện tốt công tác quản lý biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.
Thượng úy Hoàng Đình Ngọc – Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Bình Thạnh cùng ông Hai Ngành trò chuyện trong những chuyến công tác tại địa bàn
Thực hiện Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư năm 2019 về dừng sản xuất trên diện tích đất vượt quá đường biên giới đã phân giới, cắm mốc, bàn giao diện tích đất cho phía Campuchia, ĐBP Bình Thạnh tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vận động quần chúng nhân dân ngừng sản xuất và thu hoạch hoa màu trước ngày 31/12/2021.
Những hộ dân bị ảnh hưởng đều chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như địa phương. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, chấp hành chủ trương, các hộ dân đã dừng sản xuất nhưng chưa được nhận đền bù, hỗ trợ của Nhà nước. Thống kê, hiện có 94 hộ/186 thửa với diện tích khoảng 172ha đất sản xuất thuộc diện thu hồi, bàn giao cho phía Campuchia, trong đó, có 20 hộ đang vay nợ ngân hàng với tổng số tiền trên 9,3 tỉ đồng. Từ đầu năm 2022, ít nhất đã 3 lần người dân có ý định mang máy móc ra biên giới để canh tác trên diện tích đất bàn giao.
Đặc biệt, sau khi đo đạc, khảo sát, tháng 3/2023, lực lượng chức năng phía Campuchia xây dựng nhà ở xã hội giáp với đường biên đã phân giới, cắm mốc, người dân có ý định ngăn cản phía Campuchia thi công các công trình. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, vận động cùng sự vào cuộc, phối hợp của các lực lượng, số hộ dân có đất sản xuất vượt quá đường biên giới đã chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không để xảy ra điểm nóng gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, xúi giục.
Theo Thiếu tá Đặng Văn Nhu - Phó Đồn trưởng ĐBP Bình Thạnh, để bảo đảm ổn định tình hình trong nhân dân, cấp ủy, Ban Chỉ huy Đồn quán triệt, tuyên truyền đến 100% cán bộ, chiến sĩ và người dân trên địa bàn qua nhiều hình thức, từ đó tạo sự thống nhất nhận thức về chủ trương không sản xuất trên phần đất thuộc diện thu hồi để bàn giao cho Campuchia theo Hiệp ước về hoạch định biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, Đồn chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, nhân dân, thường xuyên tuần tra, kiểm soát biên giới, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.
Song song đó, ĐBP Bình Thạnh chủ động nắm các chính sách của địa phương để tuyên truyền cá biệt đối với một số hộ gia đình. Qua công tác phối hợp tổ công tác Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và chính quyền địa phương, Đồn tuyên truyền cá biệt được 25 hộ cũng như tuyên truyền nhỏ, lẻ kết hợp tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh đến từng hộ dân. Ngoài ra, ĐBP Bình Thạnh còn tham mưu Đảng ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Mộc Hóa ban hành các văn bản kiến nghị Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về hỗ trợ các hộ dân gặp nhiều khó khăn sau khi thu hồi đất.
Theo Thiếu tá Đặng Văn Nhu, qua công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện biện pháp hỗ trợ tạm thời, các hộ dân yên tâm và chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần giữ vững tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Dự báo đúng tình hình, xây dựng giải pháp sát thực tế
Thông tin từ ĐBP Bình Thạnh, thời gian tới, nếu việc hỗ trợ, đền bù cho người dân có đất sản xuất vượt quá đường biên giới sau phân giới, cắm mốc chậm sẽ dễ tiềm ẩn những hành động bộc phát như kêu gọi người dân tụ tập đông người, tiến hành các hoạt động cản trở thi công công trình của phía Campuchia, kêu gọi đông người viết đơn, thư khiếu nại hay tiếp tục canh tác trên phần đất đã bàn giao theo quy định.
Điều này cũng khiến các thế lực thù địch có thể lợi dụng, câu móc, kích động, xúi giục, tạo điểm nóng trên khu vực biên giới. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy ĐBP Bình Thạnh xác định, trước mắt, Đồn phối hợp chặt chẽ địa phương và lực lượng chức năng có liên quan tiếp tục vận động các hộ dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như địa phương.
Đồn tổ chức lực lượng nắm chắc tình hình nội, ngoại biên để tham mưu, phối hợp chặt chẽ cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chủ động xây dựng các kế hoạch, tình huống có thể xảy ra cũng như kiến nghị cấp trên sớm bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi và các giải pháp hỗ trợ tạm thời để người dân ổn định cuộc sống./.
Kiên Định