Tiếng Việt | English

08/05/2023 - 14:21

Xây dựng và phát huy 'thế trận lòng dân' trong tình hình mới

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đất nước ta luôn phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhưng chưa bao giờ chúng ta khuất phục. Thời đại nào cũng viết nên những trang sử hào hùng, được dệt từ sức mạnh của “lòng dân”.

Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định, quần chúng nhân dân là chủ nhân chân chính của lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước” và “không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được...”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng yếu tố “lòng dân”, lấy việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm động lực chủ yếu để tạo nên sức mạnh tổng hợp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ ông cha chúng ta đã đúc kết được “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và “khoan thư sức dân để tính kế sâu rễ, bền gốc”, đó là thượng sách để giữ nước. Sự mất hay còn của Tổ quốc, sự hưng thịnh hay suy vong của một triều đại đều do “lòng dân” có được quan tâm, chăm lo, bồi đắp hay là bị coi nhẹ, xem thường.

Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, cho nên đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cách mạng, làm cho “thế trận lòng dân” không ngừng được tăng cường, bổ sung những yếu tố mới, rất độc đáo và hiệu quả. Đó là: 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” của quân và dân ta để làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954, buộc thực dân Pháp phải rút quân về nước. Với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”,... dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân và quân ta đã làm nên nhiều thắng lợi vĩ đại, đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm gần đây, để xây dựng “thế trận lòng dân”, Đảng ta tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng, hiện nay, nhiều vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc trong nhân dân vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất đang từng ngày, từng giờ đánh mất niềm tin của nhân dân. Trong khi đó, các thế lực phản động, thù địch triệt để lợi dụng những hạn chế, yếu kém của ta; lợi dụng các loại vũ khí: “Dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để xuyên tạc, bôi nhọ, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, chúng ta cần phải tập trung xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay.

Để làm được điều đó, trước hết, phải làm sao cho “Ý Đảng hợp với lòng dân”. Đảng ra đời là vì lợi ích của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng là nhằm “lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân”. Cho nên, Đảng phải quan tâm chăm lo đến lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì dân mới một lòng, một dạ theo Đảng. Và chỉ khi nhân dân có niềm tin với Đảng thì toàn dân mới đoàn kết lại thành một khối vững chắc, chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng. Điều đó đã được chứng minh rất sinh động trong thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi dân ta có Đảng.

Nhìn lại cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta sẽ thấy rất rõ việc quy tụ sức mạnh lòng dân. Các tầng lớp nhân dân sẵn sàng và tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho công tác phòng, chống dịch. Tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chúng ta không chỉ thấy đội ngũ nhân viên y tế mà còn có lực lượng thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh và cả các chức sắc tôn giáo,... Hình ảnh các chiến sĩ lực lượng vũ trang vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu, đi chợ thay các hộ gia đình trở nên quen thuộc trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là những nhân tố góp phần vào thành công chung của "cuộc chiến" chống đại dịch Covid-19.

Có thể thấy rằng, “thế trận lòng dân” luôn được xây dựng và phát huy trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn cách mạng của đất nước. Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” là một yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

Tấn Hải

Chia sẻ bài viết