Tiếng Việt | English

19/03/2020 - 14:53

Châu Thành hướng đến nâng cao chất lượng trái thanh long

Năm 2020, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn nhưng nhờ biết cách phát huy thế mạnh của từng vùng nên kinh tế nông nghiệp của huyện Châu Thành, tỉnh Long An vẫn phát triển đồng bộ.

Ở các xã vùng hạ, nông dân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Các xã vùng thượng tập trung trồng thanh long. Đến nay, toàn huyện có gần 9.100ha thanh long (tăng 1.017ha so cùng kỳ), trong đó có 8.100ha thanh long ruột đỏ, diện tích cho trái 7.837ha, sản lượng đạt 350.000 tấn (tăng 90.461 tấn so cùng kỳ năm 2018). 

Thực hiện đề án 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đến nay, Châu Thành có 2.082ha với 3.465 hộ tham gia

Thực hiện đề án 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đến nay, Châu Thành có 2.082ha với 3.465 hộ tham gia

Ông Trương Minh Trung (ấp Cầu Đôi, xã An Lục Long) cho biết: “Gia đình tôi canh tác 2ha thanh long, mỗi năm thu nhập từ 400-500 triệu đồng”. Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đầu ra của thanh long tương đối ổn định. Xã Long Trì có 11 hộ dân sản xuất 11 ha thanh long theo quy trình GlobalGAP, được Công ty Ngọc Song Châu (TP.HCM) bao tiêu sản phẩm với giá 25.000 đồng/kg (thanh long chính vụ), 30.000 đồng/kg (thanh long trái vụ). Xã An Lục Long có 4 hộ dân là thành viên của Hợp tác xã Thanh long Long Hội, canh tác 4,24ha thanh long theo quy trình GlobalGAP, được Công ty Rau quả Cần Thơ bao tiêu với giá 30.000 đồng/kg (chính vụ), 35.000 đồng/kg (trái vụ). Ông Trương Minh Trung (xã An Lục Long) cho biết: “Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP không khó, phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng theo danh mục, không lạm dụng thuốc kích thích hoặc thuốc trừ sâu. Giai đoạn sinh trưởng cuối của trái, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm thời gian cách ly. Quan trọng là phải ghi nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. Ông Trung cho biết thêm, từ khi ký hợp đồng bao tiêu với Công ty Rau quả Cần Thơ, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông lãi từ 400-500 triệu đồng/ha. Năm 2020, tổ sản xuất thanh long của ông Trương Minh Trung có thêm 3 thành viên mới ký kết hợp đồng với Công ty Rau quả Cần Thơ, nâng tổng số lên 7 thành viên với 7ha thanh long được bao tiêu.

Thực hiện đề án 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đến nay, Châu Thành có 2.082ha với 3.465 hộ tham gia (đạt 104% kế hoạch). Ngoài ra, huyện đang triển khai sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP cho 11 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã với 293,67ha, 498 hộ tham gia và tiếp tục đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí cho 59 tổ hợp tác, diện tích 1.116,63ha với 1.889 hộ tham gia. Để trái thanh long Châu Thành phát triển bền vững, thời gian tới, huyện khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, logo cho trái thanh long, hoàn thành chứng nhận VietGAP, chứng nhận chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, mã số, mã vạch,... để xúc tiến thương mại, tìm thị trường xuất khẩu theo đường chính ngạch 

Nhằm nâng cao chất lượng thanh long Châu Thành, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính./.

Minh Trực

Chia sẻ bài viết